Đường dẫn truy cập

Bộ Nội vụ Việt Nam ‘chưa đề nghị’ lên chính phủ về sáp nhập các tỉnh


Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng họp báo, 19/7/2021.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng họp báo, 19/7/2021.

Bộ Nội vụ Việt Nam cho hay họ chưa đề nghị lên chính phủ về việc xem xét sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, báo chí trong nước loan tin hôm 19/7.

Các trang tin của VTV, Thanh Niên, Tiền Phong và một số báo khác tường thuật rằng Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nói trong một cuộc họp báo vào sáng 19/7 rằng bộ chưa đề xuất với chính phủ về sáp nhập các tỉnh vì đây là vấn đề quan trọng, cần nghiên cứu thấu đáo, thận trọng và kỹ lưỡng.

Thứ trưởng Thăng được báo chí trích lời lưu ý rằng việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính có liên quan đến các vấn đề an ninh quốc phòng, văn hóa và một số mặt khác. “Quá trình xây dựng đề án phải làm rất nhiều bước, nhiều chiều, đặc biệt phải đánh giá tác động qua nhiều vòng thẩm tra”, ông nói.

Ông Thăng khẳng định rằng: “Bộ Nội vụ chưa đưa ra danh sách, cũng chưa đề nghị lên chính phủ xem xét sáp nhập bất cứ đơn vị hành chính cấp tỉnh nào”, các bản tin cho hay.

Trong vài ngày trước, báo chí trong nước loan tin Bộ Nội vụ đang soạn bộ tiêu chuẩn mới về các đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, có thể dẫn đến việc sáp nhập nhiều tỉnh.

Theo dự thảo mà VTV và Thanh Niên nói là sẽ được đưa ra để lấy ý kiến từ nhân dân, về đơn vị cấp tỉnh, điều kiện để các tỉnh miền núi, vùng cao không phải sáp nhập là họ phải có quy mô dân số từ 900.000 người và diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên.

Đối với những tỉnh không phải miền núi, điều kiện là có quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên.

VTV đối chiếu với kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 của Việt Nam và chỉ ra 10 tỉnh dân số ít nhất là Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Kon Tum, Đắk Nông, Ninh Thuận và Hậu Giang; bên cạnh đó là 10 tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước gồm Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và Vĩnh Long.

Theo quan sát của VOA, nội dung dự thảo dẫn đến nhiều bàn bạc, tranh luận xôn xao của công chúng trên mạng xã hội.

Những người ủng hộ ý tưởng sáp nhập tỉnh bày tỏ ý kiến rằng đây là việc nên làm sớm vì ngày nay, với sự phát triển về công nghệ, về tri thức và kỹ năng của công chức, viên chức, việc sáp nhập sẽ giúp giảm biên chế và chi tiêu ngân sách nhà nước, đồng thời làm tăng hiệu quả hoạt động.

Ngược lại, không ít người nghi ngại hoặc phản đối ý tưởng này, cho rằng những bài học trong quá khứ từ 1954 đến 2004 cho thấy việc sáp nhập tỉnh ở Việt Nam không làm cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy, thậm chí có thể bị xem là thất bại vì rốt cuộc các tỉnh đã nhập vào lại phải tách ra.

Tại cuộc họp báo hôm 19/7, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay việc bộ nghiên cứu và xây dựng dự thảo về sắp xếp lại các đơn vị hành chính, bao gồm cả cấp tỉnh, là để thực hiện đường lối của đảng cộng sản đề ra trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ 18, các báo trong nước tường thuật.

Ông Thăng nói thêm rằng “Về việc này, Bộ Nội vụ sẽ trình đề án vào thời điểm thích hợp, không ấn định một thời điểm cụ thể trong năm 2022”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG