Bộ Thương mại Mỹ nhận định rằng các sản phẩm lốp cho ô tô và xe tải hạng nhẹ của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ được trợ giá một cách không công bằng vì sự định giá thấp tiền tệ của quốc gia Đông Nam Á.
Kết luận cuối cùng của cuộc điều tra chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe của Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra hôm 24/5.
Cuộc điều tra này được DOC khởi xướng hồi tháng 6 năm ngoái, dưới thời Tổng thống Donald Trump, để xem liệu các nhà sản xuất ở Việt Nam có đang nhận trợ cấp không công bằng hay không. Cuộc điều tra được khởi xướng trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội công nhân ngành thép Mỹ và các mặt hàng từ Việt Nam bị điều tra bán phá giá và chống trợ cấp là lốp xe khách, xe tải hạng nhẹ.
Theo kết luận điều tra sơ bộ được DOC đưa ra hồi giữa tháng 1 năm nay, chỉ vài ngày trước khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, bộ này cho rằng các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá lốp xe ô tô vào Mỹ. Trong khi đó, các đối tác bị điều tra khác đều bị cho là đã bán phá giá các sản phẩm này.
Tuy nhiên, DOC hôm 24/5 khẳng định trong quyết định cuối cùng rằng các sản phẩm lốp xe tô tô và xe tải hạng nhẹ nhập từ Việt Nam được trợ cấp một cách không công bằng do tiền đồng bị định giá thấp. Đây là lần đầu tiên DOC đưa ra kết luận như vậy.
Theo phát hiện của DOC, lốp xe từ Việt Nam được trợ giá với biên độ từ 6,23% đến 7,89% thông qua việc quy đổi đồng đô la Mỹ sang tiền đồng Việt Nam với tỷ giá hối đoái được định giá thấp.
Trong cuộc điều tra này, DOC cho biết rằng lốp xe xuất khẩu từ Việt Nam và 3 quốc gia kể trên đã bị bán phá giá ở mức thấp hơn thị trường Hoa Kỳ. Trong khi Hàn Quốc có mức phá giá từ 14,72% đến 27,05%, Đài Loan từ 20.04% đến 101,84%, Thái Lan từ 14,62% đến 21,09% thì Việt Nam có mức phá giá là 22,27%.
Bộ Công thương Việt Nam chưa lên tiếng về kết luận cuối cùng của DOC, trong đó lật ngược đánh giá hồi tháng 1 mà theo sau đó Bộ Công thương cho biết rằng các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam như Sailun, Kenda, Bridgestone, Kumbo và Yokohama đều được coi là không bán phá giá, trong khi các doanh nghiệp còn lại chịu mức thuế suất toàn quốc là 22.3%.
Việt Nam đã bị Mỹ điều tra về việc định giá thấp tiền đồng và Bộ Tài chính Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đưa quốc gia Đông Nam Á vào danh sách các nước thao túng tiền tệ hồi năm ngoái. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 4 năm nay đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này dù cho rằng Việt Nam đã vượt ngưỡng khả dĩ để bị gắn nhãn thao túng tiền tệ theo Luật Thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ. Bộ này cho biết không có đủ bằng chứng để kết luận rằng Việt Nam thao túng tỷ giá hối đoái để đạt lợi thế thương mại hoặc cản trở việc điều chỉnh cán cân thanh toán. Việt Nam cũng luôn khẳng định rằng chính sách tiền tệ của mình không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong đó có mặt hàng lốp xe ô tô. Trong năm 2020, Mỹ nhập khẩu sản phẩm lốp xe trị giá hơn 542 triệu USD, tăng gần 131 triệu USD so với năm 2018. Hoa Kỳ nhập tổng cộng gần 4 tỷ đô la sản phẩm này từ Việt Nam và 3 nước cùng bị điều tra về bán phá giá.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa ra quyết định liệu có áp thuế chống trợ giá lên mặt hàng lốp ô tô vừa bị điều tra của Việt Nam và 3 nước châu Á kể trên hay không vào giữa tháng 7.
Cũng trong tháng này, Mỹ đã khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam và một số nước khác, theo Bộ Công thương Việt Nam.
Luật cho phép Mỹ áp dụng các loại thuế chống trợ giá đối với các mặt hàng nhập khẩu từ các nước có nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam và Trung Quốc được Tổng thống Barack Obama ký ban hành hồi tháng 3/2012.