Mới đây, anh Michael Brosowski đã được đài CNN chọn làm một trong những anh hùng trong năm 2011, những người được coi là đã có những đóng góp và hy sinh phi thường để giúp kẻ khác, biến thế giới thành một nơi chốn tốt đẹp hơn. Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách lần này xin dành để thuật lại câu chuyện của Michael Brosowski và một số trẻ bụi đời đã may mắn gặp anh trên bước đường hoạn nạn.
Một phúc trình do Tổ chức bênh vực nhân quyền Human Rights Watch công bố năm 2006, ươc lượng có đến 23,000 trẻ em trên khắp nước Việt Nam sống lây lất trên các vỉa hè. Nhỏ nhất có những em mới lên 6, đã phải ngủ dưới gầm cầu hay trong những bụi cây.
Anh Michael Brosowski kể: “Có em bố thì nghiện ma túy, mẹ thì đang ở trong tù. Các em nghĩ tương lai của các em rồi cũng đi theo con đường ấy thôi.”
Anh Brosowski nói thách thức gay go nhất đối với anh và những người cùng chí hướng là vạch ra một con đường khác để những đứa trẻ bụi đời không phải chấp nhận số phận hẩm hiu đang chờ trước mắt, mà khuyến khích các em chịu khó làm việc để thực hiện một mục tiêu nào đó, chẳng hạn như học vấn hay tìm một công việc tử tế, hay cải thiện sức khỏe của chính mình.
Trong gần 10 năm làm việc thiện nguyện, Michael đã gặp rất nhiều trẻ em trong những hoàn cảnh vô cùng thương tâm. Anh kể lại một trong những trường hợp đã để lại dấu ấn khó quên nơi anh:
“Câu chuyện gây ấn tượng nhất là lần đầu tiên tôi gặp một đứa trẻ nạn nhân của nạn buôn người, tôi gặp cậu bé ở thành phố HCM, em bị bắt từ Huế để buộc phải lao động trên các đường phố, lúc đó em 13 tuổi và chưa từng được đi học cho nên không biết đọc biết viết, ngay cả viết tên của mình. Nhưng em là một đứa trẻ vô cùng dễ thương, em phải đi bán hoa suốt đêm nên lúc nào cũng mệt mỏi...Chúng tôi đã giúp để em được về với gia đình, bây giờ 18 tuổi, em đã có một việc làm trong một nhà hàng ăn Ý, em đã tậu một chiếc xe gắn máy, và có cuộc sống độc lập. Đây là một câu chuyện có kết cuộc tốt đẹp.”
Về thách thức lớn nhất của nhóm Rồng Xanh, anh Brosowski cho biết:
“Thách thức lớn nhất là làm thế nào ngăn chận các em, không để các em phải khuất phục số phận mà phấn đấu chống lại số phận để tạo dựng tương lai cho chính mình.”
Sống trên vỉa hè các thành phố như Hà Nội và Sài Gòn, trẻ bụi đời là nạn nhân dễ bị lợi dụng, ngược đãi...Các em phải trực diện với những nguy cơ hoặc những cám dỗ luôn rình rập, bạo động băng đảng, bị kẻ mạnh hơn uy hiếp, trở thành nạn nhân các đường dây buôn người hay hoạt động mua bán ma túy.
Được chính thức thành lập từ tháng Hai năm 2003, tổ chức phi chính phủ Rồng Xanh tìm cách giúp trẻ bụi đời tránh những nguy cơ và cám dỗ của các đường phố bằng cách cung cấp nhu yếu phẩm để các em không phải tiếp tục sống bụi đời. Cụ thể là cấp nơi tạm trú an toàn, giúp các em có tiền mua lương thực, cấp học bổng và cung cấp các dịch vụ huấn nghệ và chăm sóc y tế. Những hoạt động này được tài trợ bằng các khoản trợ cấp của chính phủ các nước và những khoản hiến tặng của tư nhân.
Anh Michael Brosowski nói tiếp: “Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là làm thế nào thuyết phục các em cắp sách đi học trở lại. Thế rồi chúng tôi nhận ra rằng muốn thực hiện điều đó, thì phải giúp các em có một số tiền bạc để mua lương thực, có một mái nhà trú nắng trú mưa. Và dần dà, chúng tôi phải lo lắng tất cả các khía cạnh đó trong đời sống của các em.”
Trên trang web, Tổ chức Rồng Xanh nói họ có những cơ sở, trung tâm cung cấp các chương trình “để trao cho trẻ em hay người trẻ tuổi một cơ hội mới trong cuộc sống, cơ hội có một mái ấm, một nền giáo dục tốt và các điều kiện sinh sống vui tươi, ổn định”.
Anh Brosowski nói: “Chúng tôi nhắm mục tiêu là phải phá vỡ cái vòng luẩn quẩn của nghèo túng bằng cách cung cấp cơ hội giáo dục, huấn nghệ và công ăn việc làm cho thành phần cần đến các dịch vụ ấy nhất, đó là trẻ bụi đời, hay những đứa trẻ nạn nhân của các hoạt động buôn người, hay thuộc thành phần nghèo khó ở thôn quê bỏ nhà lên tỉnh.”
Gần đây, Rồng Xanh đã tăng cường các hoạt động giải cứu những đứa trẻ bị các đường dây buôn người bóc lột sức lao động, phải làm việc như những kẻ nô lệ trong các điều kiện tệ hại.
Hôm thứ Ba tuần này, nhân viên của Rồng Xanh đã giải cứu 15 trẻ bị bóc lột lao động ở tỉnh Điện Biên, các em là nạn nhân bị bán đi để lao động trong các xưởng may mặc.
Hôm thứ Năm, thêm 3 trẻ em khác được giải cứu. Tất cả 18 em cùng với 4 em khác đã đào thoát khỏi xưởng may hôm thứ Sáu tuần trước đã trải qua những kinh nghiệm hãi hùng. Anh Brosowski cho biết những trẻ em này không nói rành tiếng Việt vì đa số thuộc các sắc dân thiểu số, có ngôn ngữ và tập tục văn hóa khác biệt.
Anh cho biết chính anh chưa rõ về hoàn cảnh của những đứa trẻ này vì các em đang trả lời thẩm vấn của cảnh sát. Nhưng theo lời anh, việc các em bị giam cầm và bắt làm việc như nô lệ, không phải là chuyện thổi phồng mà là sự thực.
Trong số các em mới được cứu có một thiếu niên 15 tuổi đã làm việc trong xưởng may được 7 tháng. Từ ngày bước vào công xưởng này, em chưa từng được bước ra ngoài đường, dù một lần. Da em tái xanh vì trong xưởng may thiếu ánh mặt trời.
Michael cho biết anh đã không cầm được nước mắt khi nghe lời kể của nạn nhân nhỏ tuổi này. Anh nói anh không buồn mà thấy phẫn nộ, về chuyện cậu bé bị nhốt, bắt làm việc quần quật để đánh đổi một vài đôla một tháng, với điều kiện là em phải hoàn tất công việc như ý họ, nếu không sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Michael nói điều khiến anh ngạc nhiên là tất cả các nạn nhân đã bị cầm giữ bởi một nhóm chỉ có 3 người: một phụ nữ có chân trong đường dây buôn người và hai người con trai trưởng thành của bà này.
Tổ chức Rồng Xanh đang làm việc với hơn 1.000 trẻ em, nam và nữ, trên khắp Việt Nam. Sau đây là điển hình một số trường hợp đã được Rồng Xanh giúp đỡ.
Tú, một thiếu niên chưa tới 15 tuổi rời bỏ làng mạc để lên Hà Nội kiếm sống. Em đi đánh giầy quanh khách sạn Daewoo, và gửi hết tiền về nhà cho mẹ mỗi cuối tháng. Với số tiền đó, và thu nhập ít ỏi do nghề đồng áng, mẹ của Tú chỉ xoay sở đủ để cho hai đứa con trai nhỏ đi học. Rồng Xanh tiếp xúc với Tú hồi năm 2003. Lập tức, em trở thành vận động viên bóng đá nhiệt tình nhất của Rồng Xanh. Một khi quen với tổ chức bất vụ lợi này, em Tú vui vẻ chấp nhận sự giúp đỡ của Rồng Xanh. Em được cấp một chỗ ở, em được giúp đi mổ amidal, tìm khóa huấn nghệ để học nấu ăn. Ngày nay, Tú là Bếp Phó tại một trong các nhà hàng nổi tiếng nhất Hà Nội. Tú ngày nay sống độc lập, vẫn giúp gia đình và gặp Rồng Xanh, đặc biệt trong các trận đá bóng!
Hương chỉ là một bé gái khi Rồng Xanh gặp em lần đầu. Trong bộ đồ cáu bẩn rách rưới, bé sống với bà dưới chân một cầu thang tại một ngôi chợ lộ thiên của Hà Nội. Ban ngày, Hương giúp bà bán trà cho người qua lại, ban đêm, bé rong chơi một mình hay với các bạn lớn hơn. Lớn dần trong hoàn cảnh đó, Hương rất dễ trở thành nạn nhân bị tấn công. Với sự giúp đỡ của Rồng Xanh, Hương và bà ngoại đã có điều kiện rời nơi tạm trú dưới cầu thang để dọn vào một căn hộ riêng. Em đã bắt đầu đi học tại trung tâm Rồng Xanh, và rất hồn nhiên chơi đùa với những đứa trẻ khác. Cuộc sống của em đã khác hẳn so với chỉ cách đây vài năm.
Tháng Sáu năm nay, sau gần 10 năm hoạt động, thành tích của tổ chức thiện nguyện Rồng Xanh cuối cùng được thế giới ghi nhận. Qua sự đề cử của một số người đã từng tới Việt Nam tham gia công tác thiện nguyện của Rồng Xanh, kể cả tác giả quyển Dragon House, John Shors, Đài truyền hình CNN đã chọn Michael Brosowski làm một trong những người hùng của năm 2011.
Anh Brosowski cho biết cảm tưởng khi nghe tin này: “Đây là một vinh dự lớn. Tổ chức Rồng Xanh xưa nay chưa gây được sự chú ý của công chúng, cho nên vinh dự này là điều mới lạ, phấn khích đối với chúng tôi. Hàng ngày, tôi và anh em trong nhóm dồn nỗ lực làm việc, đôi khi thành công, nhưng cũng có trường hợp không đạt ý muốn, thế rồi xảy ra vụ đài CNN, như nói rằng những gì mà chúng tôi đang làm là điều tốt, làm chúng tôi cảm động, không những riêng tôi, mà cả toán chúng tôi ở Việt Nam.”
Ðộng lực nào đã giúp Michael Brosowski làm việc không mệt mỏi trong gần 10 năm qua để giúp những người không cùng sắc tộc, màu da, quốc tịch với mình?
Anh Brosowski cho biết: “Tôi lớn lên trong nghèo khó. Tôi thường tự nghĩ “tôi có thể trở thành người hữu dụng, nếu có ai đó đến giúp và trao cho tôi một cơ hội.” Thế rồi, một hôm ở Hà Nội... tôi nhận ra rằng chính tôi là người phải trao cơ hội cho người khác. Tôi là kẻ có thể giúp những đứa trẻ ấy và cho chúng một cơ hội để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.”
‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, mời quý vị đón nghe chương trình này, được phát thanh vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy mỗi tuần. Quý vị có thể góp ý về những đề tài liên quan tới Việt Nam, bình luận về chủ đề hôm nay, đọc các tin mới nhất, xem phóng sự video và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý thính giả và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.
Năm 2002, một thanh niên Úc sang Việt Nam dạy tiếng Anh đã mang lòng yêu mến đất nước và con người Việt Nam. Số phận run rủi khiến người thanh niên gặp và làm quen với một số trẻ bụi đời Việt Nam, đưa đến việc thành lập một tổ chức từ thiện mang tên Rồng Xanh, hoạt động mạnh trong suốt gần 10 năm nay.