Đường dẫn truy cập

Mỹ hoan nghênh Việt Nam ban hành quy chế mua bán điện trực tiếp


Công nhân của Tập đoàn Điện lực nhà nước EVN đang lắp ráp sửa chữa đường dây điện ở Việt Nam. Nghị định mới về quy chế mua bán điện trực tiếp sẽ loại bỏ sự độc quyền phân phối điện của EVN.
Công nhân của Tập đoàn Điện lực nhà nước EVN đang lắp ráp sửa chữa đường dây điện ở Việt Nam. Nghị định mới về quy chế mua bán điện trực tiếp sẽ loại bỏ sự độc quyền phân phối điện của EVN.

Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Công thương Việt Nam xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp và hoanh nghênh chính phủ quốc gia Đông Nam Á khi phê duyệt Nghị định vốn sẽ cho phép các doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo.

Chính phủ Việt Nam hôm 3/7 ban hành Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn, theo báo Chính phủ.

Nghị định được ban hành giữa lúc tình trạng thiếu điện tại Việt Nam trở thành một trở ngại lớn cho phát triển kinh tế và đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.

Phái đoàn ngoại giao Mỹ cho biết trong một thông báo đưa ra hôm 5/7 rằng họ hoan nghênh chính phủ Việt Nam phê duyệt Nghị định này và rằng Mỹ, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công Thương kể từ năm 2017 trong quá trình thiết kế, xây dựng và hoàn thiện cơ chế này.

“Tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành tới Bộ Công Thương vì sự tận tụy và nỗ lực đưa cơ chế mua bán điện trực tiếp trở thành hiện thực,” Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu tại sự kiện công bố Nghị định hôm 5/7, theo thông báo do Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đưa ra.

Ông Knapper nói rằng “cơ chế mua bán điện trực tiếp là minh chứng cho quan hệ hợp tác ngày càng sâu sắc và cam kết chung giữa hai nước vì phát triển bền vững” và điều này đã “mở ra một kỷ nguyên mới” trong hợp tác của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, vốn được Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thiết lập hồi tháng 9 năm ngoái.

Khi được triển khai, chính sách mới sẽ cho phép các doanh nghiệp ở Việt Nam mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo, giúp họ có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp. Theo phái đoàn ngoại giao Mỹ, điều này giúp Việt Nam thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp đưa năng lượng tái tạo vào sử dụng cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như đạt được các mục tiêu giảm phát thải của doanh nghiệp.

Các quan chức Việt Nam đã phải yêu cầu các doanh nghiệp, trong đó có nhà cung cấp Foxcom của tập đoàn công nghệ Mỹ Apple, có giải pháp tiết kiệm điện để đề phòng cũng như nhằm tránh lặp lại tình trạng thiếu điện dẫn đến thiệt hại sản lượng hơn 1 tỷ USD vào mùa hè năm ngoái.

Hãng sản xuất chip Intel của Mỹ vào tháng 11 năm ngoái cũng đã nêu lý do “thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà” của Việt Nam cho quyết định không đầu tư thêm vào quốc gia Đông Nam Á này.

Vào tháng 3 vừa qua, các phòng thương mại nước ngoài kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo nguồn cung điện, trong đó KoCham của Hàn Quốc cho biết các công ty bán dẫn của họ đã trì hoãn các quyết định đầu tư vì rủi ro thiếu điện, theo Reuters.

Cùng thời gian này, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài rằng tình trạng thiếu điện sẽ không tái diễn.

Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) độc quyền kinh doanh và phân phối điện trong nước. Theo Thanh Niên, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu điện hiện nay tại Việt Nam. Tiến sỹ Trần Đình Bá của Hội Khoa học kinh tế Việt Nam được tờ báo này trích lời kêu gọi hồi tháng 10/2023 rằng chính phủ cần “xé rào cho toàn dân làm điện, cho mua bán điện trực tiếp nhằm huy động mọi nguồn lực, kịp thời thào gỡ khó khăn, khơi thông những khu vực bị nghẽn công suất, điện có nhưng không phát lên lưới được, nhất là các dự án điện mặt trời.”

Theo Nghị định mới được ban hành, mua bán điện trực tiếp được thực hiện qua 2 hình thức, gồm mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng và qua Lưới điện quốc gia.

Thanh Niên cho biết, 42% nguồn điện ở Việt Nam hiện nay là đến từ lĩnh vực tư nhân do chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong 5 năm trở lại đây, và Nghị định mới sẽ giảm sự độc quyền về phân phối của EVN.

“Cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ giúp các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính đồng thời giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và thúc đẩy mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050,” Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs nói trong thông báo của phái đoàn ngoại giao Mỹ. “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai sáng kiến quan trọng này và mở rộng tiếp cận của Việt Nam đối với năng lượng sạch và tái tạo.”

Thông báo còn cho biết Mỹ là đối tác cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch, an toàn và dựa theo các nguyên tắc thị trường, phù hợp với các ưu tiên chung của hai nước trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét yêu cầu của Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường, mà theo định danh của Hoa Kỳ, là vì có sự can thiệp sâu rộng của nhà nước vào nền kinh tế.

Theo báo Chính phủ đưa tin hồi tháng 5, cơ chế mua bán điện trực tiếp là nền tảng tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh, trong đó công tác quản lý nhà nước tách bạch với hoạt động sản xuất, kinh doanh, truyền tải, phân phối điện.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG