Đường dẫn truy cập

Bình Dương/Cưỡng chế xét nghiệm COVID: Bị lên án gay gắt, bí thư phường xin lỗi


Bí thư cấp phường Võ Thanh Quan ở Bình Dương xin lỗi bà Hoàng Phương Lan về vụ cưỡng chế xét nghiệm COVID, 29/9/2021.
Bí thư cấp phường Võ Thanh Quan ở Bình Dương xin lỗi bà Hoàng Phương Lan về vụ cưỡng chế xét nghiệm COVID, 29/9/2021.

Một bí thư đảng cấp phường ở tỉnh Bình Dương xin lỗi người dân hôm 29/9 sau khi dư luận lên án gay gắt vụ việc cưỡng chế xét nghiệm COVID-19 xảy ra hôm 28/8 ở thành phố Thuận An trong tỉnh.

Các báo trong nước tường thuật rằng Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú, ông Võ Thanh Quan, vào chiều 29/9 đã xin lỗi bà Hoàng Phương Lan là người bị cưỡng chế.

Ông Quan bày tỏ rằng “ông đã hơi nóng vội về việc cho người phá khóa, cưỡng chế bà đi xét nghiệm”. VOA cố gắng liên lạc với ông Quan để tìm hiểu thêm, nhưng ông không nhấc máy.

Chiểu theo luật về phòng chống bệnh dịch, không được quyền cưỡng bức người ta đi test COVID.
Luật sư Hà Huy Sơn


Trong vòng chưa đầy một ngày trước, một số đoạn video ghi lại vụ việc từ các vị trí khác nhau lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng, cho thấy hình ảnh quan chức địa phương cùng nhiều nhân viên cảnh sát to tiếng, phá khóa, xông vào một căn hộ, bẻ tay và áp giải một người phụ nữ, ép buộc phải xét nghiệm COVID-19, cùng lúc, con nhỏ của người phụ nữ kêu khóc, hoảng loạn.

Bản thân người phụ nữ là chị Hoàng Phương Lan đăng 2 đoạn video về vụ việc trên trang Facebook cá nhân, cho biết việc phá cửa và cưỡng bức chị đi xét nghiệm xảy ra sau 10h30 sáng 28/9, khi chị đang dạy online về thiền, có con chị chứng kiến trực tiếp và các học trò là trẻ nhỏ nhìn thấy qua mạng.

Theo lời kể của chị Lan, ở thời điểm đó chị và con âm tính với SARS-CoV-2, tên chính thức của loại virus gây ra dịch COVID-19, và chị không có các hoạt động đưa đến nguy cơ lây nhiễm.

Chị Lan bày tỏ bất bình vì chị “không phải là đối tượng nghi nhiễm hay tội phạm” song lại bị đối xử như vậy. Chị cũng cáo buộc rằng hành vi “đàn áp” đó không khác nào nhà chức trách “cố tình muốn” chị bị dương tính với SARS-CoV-2.

“Lỡ trong đám ấy có kẻ mang virus thì mình toi”, chị Lan nêu ra lo ngại.

Đông đảo dư luận - kể cả nhiều viên chức nhà nước - chỉ trích vụ việc, cho rằng nhà chức trách quá thô bạo với người dân, thậm chí có thể đã phạm luật.

Cũng có một số ý kiến phê phán người phụ nữ không hợp tác với chính quyền, không có ý thức vì cộng đồng trong thời kỳ đại dịch.

“Giờ muốn kiện bọn này thì tiến trình các bước như thế nào hả mọi người ơi!”, chị Lan viết trong bài đăng kèm theo đoạn video về vụ việc.

Video của chị nhận được hơn 3.300 phản ứng, 2.700 ý kiến bình luận và 1.100 lượt chia sẻ, với đa số ủng hộ chị và phẫn nộ với chính quyền.

Bà Hoàng Phương Lan ở Bình Dương đăng video về việc bà bị cưỡng chế xét nghiệm COVID-19, 28/9/2021.
Bà Hoàng Phương Lan ở Bình Dương đăng video về việc bà bị cưỡng chế xét nghiệm COVID-19, 28/9/2021.

VOA nỗ lực liên lạc để nghe ý kiến trực tiếp của chị, nhưng không kết nối được. Luật sư Hà Huy Sơn ở Hà Nội phân tích với VOA về cái sai của phía nhà chức trách:

“Chiểu theo luật về phòng chống bệnh dịch, không được quyền cưỡng bức người ta đi test COVID. Chỉ trong trường hợp có bệnh lây lan nguy hiểm trong vùng. Nhưng mà trường hợp đó phải có quyết định hành chính của ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thì mới được dùng biện pháp cưỡng bức”.

Vẫn theo luật sư Sơn, phía nhà chức trách còn có thêm một cái sai nữa:

Theo tôi, họ xâm phạm đến các vấn đề cơ bản về quyền con người mà Hiến pháp Việt Nam đã ghi nhận.
Luật sư Hà Huy Sơn


“Việc người ta phá khóa thì người ta đã hủy hoại tài sản của công dân, xâm phạm chỗ ở, và việc người ta cưỡng bức thì xâm phạm đến tự do. Theo tôi, họ xâm phạm đến các vấn đề cơ bản về quyền con người mà Hiến pháp Việt Nam đã ghi nhận”.

Nói về ý định kiện của chị Lan, luật sư Sơn đưa ra nhận định:

“Với các chứng cứ như trên cộng đồng mạng hoặc trên báo nhà nước đưa, tôi cho rằng việc kiện đấy hoàn toàn có cơ sở thắng kiện”.

Ông Sơn cho biết nếu chị Lan thắng kiện, ngoài việc đại diện chính quyền phải xin lỗi công khai, họ còn phải bồi thường thiệt hại về tài sản và tinh thần cho chị.

Trước vụ ở Bình Dương, nhà chức trách tại các địa phương khác nhau của Việt Nam thực hiện một số vụ khác đầy bạo lực cưỡng chế người dân xét nghiệm hoặc bắt đi cách ly, gây bức xúc trong nhân dân, như vụ cưỡng chế một người đàn ông ở Cà Mau hôm 1/9, vụ cưỡng chế một phụ nữ ở Nghệ An hôm 23/8, hay vụ cưỡng chế một người đàn ông ở Ninh Bình hôm 5/7, v.v…

Tuy nhiên, ngay trong hệ thống chính quyền Việt Nam, không phải mọi quan chức đều ủng hộ cách làm cứng rắn với người dân khi phòng chống dịch.

Hôm 29/9, theo tường thuật của báo chí trong nước, tại một cuộc họp về phòng chống COVID ở tỉnh Đồng Nai, Bí thư Tỉnh ủy là ông Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu cán bộ xét nghiệm “không được phá cửa, xâm phạm nhà ở, dùng bạo lực cưỡng chế người dân đi xét nghiệm”.

Báo chí dẫn lời ông ông Lĩnh nói rằng mục đích của việc xét nghiệm là nhằm tìm kiếm, truy vết ca nhiễm “nên cần vận động, thuyết phục người dân hợp tác để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng”.

Quan chức lãnh đạo cao nhất của Đồng Nai nêu ra giải pháp linh hoạt là "Nếu người dân ngại lấy mẫu nơi đông người, hoặc không thể ra ngoài lấy mẫu thì nhân viên y tế có thể đến tận nhà xét nghiệm cho người dân".

Theo quan sát của VOA, nhiều người Việt Nam bày tỏ ủng hộ quan điểm và chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và xem đó là một sự tương phản với những hành động bạo lực, lộng quyền, phản cảm đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác dưới danh nghĩa phòng chống đại dịch.

VOA Express

XS
SM
MD
LG