Đường dẫn truy cập

Bộ Ngoại giao Mỹ ‘đánh giá cao’ việc Việt Nam mua bán điện trực tiếp


Đường dây tải điện ở Hà Nội, ngày 8/6/2023.
Đường dây tải điện ở Hà Nội, ngày 8/6/2023.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22/7 khen ngợi việc Việt Nam triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp, cho rằng đó là “một thắng lợi” hướng đến năng lượng sạch.

Cục Tài nguyên Năng lượng (ENR) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “hoan nghênh” việc Chính phủ Việt Nam ban hành một nghị định vào ngày 3/7/2024 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, theo thông cáo của bộ hôm 22/7.

Cục này đánh giá rằng cơ chế nêu trên được các công ty và nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân trong nước và quốc tế ủng hộ, sẽ là một cột mốc quan trọng trên lộ trình tiến tới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chính sách mới sẽ cho phép các doanh nghiệp ở Việt Nam mua trực tiếp năng lượng tái tạo từ các nhà sản xuất điện tư nhân. Điều này sẽ hỗ trợ tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân và hiện thực hóa tăng trưởng kinh tế bằng cách kết hợp các mục tiêu giảm phát thải của các tập đoàn với mục tiêu đầu tư và năng lượng sạch của Việt Nam, vẫn theo thông báo.

Cơ quan Sáng kiến Nhu cầu Năng lượng Sạch (CEDI) của cục ENR, hợp tác với Liên minh Người mua Năng lượng Sạch (CEBA), sẽ tiếp tục giúp đỡ, tạo thuận lợi cho việc đối thoại giữa khu vực tư nhân và chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ thực hiện mua bán điện trực tiếp và thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch trong nước .

CEDI là một nền tảng công/tư kết nối các quốc gia với các công ty thuộc tất cả các lĩnh vực đã cam kết cung cấp năng lượng sạch cho hoạt động của họ.

Việc phê duyệt mua bán điện trực tiếp của Việt Nam sẽ cho phép CEDI và các đối tác huy động tới 8 tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.

Theo nghị định mới, mua bán điện trực tiếp được thực hiện qua 2 hình thức, gồm mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng và qua Lưới điện quốc gia.

Bộ Công thương Việt Nam cho rằng cơ chế mua bán điện trực tiếp này sẽ lần đầu tiên cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được lựa chọn bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện bên cạnh bán điện cho Tổng Công ty điện lực (EVN).

Theo truyền thông trong nước, có đến 42% nguồn điện ở Việt Nam hiện nay là đến từ lĩnh vực tư nhân do chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong 5 năm trở lại đây, và nghị định mới này sẽ giảm sự độc quyền về phân phối của tập đoàn EVN.

Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Công thương Việt Nam xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp từ 2017.

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam hoanh nghênh chính phủ quốc gia Đông Nam Á khi phê duyệt nghị định ngày 3/7, nói rằng Mỹ là “đối tác cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch, an toàn và dựa theo các nguyên tắc thị trường, phù hợp với các ưu tiên chung của hai nước”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG