Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev vừa gặp nhau tại Moscow để thảo luận các vấn đề an ninh toàn cầu, trong đó có Ukraine và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một thông báo ngắn của Hội đồng An ninh Liên bang Nga đưa ra hôm 21/11 cho biết rằng ông Patrushev và ông Lâm đã tiến hành một cuộc tham vấn giữa Nga và Việt Nam về an ninh tại thủ đô của Nga.
Mạng lưới tin tức RT và hãng tin Sputnik, đều của chính phủ Nga, cũng đưa tin về cuộc gặp giữa bộ trưởng Công an Việt Nam và thư ký Hội đồng An ninh Nga cùng các đại diện của các bộ và ban ngành liên quan của hai bên. Tuy nhiên, thông tin về cuộc gặp này không xuất hiện trên truyền thông Việt Nam.
Hội đồng An ninh Nga, cơ quan tham vấn cho Tổng thống Vladimir Putin trong các vấn đề an ninh quốc gia và lợi ích chiến lược, cho biết rằng ông Patrushev và ông Lâm đã bàn thảo “một loạt các vấn đề song phương” với trọng tâm là “hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh” của Nga và Việt Nam.
Thông báo của cơ quan do Tổng thống Putin làm chủ tịch còn cho biết Bộ trưởng Công an Việt Nam và thư ký Hội đồng An ninh Nga cũng trao đổi ý kiến về tình hình thế giới, trong đó có “các vấn đề về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ukraine.”
Hai bên nói rằng hợp tác về các vấn đề an ninh là một trong những nền tảng của quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam.
Hội đồng An ninh Nga không cho biết ông Lâm và ông Patrushev đã trao đổi ý kiến gì về Ukraine, nơi ông Putin đã phát động cuộc chiến tranh bị thế giới phương Tây lên án trong gần 11 tháng qua.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia không lên án hành động xâm lược lãnh thổ Ukraine của Nga và tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác trên mọi mặt với Moscow.
Ngoài việc phản đối nỗ lực loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vì hành động của Moscow ở Ukraine hồi đầu năm nay, Việt Nam còn đưa quân nhân đến Nga để tranh tài quân sự và đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov đến Hà Nội cũng như cho ba tàu của hải quân Nga cập cảng Cam Ranh ở Khánh Hòa.
Quan điểm ‘lập lờ’ của Việt Nam về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, trong đó Moscow bị các nước phương Tây cô lập về cả kinh tế và chính trị, đã khiến Đức và Mỹ phải lên tiếng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi gặp mặt Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ở Hà Nội trong tháng này đã kêu gọi chính phủ Việt Nam thể hiện quan điểm phản đối rõ ràng đối với cuộc xâm lược, mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, ở Ukraine. Mặc dù kêu gọi các bên “giải quyết xung đột phù hợp với luật phát quốc tế” nhưng Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang và phái đoàn của ông đã thay mặt chính phủ Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng LHQ ở New York để tránh lên án Nga.
Cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ, ông Derek Chollet, hồi cuối tháng 4 cũng đã kêu gọi Việt Nam đánh giá lại mối quan hệ với Nga sau khi Moscow bị lên án và cô lập vì cuộc chiến tranh ở Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sau đó vào tháng 6 cáo buộc một công ty của Việt Nam đã cung cấp hỗ trợ cho quân đội của Nga và đưa công ty này vào danh sách đen thương mại của Mỹ.
Ngoại trưởng Lavrov khi đến thăm Hà Nội hồi đầu tháng 7 khẳng định rằng Nga, hiện vẫn đang là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, và quốc gia Đông Nam Á “biết cách tiếp tục” quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư trong môi trường hiện tại sao cho “không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đơn phương và phi pháp do Hoa Kỳ, EU và các đồng minh của họ trong khu vực công bố”.
Diễn đàn