Đường dẫn truy cập

Biến đổi khí hậu: Nước nào sẽ móc hầu bao?


Hạn hán do biến đổi khí hậu tại Afghanistan khiến người dân phải sơ tán.
Hạn hán do biến đổi khí hậu tại Afghanistan khiến người dân phải sơ tán.

Nắng nóng kỷ lục ở Trung Quốc. Cháy rừng buộc các ngôi làng Thụy Sĩ phải sơ tán. Hạn hán tàn phá mùa màng Tây Ban Nha. Khi thiệt hại của biến đổi khí hậu tăng lên, một cuộc tranh luận đang gia tăng giữa các chính phủ: Ai sẽ móc hầu bao?

Câu hỏi này đã trở thành tâm điểm chú ý trong các cuộc đàm phán về khí hậu trong tuần này giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nơi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cố gắng tìm cách hợp tác với nhau về các vấn đề từ triển khai năng lượng tái tạo đến tài chính khí hậu trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc năm nay, COP28, tại Dubai.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và lượng khí thải ngày càng tăng của Trung Quốc, áp lực ngày càng tăng đối với Bắc Kinh trong việc gia nhập nhóm các quốc gia cung cấp khoản tài trợ này.

Trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cho biết hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về tài chính khí hậu trong 4 tháng tới, trước khi hội nghị COP28 khai mạc vào ngày 30/11.

“Thật khó để cho rằng các nước như Trung Quốc, Brazil hay Ả Rập Xê-út vẫn nên được đặt ngang hàng với các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển”, một nhà ngoại giao từ một quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu nói với Reuters.

EU, ngày nay là nhà tài trợ lớn nhất cho tài chính khí hậu, đã vận động hành lang để mở rộng nhóm các quốc gia tài trợ cung cấp quỹ.

Nói về tài chính khí hậu là nói về số tiền mà các quốc gia giàu có chi ra để giúp các quốc gia nghèo hơn giảm lượng khí thải CO2 và thích nghi với một thế giới nóng hơn, khắc nghiệt hơn.

Cho đến nay, vài chục quốc gia giàu có có nghĩa vụ phải thực hiện các khoản thanh toán này vẫn chưa chi trả các khoản đã hứa. Danh sách các quốc gia tài trợ đó đã được quyết định trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hiệp quốc vào năm 1992, khi nền kinh tế của Trung Quốc vẫn còn nhỏ hơn của Ý.

Giờ đây, một số nước đang kêu gọi Trung Quốc đóng góp. Các quan chức Hoa Kỳ bao gồm cả Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã lưu ý rằng những đóng góp của Trung Quốc sẽ nâng cao tính hiệu quả của quỹ khí hậu Liên hiệp quốc.

Các quốc gia khác chịu áp lực tương tự bao gồm Qatar, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ba trong số các quốc gia giàu nhất thế giới về GDP bình quân đầu người.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chống lại những lời kêu gọi xếp nước này cùng nhóm với các quốc gia giàu có.

Trong cuộc gặp với ông Kerry hôm 19/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh rằng các nước phát triển nên thực hiện các cam kết tài chính khí hậu chưa hoàn thành và đi đầu trong việc cắt giảm khí thải, theo văn phòng của ông Lý. Ông đề nghị các nước đang phát triển có thể đóng góp “trong khả năng của họ.”

Sự kháng cự đó cho thấy nỗ lực đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Việc thay đổi danh sách các nhà tài trợ chính thức của Liên hiệp quốc sẽ cần có sự đồng thuận quốc tế.

Một quan chức EU giấu tên nói: “Có quá nhiều sự phản đối giữa các quốc gia như Trung Quốc và Ả Rập Xê-Út khi đụng tới định nghĩa chính thức”.

Phe cổ súy phải thay đổi cho rằng việc mở rộng cần phải diễn ra trước khi một mục tiêu mới - và có thể là lớn hơn nhiều - của Liên hiệp quốc về tài chính khí hậu có hiệu lực sau năm 2025. Các quốc gia vẫn cần đàm phán về quy mô của mục tiêu đó và ai sẽ đóng góp cho mục tiêu đó.

Đại sứ Pa'olelei Luteru, chủ tịch Liên minh các Quốc đảo nhỏ, nói: “Tất cả các quốc gia có khả năng đều phải đóng góp vào tài chính khí hậu toàn cầu.”

Ông Luteru nói, vấn đề lớn hơn là nước nào trong số các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất sẽ xếp hàng để nhận được nó.

Ai chịu trách nhiệm?

Thỏa thuận tài trợ khí hậu của Liên hiệp quốc dựa trên nguyên tắc rằng các nước giàu có trách nhiệm lớn hơn trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu, bởi vì họ đã đóng góp phần lớn lượng khí thải CO2 làm nóng hành tinh kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.

Lượng khí thải CO2 trong lịch sử của Hoa Kỳ lớn hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng Trung Quốc ngày nay là nước thải CO2 lớn nhất thế giới xét về mức độ ô nhiễm được tạo ra mỗi năm.

Các quốc gia sẽ phải đối mặt với câu hỏi về trách nhiệm lịch sử tại COP28, khi họ đặt mục tiêu thành lập một quỹ mới để bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương về thiệt hại đã phải gánh chịu trong các thảm họa thiên nhiên do khí hậu gây ra.

EU đã từ bỏ sự phản kháng kéo dài nhiều năm đối với quỹ đó vào năm ngoái, nhưng với điều kiện là một nhóm các quốc gia lớn hơn phải bỏ tiền vô. Các quốc gia vẫn chưa quyết định ai sẽ đóng góp.

Hoa Kỳ đã thận trọng trong việc thực hiện các khoản thanh toán có thể bị coi là bồi thường cho biến đổi khí hậu.

Một số quốc gia không bị buộc phải đóng góp cho quỹ khí hậu của Liên hiệp quốc đã làm như vậy, bao gồm cả Hàn Quốc và Qatar. Những nước khác đã bắt đầu chuyển viện trợ thông qua các kênh khác.

Trung Quốc đã ra mắt quỹ Hợp tác Khí hậu Nam-Nam vào năm 2015 để giúp các nước kém phát triển nhất giải quyết các vấn đề về khí hậu và cho đến nay đã cung cấp khoảng 10% trong số 3,1 tỷ đô la đã cam kết, theo tổ chức nghiên cứu E3G.

Đó là một phần nhỏ trong số hàng trăm tỷ đô la mà Bắc Kinh đang chi cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, hỗ trợ các dự án bao gồm đường ống dẫn dầu và cảng.

Những thỏa thuận như vậy cho phép các quốc gia đóng góp mà không bị ràng buộc nghĩa vụ, mặc dù nếu được thực hiện bên ngoài quỹ của Liên hiệp quốc, họ có thể phải đối mặt với các tiêu chí báo cáo công khai ít nghiêm ngặt hơn - khiến việc theo dõi tiền đi đâu và trả bao nhiêu trở nên khó khăn hơn.

Ông Byford Tsang, một cố vấn chính sách cao cấp tại E3G, cho biết đề xuất của Trung Quốc về tài chính khí hậu nhiều hơn sẽ là “đôi bên cùng có lợi” cho Bắc Kinh. Ông nói: “Điều này sẽ tạo ảnh hưởng ngoại giao cho Trung Quốc và gây áp lực cho các nhà tài trợ phương Tây tăng sự đóng góp của họ về tài chính khí hậu”.

Một số quốc gia dễ bị tổn thương, thất vọng với tình hình tài chính yếu kém cho đến nay, đang tìm kiếm các nguồn tiền mặt mới. Sáng kiến Bridgetown do Barbados lãnh đạo đang thúc đẩy cải tổ các ngân hàng phát triển đa phương để họ có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án khí hậu. Các quốc gia khác đang ủng hộ một khoản thuế CO2 toàn cầu đối với vận chuyển để gây quỹ.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG