Vài ngày qua, dư luận tranh cãi gay gắt về vấn đề bắt buộc xe ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình chữa cháy, nếu không sẽ bị xử phạt. Rõ ràng, mục đích của việc trang bị bình chữa cháy là để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại khi có thảm hoạ cháy nổ xảy ra, nhưng tại sao dân vẫn “ném đá” chính sách?
Mục đích không sai
Cụ thể, trong Thông tư 57 hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy với ô tô có 4 chỗ ngồi trở lên của Bộ Công an nói rõ: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 - 9 chỗ ngồi phải có 1 bình cứu hỏa dưới 4 kg (bình bột) hoặc dưới 5 lít (bình bột, nước và khí); từ 10 -15 chỗ ngồi phải có 1 bình cứu hỏa từ 4 - 6 kg (bột) hoặc 5 - 9 lít đối với bình bột, khí hay nước. Với ô tô trên 30 chỗ ngồi cần 1 bình cứu hỏa dưới 4 kg và hai bình lớn từ 4 - 6 kg và một số trang bị cứu hộ khác. Được biết, nếu chủ xe cố tình không trang bị bình cứu hỏa thì ngoài việc bị phạt có thể không được cấp giấy chứng nhận khi đi đăng kiểm lại.
Quy định này, nếu đối chiếu với một số nước châu Á (như Ấn Độ, Các tiểu Vương Quốc Ả rập thống nhất, Nhật Bản,…) hay như châu Âu (Bỉ, Hy Lạp, Đức, Phần Lan, Áo…) thì không có gì để bàn cãi. Thậm chí ở các quốc gia không bắt buộc trang bị bình chữa cháy với xe ô tô cá nhân như Mỹ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nga… thì bình chữa cháy vẫn là vật dụng được khuyến khích trang bị. Các khảo sát về an toàn ô tô hay cháy nổ ô tô đều cho thấy bình chữa cháy là thứ quan trọng nhất để giảm thiệt hại về người và của.
Các nguyên nhân cháy nổ trên xe ô tô thường là do chập điện, rò rỉ xăng phát hoả. Trong trường hợp như vậy, thường thì cơ hội cứu xe ô tô là rất thấp, các chuyên gia phòng cháy chữa cháy khuyên người trong ô tô nên tìm cách thoát khỏi xe để đảm bảo không bị thương. Tuy nhiên nếu có bình chữa cháy, người trong xe có thêm thời gian để có thể thoát thân. Đó là chưa kể trong trường hợp xe bị chập điện gây cháy nhỏ thì bình chữa cháy có thể dập tắt ngay đám cháy, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng bình chữa cháy gây phiền toái, có thể phát nổ dưới trời nắng nóng, thậm chí có người còn lo người dùng không đúng cách có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên so với các trường hợp bình chữa cháy đúng tiêu chuẩn thì số trường hợp nổ bình chữa cháy hay các tác dụng phụ ngoài ý muốn khác dường như chỉ chiếm thiểu số, nếu như không muốn nói là không đáng kể đối với người sử dụng.
Nhưng cách làm luật có vấn đề
Nếu như mục đích của Thông tư 57 không sai thì cách ban hành và vận dụng thông tư này lại có vấn đề; điều này khiến không ít người dân, thậm chí là giới truyền thông “ném đá”. Thứ nhất, việc ban hành luật bắt buộc trang bị bình chữa cháy phải đi cùng với sự phát triển về nhận thức và kỹ năng. Việc ban hành luật tại thời điểm mà hầu hết người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của bình chữa cháy khiến người dân bị “sốc” nhiều hơn là cảm thấy vui. Lẽ ra phải có một khảo sát hay các nghiên cứu cụ thể mang tính định lượng về tình trạng cháy nổ ô tô ở Việt Nam, thiệt hại về người và tài sản, các phân tích liên quan vai trò của bình chữa cháy... từ đó nêu bật tầm quan trọng của thiết bị này. Thực tế chưa có nhiều trường hợp cháy nổ ô tô tại Việt Nam, hoặc ít nhất là các trường hợp cháy nổ phổ biến đến mức phải trang bị bình chữa cháy.
Đó là chưa tính đến việc tập huấn ứng phó khi có cháy nổ ô tô vẫn chưa được đẩy mạnh. Cốt yếu của việc dùng bình chữa cháy không phải chỉ để cứu xe, mà quan trọng nhất là giảm thiểu thiệt hại. Có muôn ngàn trường hợp xảy ra, trong đó có trường hợp cần dùng bình chữa cháy, có trường hợp buộc phải bỏ của chạy lấy người, không thể cứng nhắc ôm bình chữa cháy để cứu tài sản. Trong trường hợp nào thì nên dùng bình chữa cháy? Dùng như thế nào? Dùng đến khi nào? Đó là những câu hỏi thường trực cần giải quyết, chứ không đơn thuần là buộc dân mua bình chữa cháy bỏ trong xe là xong chuyện.
Thứ hai, chính vì ý thức chưa theo kịp luật nên dẫn đến tình trạng “đa nghi”. Trong bối cảnh người dân chưa ý thức được vai trò của bình chữa cháy, sẽ xuất hiện các trường hợp đối phó để tránh bị phạt, mua bình chữa cháy thiếu an toàn, không đảm bảo chất lượng, có thể dẫn đến cháy nổ. Đây cũng là một trong những lo ngại từng gây tranh cãi tương tự về “nón bảo hiểm giả”.
Cuối cùng, thị trường bình chữa cháy hiện tại dường như chưa đi song hành với Thông tư 57. Giá cả bình chữa cháy tăng vọt ngay sau Thông tư 57 được ban hành cho thấy vấn đề quản lý giá cả chưa được tính toán để có lợi cho dân. Đó là chưa kể hiện tượng bình chữa cháy giả, kém chất lượng tràn lan, tạo nên nỗi lo “nuôi ong tay áo” – mang bình chữa cháy lại gây hoả hoạn.
Việc ban hành luật trong bối cảnh có quá nhiều thứ chưa được giải quyết dẫn đến nhiều hoài nghi: phải chăng ra luật có liên quan đến thương mại về bình chữa cháy? Phải chăng việc áp dụng luật quá cập rập và máy móc... Một chính sách có mục đích tốt, nhưng ban hành khi chưa sẵn sàng tư thế, tâm lý và nhận thức sẽ không tránh khỏi hoài nghi và bị “ném đá”. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, có trách thì trách những nhà làm luật dường như chưa có sự nghiên cứu thấu đáo về tác động và hiệu quả của luật định.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.