Đường dẫn truy cập

Đại dịch, thân phận và phẩm giá không có giá trị!


Dòng người kéo nhau về quê vào ngày 15/8/2021 sau khi TPHCM quyết định thực hiện giãn cách xã hội thêm một tháng.
Dòng người kéo nhau về quê vào ngày 15/8/2021 sau khi TPHCM quyết định thực hiện giãn cách xã hội thêm một tháng.

UBND thành phố Vũng Tàu (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa rút lại yêu cầu: Người cần cấp cứu và những người vận chuyển họ phải có giấy cho phép đi lại. Yêu cầu vừa kể được nêu trong quy định mới về hạn chế đi lại, được công bố chiều 9 tháng 9 và sau khi bị chỉ trích kịch liệt, đến cuối ngày, trong hướng dẫn thực thi không đề cập đến nữa (1).

Nhiều người biết chuyện xem yêu cầu vừa kể là ngu dốt, song nhận định đó dường như chưa thật sự chính xác.

Dẫu có dấu hiệu ngu dốt nhưng giống như vô số qui định, yêu cầu mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam ban hành trong gần bốn tháng vừa qua, nguyên nhân chính dẫn tới bất toàn, bất cập trong ban hành, thực thi các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, khiến hậu quả của đại dịch COVID-19 thêm nặng nề, trầm trọng chính là sự tự tin thái quá vào quyền lực nên hành xử tùy tiện, bất kể hậu quả, bất chấp các yêu cầu, qui định đó ảnh hưởng thế nào đến phẩm giá của công dân.

Nếu chỉ vì không đủ tri thức, hiểu biết, thì sau những tình huống “dở khóc, dở cười”, sau hậu quả thê thảm đối với cả kinh tế lẫn dân sinh vì những biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm hết sức cực đoan, thiếu viễn kiến ở TP.HCM, Hà Nội đã không vài lần náo loạn bởi các yêu cầu quái gở liên quan tới... giấy đi đường.

Cứ xem thật kỹ những qui định liên quan tới... giấy đi đường ở khắp nơi, chắc chắn sẽ nhận ra sự khinh miệt của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền với thường dân: Xem thường cả cá nhân công dân lẫn những pháp nhân đã ra đời và đang hoạt động hợp pháp, nên tất cả giấy đi đường phải được cơ quan hành chính và công an xem xét, phê duyệt!

Tương tự, bất kể chính quyền TP.HCM đã bị thực tế đẩy vào thế bị buộc phải chấp nhận cho F0 (những người bị nhiễm COVID-19) cách ly và điều trị tại nhà, thậm chí từ trung tuần tháng 7, hết Bộ Y tế tới Thủ tướng bắt đầu nói đi, nói lại về việc phải chuẩn bị hỗ trợ cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà nhưng sau đó cả tháng...

Người ta vẫn thấy nhiều nơi như Nghệ An - các viên chức hữu trách ở địa phương cạy cửa thông gió, đột nhập vào tư gia một phụ nữ, phá cửa phòng riêng, dùng bạt cuốn bà lại mang vào khu cách ly chỉ vì bà là F1 (có tiếp xúc với F0) (2)... Hoặc như Cà Mau, Chủ tịch một phường ở thành phố Cà Mau ra lệnh cho thuộc cấp xông vào nhà cưỡng bức một người đàn ông 49 tuổi, đem ông nhốt vào khu cách ly tập trung chỉ vì ông... không hợp tác lấy mẫu test sàng lọc trong cộng đồng (3)...

Tại sao? Hãy nhìn Thủ tướng kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID của Việt Nam. Ông Chính vừa là người chỉ đạo điều trị F0 ngay tại xã, phường vừa yêu cầu... nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng (4). Ông Chính cũng là người hô hào “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thực thi nghiêm ngặt truy vết, cách ly, cô lập người nhiễm COVID-19, khu vực có người nhiễm COVID-19 (5), rồi tuyên bố... phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối (6)...

Chỉ ở Việt Nam, lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mới dám thản nhiên phô bày sự bất nhất, tùy tiện đến vô lối như thế bởi dẫu có thế nào họ cũng không phải chịu trách nhiệm. Đại dịch là dịp để thiên hạ có thể thấy rõ hơn, trong mắt của các viên chức hữu trách, dân không phải là đối tượng họ phải phục vụ, dân là đối tượng bị trị.

Nếu… đẩy lùi dịch bệnh vì dân, chắc chắn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cấp trên sẽ không thể để thuộc cấp muốn làm gì thì làm. Tuy mỗi nơi một kiểu nhưng rất nhất quán về bản chất: Bất chấp cả sinh mạng lẫn nhân phẩm công dân, bất kể dân sinh sẽ như thế nào. Sau khi được thực thi, thân phận con người chẳng khác gì rơm, rác.

Đó là lý do hồi hạ tuần tháng 8, thị trấn Văn Điển thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội vừa dỡ bức vách bằng tôn cao 2 mét, dài 200 mét, chia đôi ngõ 54 phố Ngọc Hồi để cô lập dân cư phía bên kia ngõ này vì... thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội (7) thì sang thượng tuần tháng 9, tới lượt phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, khóa cổng, không cho dân ngõ 56 phố Đặng Xuân Bảng ra đường cho dù chẳng có ai trong ngõ bị nhiễm COVID-19 hay tiếp xúc với F0 (8).

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/vung-tau-bo-quy-dinh-cap-cuu-phai-xin-phep-phuong-xa-20210910105417509.htm

(2) https://www.facebook.com/100002755938991/posts/3956971707737988/

(3) https://plo.vn/phap-luat/cuong-che-cach-ly-nguoi-tu-choi-test-covid19-nen-khong-1013046.html

(4) https://vncdc.gov.vn/tphcm-can-thuc-hien-chi-thi-16-nghiem-ngat-hon-de-kiem-soat-va-day-lui-dich-benh-som-nhat-nd16387.html

(5) http://baochinhphu.vn/Thong-cao-bao-chi/Thu-tuong-Pham-Minh-Chinh-chu-tri-Hoi-nghi-truc-tuyen-ve-phong-chong-COVID19/442573.vgp

(6) https://vneconomy.vn/thu-tuong-xac-dinh-song-chung-lau-dai-voi-dich-khong-the-khong-che-tuyet-doi.htm

(7) https://tienphong.vn/thao-bo-buc-tuong-ton-cao-2-m-dai-200m-chia-doi-duong-tai-ha-noi-de-phong-dich-post1369224.tpo

(8) https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-ngo-hon-chuc-ho-dan-bat-ngo-bi-khoa-trai-ma-khong-thong-bao-20210908183416447.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG