Iraq hôm 20/7 đã trục xuất đại sứ Thụy Điển để phản đối kế hoạch đốt kinh Koran ở Stockholm vốn đã khiến hàng trăm người biểu tình xông vào và phóng hỏa đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad.
Một tuyên bố của Chính phủ Iraq cho biết Baghdad cũng đã triệu hồi đại biện lâm thời của họ ở Thụy Điển, và hãng thông tấn nhà nước Iraq đưa tin rằng nước này cũng đã đình chỉ giấy phép hoạt động của hãng Ericsson của Thụy Điển trên đất Iraq.
Những người biểu tình bài Hồi giáo, một trong số đó là người Iraq di cư đến Thụy Điển vốn đã đốt kinh Koran bên ngoài một thánh đường Hồi giáo ở Stockholm hồi tháng Sáu, đã xin phép và được cảnh sát Thụy Điển cho phép đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Iraq hôm 19/7.
Khi đó, người biểu tình đã đá và hủy hoại một phần cuốn sách mà họ nói là kinh Koran nhưng sau một giờ đó đã rời đi mà không đốt cuốn sách. Kinh Koran, kinh điển chính của Hồi giáo, được các tín đồ đạo Hồi tin là sự mặc khải của Thượng Đế.
Hoa Kỳ hôm 20/7 đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công vào Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad và chỉ trích lực lượng an ninh Iraq đã không ngăn chặn người biểu tình tràn vào trụ sở ngoại giao.
Hàng trăm người biểu tình đã xông vào đại sứ quán Thụy Điển ở trung tâm Baghdad vào sáng sớm ngày 20/7, trèo tường và phóng hỏa để phản đối việc đốt kinh Koran sắp xảy ra ở Thụy Điển.
Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết nhân viên đại sứ quán vẫn an toàn nhưng chính quyền Iraq đã không hoàn thành chức trách bảo vệ sứ quán theo Công ước Vienna.
“Những gì xảy ra là hoàn toàn không thể chấp nhận được và chính phủ lên án mạnh mẽ những cuộc tấn công này,” ông nói trong một tuyên bố. “Chính phủ đang liên lạc với các quan chức cấp cao của Iraq để bày tỏ sự bất bình.”
Cuộc biểu tình hôm 20/7 đáp lời kêu gọi của những người ủng hộ giáo sĩ Muqtada Sadr dòng Shia để phản đối kế hoạch đốt kinh Koran thứ hai ở Thụy Điển, theo các bài đăng trong một nhóm có nhiều người theo dõi trên Telegram có liên hệ với vị giáo sĩ có nhiều ảnh hưởng này và các kênh truyền thông ủng hộ giáo sĩ Sadr khác.
Giáo sĩ Sadr, một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Iraq, lãnh đạo hàng trăm ngàn tín đồ, mà đôi khi ông kêu gọi họ xuống đường, kể cả mùa hè năm ngoái khi họ chiếm Vùng Xanh – khu vực được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt ở Baghdad -- và đã xảy ra các cuộc đụng độ chết chóc.
Hãng thông tấn Phần Lan STT đưa tin Đại sứ quán Phần Lan, vốn nằm trong cùng nơi với sứ quán Thụy Điển, cũng đã được sơ tán và các nhân viên sứ quán đều an toàn và không ai bị thương.
Cảnh sát Thụy Điển hôm 19/7 đã đồng ý cho phép một cuộc mít-tinh công khai bên ngoài Đại sứ quán Iraq ở Stockholm vào ngày 20/7, theo giấy phép của cảnh sát, và dự kiến sẽ có hai người tham gia.
Hãng thông tấn Thụy Điển TT đưa tin rằng hai người này lên kế hoạch đốt kinh Koran và quốc kỳ Iraq tại cuộc mít-tinh này, và trong số hai người này có một người đã đốt kinh Koran bên ngoài một thánh đường Hồi giáo ở Stockholm hồi tháng Sáu.
Cảnh sát Thụy Điển hồi đầu năm nay đã từ chối cho phép một số cuộc biểu tình mà trong đó sẽ có hành động đốt kinh Koran, viện dẫn các lo ngại an ninh. Kể từ đó, tòa án đã đảo ngược quyết định của cảnh sát, và nói rằng hành động như vậy được bảo vệ bởi đạo luật tự do ngôn luận rộng rãi của đất nước.
Chính phủ Thụy Điển trong tháng này cho biết đang xem xét thay đổi luật để cho phép cảnh sát ngăn người dân đốt kinh Koran ở nơi công cộng nếu hành động này gây nguy hiểm cho an ninh của Thụy Điển.
Một loạt các video của nhóm One Baghdad đăng trên Telegram cho thấy mọi người tập hợp xung quanh Sứ quán Thụy Điển vào khoảng 1 giờ sáng ngày 20/7 và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ ông Sadr, rồi xông vào đại sứ quán khoảng một giờ sau đó.
“Ủng hộ kinh Koran,” người biểu tình hô vang. Các video sau đó cho thấy khói bốc lên từ một tòa nhà trong khu đại sứ quán và người biểu tình đứng trên mái nhà.
Bộ Ngoại giao Iraq cũng lên án vụ việc và ra tuyên bố nói rằng chính phủ Iraq đã chỉ thị cho lực lượng an ninh tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng, xác định thủ phạm và buộc họ phải chịu trách nhiệm.
Lực lượng an ninh Iraq sau đó đã tiến đến vài chục người biểu tình vẫn đang lượn lờ bên ngoài đại sứ quán để cố gắng giải tán họ. Người biểu tình trước đó đã ném đá về phía lực lượng an ninh.
Mỹ cũng lên án việc đốt kinh Koran, nhưng nói thêm rằng việc Thụy Điển cho phép là hành động ủng hộ tự do ngôn luận chứ không phải họ đứng về phía hành động này.
Diễn đàn