Đường dẫn truy cập

Biden chọn Blinken: tín hiệu đảo ngược quan điểm ngoại giao thời TT Trump?


Ông Antony Blinken muốn khôi phục lại vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ
Ông Antony Blinken muốn khôi phục lại vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ

Là một người phản đối mạnh mẽ cách tiếp cận ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Donald Trump, ông Anthony Blinken, người được đề cử làm ngoại trưởng mới của Mỹ, sẽ bảo vệ vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới và sẽ phối hợp với các đồng minh để vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc, một nhà quan sát chính trị nói với VOA.

Hôm 23/11, ông Blinken được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử cho vị trí Ngoại trưởng. Ông còn phải được Thượng viện phê chuẩn sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 năm 2021.

Ông Anthony Blinken từng phục vụ trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama với tư cách thứ trưởng ngoại giao và phó cố vấn an ninh quốc gia, đồng thời ông cũng làm cố vấn an ninh quốc gia cho ông Joe Biden khi đó là phó tổng thống.

Ông Blinken từng đóng vai trò trung tâm trong đội ngũ chính sách đối ngoại của ông Obama và có vai trò quan trọng trong phản ứng trước việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn cho phe ly khai ở Ukraine, cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda Osama Bin Laden vào năm 2011, và cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Nếu được phê chuẩn, ông Blinken sẽ thực hiện cam kết của ông Biden là khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, củng cố các mối quan hệ đồng minh và cổ vũ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới.

‘Bảo vệ liên minh’

Trao đổi với VOA, ông Tạ Văn Tài, một cựu giáo sư tại Đại học Harvard, nhấn mạnh đến viện ông Blinken được nhiều người gọi là ‘người bảo vệ các liên minh toàn cầu’.

“Ông ấy sẽ bảo vệ các mối quan hệ đồng minh hay đối tác mà nước Mỹ đã xây dựng,” Giáo sư Tài nói và chỉ ra việc ông Blinken là người phản đối khẩu hiệu ‘Nước Mỹ trên hết’ ngay từ đầu.

“Ông ấy muốn bảo vệ thế lãnh đạo của Mỹ trong các liên minh hay đối tác thế giới. Ông ấy sẽ cố gắng kết hợp lại thế đồng minh đã bị lung lay dưới thời ông Trump. Việc làm như vậy là làm yên trí các nhà ngoại giao Mỹ vốn đã mất niềm tin dưới thời ông Trump,” ông Tài phân tích. (4:00)

Ngoài ra, chính sách đối ngoại mới này của ông Blinken cũng sẽ làm ‘lãnh đạo các nước trên thế giới bình tâm hơn chứ không còn bị dao động hay chao đảo trước những chính sách của ông Trump’.

Vị cựu giáo sư này cũng nhận định về một số đường hướng chính của ông Blinken nếu được Quốc hội chuẩn thuận như sau: tiếp tục xem châu Âu là những đồng minh hàng đầu của Mỹ, giữ thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Nga, kết hợp với các đồng minh kiềm chế Trung Quốc để nước này không lấn lướt Mỹ về thương mại hay xâm nhập về kỹ thuật, tiếp tục chính sách của lưỡng Đảng là tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có liên kết chặt chẽ với Ấn Độ…

“Đối với Việt Nam, chính quyền Biden sẽ tiếp tục chính sách từ xưa đến nay là muốn giúp đỡ Việt Nam trong các vấn đề quyền lợi trên Biển Đông để chống lại Trung Quốc,” ông nhận định. “Nhưng chính quyền Biden sẽ không có tiền hậu bất nhất như dưới thời ông Trump nữa mà sẽ có chính sách bền bỉ hơn.”

‘Phải hợp tác mới kiềm chế Trung Quốc được’

Giáo sư Tài cho rằng Mỹ và Trung Quốc không thể nào tiêu diệt nhau được nên ‘phải vừa hợp tác vừa đấu tranh’. “Những gì mâu thuẫn quyền lợi thì dứt khoát phải đấu tranh nhưng không thể nào chống đối hoàn toàn được,” ông nói.

Ông đưa ra ví dụ như việc chính quyền Trump đánh thuế hàng hóa Trung Quốc là ‘không ăn thua gì hết mà chỉ có thiệt hại cho dân Mỹ phải mua hàng mắc hơn’.

“Chỉ có thương lượng mới giải quyết được vấn đề hàng hóa Trung Quốc qua Mỹ quá nhiều và để Trung Quốc ngăn cản các công ty quốc doanh của họ bán phá giá,” ông nói.

Ông Tài cũng nhận định, mặc dù Mỹ đã bị cô lập và thoái lui vai trò lãnh đạo trước Trung Quốc dưới thời ông Trump, chính quyền ông Joe Biden ‘sẽ cố gắng lật ngược xu thế này để đảm nhận lại vai trò lãnh đạo của Mỹ’.

Ông chỉ ra việc Bắc Kinh đã thành công trong việc cho ra đời khối Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, tức RCEP và tuyên bố muốn gia nhập hiệp ước Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ, tức CPTPP mà chính quyền Trump đã rút ra.

“Như vậy nếu nước Mỹ mà lơ tơ mơ sẽ bị đứng một mình với chính sách dùng thuế quan đánh các nước khác. Lúc đó nước Mỹ sẽ chịu thiệt mà thôi,” ông phân tích.

Nhận định về các đề cử của ông Biden cho các vị trí lãnh đạo về ngoại giao-an ninh, trong đó có ông Anthony Blinken, Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng ông Biden ‘đề cử những người dày dặn về kinh nghiệm’. Điều này khác với cách làm việc của ông Trump là ‘đề cử những người trung thành với ông ấy hay người ông ấy thích’.

Lập trường với Nga

Blinken cổ súy cho lập trường cứng rắn đối với Nga với kinh nghiệm của ông trong việc chống lại hành động xâm lược và sáp nhập một phần lãnh thổ Ukraine của Moscow.

Hồi năm 2014, Blinken phát biểu ở Viện Brookings rằng cô lập Nga là ‘cần thiết’. Ông giải thích: “Một cách mà Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga định hình quyền lực là bằng ảnh hưởng địa chính trị mà Nga có thể giành được. Và làm suy yếu Nga về mặt chính trị trên cộng đồng quốc tế và cô lập nước này về mặt chính trị sẽ làm giảm sức mạnh đó”.

Hồi tháng 9, ông Blinken từng cảnh báo rằng các nước như Nga và Trung Quốc đã được lợi dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump và đang cố gắng thổi bùng sự phân cực chính trị ở Mỹ. “Nền dân chủ đang suy thoái và các chế độ chuyên chế từ Nga đến Trung Quốc đang cố gắng khai thác những khó khăn của chúng ta,” ông từng phát biểu trên kênh CBS News.

Blinken cũng chỉ trích Trump vì đã quá mềm mỏng với Tổng thống Vladimir Putin. “Khi Tổng thống Trump đứng cùng Vladimir Putin trên vũ đài thế giới và nghe theo lời Putin về các cuộc tấn công của Nga vào cuộc bầu cử của chúng ta hơn là tin các các cơ quan tình báo của chúng ta, điều đó làm trầm trọng thêm vấn đề,” ông nói.

“Khi chúng ta có một tổng thống được thông báo rằng Nga treo tiền thưởng cho đầu binh lính chúng ta ở Afghanistan mà không làm gì cả - thực ra, còn tệ hơn là không làm gì, như chính ông ấy đã thừa nhận, ông ấy đã nói chuyện với Tổng thống Putin ít nhất sáu lần sau khi ông ấy nhận được tin đó mà không nêu lên, không chất vấn Putin và thậm chí còn mời Tổng thống Putin đến Washington và đòi cho Nga trở lại G7 thì chúng ta đang gặp phải một vấn đề cơ bản thực sự,” ông Blinken từng nói.

“Tổng thống Biden sẽ đối đầu với ông Putin vì những hành động gây hấn của ông ấy, chứ không phải vuốt đuôi Putin,” Blinken nói. “Không ném NATO vào sọt rác, mà là tăng cường khả năng răn đe của khối”.

Đối với Trung Quốc

Blinken từng nói rằng Hoa Kỳ phải tìm kiếm cơ hội hợp tác với Trung Quốc, chẳng hạn trên vấn đề kiểm soát vũ khí và biến đổi khí hậu. Hồi tháng 9, Blinken cho biết việc cố gắng cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Bắc Kinh như một số người trong chính quyền Trump và Đảng Cộng hòa ủng hộ là ‘không thực tế’ và ‘phản tác dụng’.

“Đó sẽ là một sai lầm,” ông Blinken nói và nói rằng chính quyền ông Biden sẽ tìm cách đối phó với Trung Quốc bằng cách mở rộng các liên minh của Mỹ.

“Hiện tại, xét trên mọi chỉ số chính, vị trí chiến lược của Trung Quốc đã mạnh hơn và vị trí chiến lược của Mỹ đã yếu hơn,” ông nhận định.

“Điều đầu tiên là chúng ta phải thoát ra từ lỗ hổng chiến lược mà Tổng thống Trump đã đẩy chúng ta vào,” ông nói trên Bloomberg TV hồi tháng. Ông cáo buộc ông Trump đã giúp Trung Quốc ‘thúc đẩy các mục tiêu chiến lược quan trọng của họ’ bằng cách làm suy yếu các liên minh của Mỹ, bỏ qua vấn đề nhân quyền và phá hoại nền dân chủ của Hoa Kỳ.

Blinken cho biết chính quyền Biden sẽ không né tránh phản công những hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông nói trên CBS: “Tôi nghĩ ông Biden sẽ nói rằng chúng ta phải bắt đầu với việc đặt mình ở thế mạnh để từ đó can dự với Trung Quốc để mối quan hệ tiến triển theo ý chúng ta muốn hơn là theo luật chơi của họ.”

Ông cũng cảnh báo rằng nếu không thách thức các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Hong Kong có thể khuyến khích Đảng Cộng sản Trung Quốc tham vọng hơn ở những nơi khác. “Nếu Trung Quốc nhận được tín hiệu là họ sẽ không bị trừng phạt, thì mối quan ngại sẽ là họ có thể nghĩ rằng họ có thể làm điều tương tự với Đài Loan,” ông Blinken nói trên Bloomberg TV:

Blinken nói ông Biden sẽ ‘tăng cường bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan bằng cách vạch trần những nỗ lực can thiệp của Bắc Kinh’.

Chiến tranh thương mại

Blinken cho biết thỏa thuận thương mại giai đoạn một do Mỹ và Trung Quốc kí kết hồi đầu năm là ‘một thất bại’ vì nó không giải quyết được các vấn đề mang tính hệ thống giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và Trung Quốc thậm chí còn không đáp ứng các mục tiêu là tăng mua hàng hóa Mỹ như đã thỏa thuận.

Ông nói rằng chính quyền Biden sẽ tập trung xây dựng lại khả năng cạnh tranh của Mỹ để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.

Ông nói rằng Mỹ nên thay đổi cách tiếp cận để có thể đàm phán với Trung Quốc và chống lại hành vi của họ trên thị trường toàn cầu, nhưng né tránh câu hỏi liệu ông sẽ tìm cách tái gia nhập hay khôi phục Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP, mà Tổng thống Trump đã rút ra hay không.

Theo ông Blinken, Biden sẽ ủng hộ áp thuế quan nếu cần, ‘nhưng thuế quan cần được hỗ trợ bởi một chiến lược để thành công chứ không phải là giả vờ cứng rắn và gây hại cho chính người dân nước Mỹ’.

Cơ chế đa phương

“Nói một cách đơn giản, những vấn đề lớn mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là một quốc gia và với tư cách là một hành tinh, cho dù là biến đổi khí hậu, đại dịch hay là sự phổ biến vũ khí nguy hiểm - để nói rõ rằng, không có vấn đề nào trong số này có thể được giải quyết bằng giải pháp đơn phương,” ông Blinken từng phát biểu ở Viện Hudson hồi tháng Bảy. “Ngay cả một quốc gia hùng mạnh như Hoa Kỳ cũng không thể một mình xử lý được”.

Hợp tác với các quốc gia khác, ông Blinken nói, có thể có thêm lợi ích khi đương đầu với một thách thức ngoại giao lớn khác: cạnh tranh với Trung Quốc bằng các nỗ lực đa phương để thúc đẩy thương mại, đầu tư công nghệ và nhân quyền - thay vì ép các nước lựa chọn giữa hai siêu cường.

“Trong thời kỳ khủng hoảng hoặc thảm họa, nước Mỹ luôn là nơi thế giới tìm đến đầu tiên,” ông Blinken phát biểu tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ hồi năm 2015.

“Chúng ta không phải là nhà lãnh đạo mọi người tìm đến đầu tiên bởi vì chúng ta luôn đúng, hoặc bởi vì chúng ta được mọi người yêu thích, hoặc vì chúng ta có thể chi phối kết quả,” ông nói. “Đó là vì chúng ta cố gắng hết mức trong khả năng để cho hành động của mình phù hợp với các nguyên tắc của chúng ta và bởi vì sự lãnh đạo của Mỹ có khả năng đặc biệt để huy động các nước khác và tạo ra sự khác biệt.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG