Hàng nghìn người đã tập trung biểu tình ở Bangkok hôm 3/9 để kêu gọi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, một ngày trước khi các nhà lập pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm về cách chính phủ của ông đối phó với đại dịch COVID-19.
Các cuộc biểu tình phản đối Thủ tướng Prayuth bắt đầu từ cuối tháng 6 khi các sinh viên đại học đòi ông từ chức hồi năm ngoái đã nổi lên lại với sự ủng hộ rộng rãi hơn từ các nhóm chính trị khác và những người tức giận bởi tình hình virus corona ngày càng tồi tệ.
Phát biểu tại quốc hội vào ngày cuối của cuộc tranh luận bó phiếu bất tín nhiệm hôm 3/9, trong đó các nhà lập pháp thách thức thủ tướng và 5 bộ trưởng về việc họ xử lý cuộc khủng hoảng đại dịch, ông Prayuth nói rằng ông sẽ không từ chức và cũng không tổ chức một cuộc bầu cử sớm.
Ông Prayuth nói với quốc hội: “Mặc dù Thái Lan không phải là nước giỏi nhất trong việc xử lý COVID-19, nhưng không phải là nước tồi tệ nhất.”
"Chúng tôi đã xử lý nó với khả năng tốt nhất của mình và với tất cả những gì có liên quan," ông nói.
Một cuộc biểu tình lớn được lên kế hoạch vào ngày 4/9 khi quốc hội dự kiến tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Điều này dự kiến sẽ theo hướng có lợi cho ông Prayuth vì liên minh của ông chiếm đa số trong Quốc hội.
Ông Prayuth, cựu tư lệnh quân đội và người lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014, và các bộ trưởng của ông đã bác bỏ cáo buộc của phe đối lập về tham nhũng, quản lý kinh tế yếu kém và sự đối phó cẩu thả đối với virus corona.
Phần lớn trong số 1,24 triệu ca nhiễm COVID-19 và 12.374 trường hợp tử vong ở Thái Lan được ghi nhận sau tháng 4, sau một năm ngăn chặn thành công đại dịch. Kể từ đó, nước này đã bị tấn công bởi các biến thể Alpha và Delta cũng như phải vật lộn để có vaccine.
Các nhà hoạt động tuyên bố sẽ bất chấp lệnh cấm các cuộc tụ tập lớn và biểu tình trên đường phố hàng ngày vì virus corona, cho đến khi ông Prayuth rời nhiệm sở.
“Nhiều người đã chết vì ông ấy thất bại trong việc đối phó với COVID-19, vì tính tự mãn, kiêu ngạo và không lắng nghe tiếng nói của người dân, khiến người dân rơi vào cảnh khốn khó,” nhà hoạt động sinh viên Wanwalee Thammasattaya nói với Reuters.
Theo cảnh sát cho biết hôm 3/9, hơn 600 người phải đối mặt với các cáo buộc liên quan đến biểu tình vì nhiều vi phạm khác nhau trong tháng 7 và tháng 8.