Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter gọi vụ tấn công hôm thứ bảy vào một bệnh viện ở Afghanistan giết chết ít nhất 22 người là một sự tổn thất sinh mạng bi thảm và hứa tiến hành một cuộc điều tra cặn kẽ và minh bạch để xác định xem có sự dính líu của nhân viên quân sự Mỹ hay không. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, ông Carter thừa nhận khí tài quân sự Mỹ đã đươc sử dụng để hỗ trợ cho cuộc hành quân của Afghanistan xung quanh thành phố Kunduz vào lúc xảy ra vụ không kích.
Ngày hôm qua, trong lúc bắt đầu chuyến công du 5 ngày đến Châu Âu, ông Carter đã bày tỏ sự đau buồn đối với vụ việc xảy ra tại bệnh viện của Hội Y Sĩ Không Biên Giới (MSF).
"Đây là một vụ tổn thất sinh mạng bi thảm. Chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự việc những người vô tội bị mắc kẹt trong những vụ bạo động như thế này; và về phần Hoa Kỳ, về phần các lực lượng Hoa Kỳ, chúng tôi có quyết tâm tiến hành một cuộc điều tra cặn kẽ và minh bạch, và chúng tôi sẽ buộc bất cứ người nào đã làm những gì mà họ không nên làm phải chịu trách nhiệm."
Bộ trưởng Carter cho biết khí tài quân sự Mỹ đã được sử dụng trong vùng phụ cận thành phố Kunduz. Nhưng ông không cho biết những khí tài đó có dính líu gì với vụ tấn công bệnh viện hay không. Ông nói rằng tình hình khi đó rất rối ren và phức tạp, và phải mất thời giờ để tìm ra sự thật.
Bộ trưởng Carter phát biểu như vậy trong lúc Hội Y Sĩ Không Biên Giới yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về vụ oanh kích mà họ cho biết đã giết chết 12 nhân viên bệnh viện cùng với 10 bệnh nhân.
Các giới chức Mỹ không muốn nêu danh tánh cho biết các lực lượng đặc biệt Mỹ hỗ trợ cho các lực lượng Afghanistan đã bị tấn công và họ yêu cầu được yểm trợ không lực.
Giới hữu trách Afghanistan hôm qua nói rằng từ 10 đến 15 chiến binh Taliban núp trong bệnh viện và trong khuôn viên bệnh viện. Ông Hamdullah Danishi, quyền tỉnh trưởng tỉnh Kunduz nói với tờ Washington Post rằng “chúng tôi đã chịu đựng hoả lực của họ khá lâu” trước khi có hành động đáp trả.
Tuy nhiên, Hội Y Sĩ Không Biên Giới cho biết trong một thông cáo phổ biến hôm chủ nhật rằng “Nhân viên của chúng tôi không có ai báo cáo về vụ giao tranh nào bên trong khuôn viên bệnh viện trước khi xảy ra vụ oanh kích của Mỹ.” Tổ chức cứu trợ này nói thêm rằng “Dù thế nào đi nữa, thì cũng không bao giờ có thể biện minh được cho việc dội bom một bệnh viện đang hoạt động.”
Hội Y Sĩ Không Biên Giới mô tả vụ oanh kích hôm thứ bảy là “một vụ dội bom liên tục” kéo dài “hơn 30 phút sau khi các giới chức quân sự Mỹ và Afghanistan ở Washington và Kabul được thông báo.”
Hôm thứ bảy, một phát ngôn viên của lực lượng Mỹ ở Afghanistan nói rằng vụ không kích của Mỹ “có lẽ đã gây ra thiệt hại ngoài ý muốn cho một cơ sở y tế ở gần đó.”
Ông Jonah Blank, một chuyên gia Nam Á của tổ chức nghiên cứu RAND, tán dương những hoạt động nhân đạo của Hội Y Sĩ Không Biên Giới và kêu gọi mọi người chớ nên phán đoán một cách vội vã.
"Chúng ta thật sự chưa biết được sai sót xảy ra ở đâu. Đương nhiên đây là một thảm kịch kinh hoàng, không nên xảy ra. Điều mà chúng ta chưa biết là tại sao nó đã xảy ra. Chúng ta không biết phải chăng đây là một sai lầm vẫn thường xảy ra trong chiến tranh, phải chăng có chiến binh Taliban ở gần đó và bị tấn công, hay chỉ vì thiếu thông tin liên lạc. Nhưng tôi nghĩ rằng có một điều mà chúng ta biết, hoặc nên biết, là không có cách nào để tôi có thể cho rằng đây là một vụ oanh kích có chủ ý nhắm vào những thành phần phi tác chiến."
Ông Blank cho biết vì sứ mạng tác chiến của liên minh quốc tế do NATO dẫn đầu giờ đây đã chấm dứt, cho nên những vụ oanh kích như vậy thường xuyên được yêu cầu bởi các lực lượng an ninh Afghanistan, và sự hiện diện của lực lượng đặc biệt Mỹ ở hiện trường cho thấy các lực lượng Afghanistan không thể tự mình đánh bật các chiến binh Taliban ra khỏi thành phố Kunduz.
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Afghanistan, ông Ryan Crocker, hôm qua nói với đài truyền hình Fox rằng ông không tin là thảm kịch này sẽ làm thay đổi quan điểm của ngoi dân Afghanistan là đất nước họ tiếp tục cần có sự hiện diện của Hoa Kỳ.
"Họ sẽ biết rằng đó là một sai lầm ngoài ý muốn. Không nước nào, không quân đội nào, làm nhiều hơn nước Mỹ để tránh xảy ra những vụ việc loại này. Nhưng rất không may là nó đã xảy ra. Tôi không nghĩ rằng việc này sẽ làm thay đổi cái nhìn của người Afghanistan đối với chúng tôi. Bây giờ họ rất cần chúng tôi. Họ rất muốn chúng tôi ở lại, tiếp tục giao thiệp và hỗ trợ quân đội của họ. Đó sẽ là phản ứng chính của họ."
Theo kế hoạch, các lực lượng Mỹ ở Afghanistan, hiện ở mức 9.800 người, sẽ giảm xuống còn khoảng 1.000 người vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, tin tức báo chí cho biết các giới chức quốc phòng Mỹ muốn giữ lại vài ngàn quân ở Afghanistan sau năm 2016 vì tình hình an ninh ở đó vẫn còn thiếu khả quan.
Tại Kunduz, các giới chức cho biết một số cửa tiệm hôm nay đã mở cửa lại và dân chúng bắt đầu ra khỏi nhà lần đầu tiên kể từ tuần trước, khi thành phố này bị phe Taliban tiến chiếm. Tin tức cho biết các lực lượng chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết thành phố này sau những trận đụng độ kịch liệt với quân nổi dậy.
Cuối tuần qua, giới hữu trách Afghanistan cho biết ít nhất 60 người thiệt mạng và 466 người bị thương trong cuộc giao tranh để giành quyền kiểm soát thành phố này.