Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden kêu gọi đất nước đoàn kết và nói ông sẽ là ‘tổng thống của tất cả các bên’, kể cả những cử tri đã ủng hộ ông Donald Trump. Tuy nhiên, do hố ngăn cách và sự nghi kỵ đã quá lớn nên một người số người gốc Việt cho rằng ‘khó vượt qua được’.
Trong lần đầu tiên trả lời phỏng vấn kể từ ngày bầu cử, Tổng thống đắc cử Joe Biden hứa sẽ đại diện cho mọi thành phần trong đất nước và Đảng Dân chủ.
Nói chuyện với nhà báo Lester Holt của kênh NBC News vào tối ngày 24/11, ông Biden nói những thách thức mà ông phải đối mặt là chưa từng thấy và tìm cách rũ bỏ cái bóng của vị tổng thống mà ông từng là cấp phó.
‘Sẽ không điều tra Trump’
Chính quyền của ông hướng đến đại diện cho ‘mọi thành phần người dân Mỹ cũng như mọi thành phần của đảng Dân chủ’, Biden nói thêm và cho biết ông thậm chí còn xem xét bổ nhiệm một người Cộng hòa đã bỏ phiếu cho Trump vào nội các.
“Tôi muốn đất nước này đoàn kết,” ông Biden nói.
Ông cũng nói rằng ông sẽ không ‘sử dụng bộ tư pháp như công cụ’ để điều tra Donald Trump và đồng minh của ông, bất chấp áp lực từ một số thành viên Dân chủ, liên quan đến vấn đề tài chánh và cáo buộc tìm cách lôi kéo nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử. Khi ông Trump rời nhiệm sở vào tháng 1 năm sau, ông sẽ không còn được Hiến pháp bảo vệ trước các cuộc truy tố.
Nhưng Biden nói rằng ông muốn chính quyền ông đứng ngoài tranh cãi. “Có một số cuộc điều tra mà tôi đã đọc được ở cấp tiểu bang. Không có gì mà tôi có thể hay không thể làm gì về các cuộc điều tra đó,” ông Biden nói.
Cuộc phỏng vấn diễn ra khi ông Biden công bố một loạt các ứng cử viên cho nội các của ông, trong đó có nhiều cựu quan chức trong chính quyền Obama.
“Đây không phải là nhiệm kỳ thứ ba của Obama. Chúng ta đang đối diện với một thế giới hoàn toàn khác so với thời chính quyền Obama-Biden,” ông Biden trả lời. “Tổng thống Trump đã thay đổi cục diện.”
Biden bày tỏ mong muốn theo đuổi một chương trình nghị sự ‘cấp tiến’. Khi được hỏi liệu ông có tham khảo các thượng nghị sĩ cấp tiến như Elizabeth Warren và Bernie Sanders về các đề cử cho nội các hay không, tổng thống đắc cử nói rằng ‘không có gì thật sự bị loại ra ngoài cả’ trên vấn đề chọn ai tham gia vào chính quyền. Tuy nhiên, ông nói, ‘đưa ai đó ra khỏi Thượng viện, đưa ai đó ra khỏi Hạ viện… là một quyết định thực sự khó khăn’.
Còn nhiều đề cử nội các vẫn đang chờ công bố, Biden nói với Holt rằng đội ngũ của ông đang tập trung điều phối quá trình chuyển giao. Ông lưu ý rằng cách tiếp cận của chính quyền Trump là ‘chân thành’.
“Họ đã tìm cách giải quyết để tôi có bản tin tóm tắt hàng ngày của tổng thống,” ông nói với Holt. “Chúng tôi đang tìm cách sắp xếp cuộc họp với nhóm chống dịch Covid của Nhà Trắng. Và cân nhắc làm thế nào để không chỉ phân phối mà còn làm sao để vaccine được phân phối đến người có thể được tiêm chủng.”
Vào thứ Tư 25/11, ông Biden sẽ phát biểu trong Lễ Tạ ơn từ Wilmington, Delaware và sẽ ‘nói về những hy sinh chung mà người Mỹ đã trải qua trong mùa lễ này và rằng chúng ta có thể và sẽ cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại,’ đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông cho biết.
Cuộc phỏng vấn cho thấy Tổng thống đắc cử đã nỗ lực để khắc họa bản thân và chính quyền ông như một sự tương phản đối với Trump và chính quyền của ông Trump. Hôm 24/11, trong khi ông Trump viết trên Twitter ‘Nước Mỹ trên hết’, ông Biden đã nêu ra tại cuộc họp báo ở Wilmington tầm nhìn của ông về một đất nước ‘sẵn sàng dẫn đầu thế giới, chứ không phải thoái lui’.
Ông nói với nhà báo Holt rằng ông rất vui khi được nói chuyện với ‘hơn 20 nhà lãnh đạo thế giới’ và cho biết ‘họ thực sự rất vui mừng’.
‘Hố ngăn cách quá sâu’
Từ thành phố Westminster, quận Cam, bang California, bà Nguyễn Thanh Tâm, thợ hớt tóc và là người ủng hộ ông Biden, nói giờ đây bà ‘không còn cảm giác lo sợ bị kỳ thị’.
“Con tôi đi làm hay đi xuyên qua nhiều tiểu bang có sự kỳ thị. Tôi lo lắng cho sự an toàn của con,” bà Tâm cho biết.
“Ông Trump đã khuấy động lên sự kỳ thị kinh khủng quá,” bà nói.
Bà bày tỏ hy vọng chính quyền của ông Biden sẽ ‘hàn gắn chia rẽ trong lòng nước Mỹ, kiểm soát được dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế’.
Khi được hỏi có sẵn lòng hòa giải với những người gốc Việt ủng hô ông Trump hay không, bà Tâm nói bà biết có những người bạn của bà đã bỏ phiếu cho ông Trump nhưng sau khi có kết quả họ không nói gì thì bà ‘vẫn coi họ là bạn và tôn trọng lựa chọn của người ta’.
“Nhưng có những người bạn thân của tôi vẫn lên mạng xã hội tiếp tục chống phá dữ dội. Họ sách động, hô hào để quậy lên thì tôi rất khó lòng chìa bàn tay ra hòa giải vì đã có hố ngăn cách quá lớn,” bà nói thêm.
Trái với bà Tâm, ông Ryan Tăng, một nhân viên chính phủ cũng sống ở Quận Cam, nói ông ‘vẫn sẽ không phục chiến thắng của ông Biden’.
Ông nói chỉ khi nào ‘đếm phiếu lại một cách rõ ràng, minh bạch, trước tất cả công chúng ở những bang mà ông Trump đã thua và đang kiện’ thì ông ‘mới tin là ông Biden đã thắng’.
Về việc đếm phiếu lại ở tiểu bang Georgia mà sau đó ông Biden vẫn thắng, ông Tăng bày tỏ nghi ngờ vì theo ông ‘những người đó đã đếm rồi giờ đếm lại cũng như vậy thôi’.
Ông cũng nói là mặc dù ông không chấp nhận ông Joe Biden làm tổng thống nhưng ông ‘cũng không làm gì được’.
Về nhiệm kỳ sắp tới của ông Joe Biden, anh Ryan Tăng nói anh ‘sẽ giữ kỹ tiền bạc’ vì ‘thuế sẽ tăng và không có lợi cho đất nước’.
Ông cũng cáo buộc những người ủng hộ ông Biden là ‘hung hãn, bạo lực’ trong khi nhóm ủng hộ ông Trump xuống đường tuần hành ‘một cách ôn hòa’.