Đường dẫn truy cập

Bế tắc chính trị tiếp diễn ở Thái Lan


Cảnh sát đứng canh tại một Tòa nhà Chính quyền trong khi người biểu tình tập họp trong thủ đô Bangkok, 9/5/14
Cảnh sát đứng canh tại một Tòa nhà Chính quyền trong khi người biểu tình tập họp trong thủ đô Bangkok, 9/5/14
Những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã ăn mừng việc Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị tòa án loại khỏi chức vụ và hôm nay họ đã quay lại trung tâm thủ đô Bangkok trong một chiến dịch để buộc chính phủ tạm quyền phải từ chức. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, nhiều người e rằng bạo động có thể xảy ra khi những người ủng hộ chính phủ rủ nhau xuống đường biểu tình vào ngày mai.

Những người biểu tình chống chính phủ hôm nay đã phong tỏa một số con đường chính ở Bangkok trong lúc họ ăn mừng sự ra đi của bà Yingluck.

Ông Lhienthong Thisopha, một sĩ quan hồi hư, 72 tuổi, cho biết ông ủng hộ cuộc vận động để chấm dứt ảnh hưởng của ông Thaksin Shinawatra. Nhà tỉ phú từng giữ chức thủ tướng này là người lãnh đạo các đảng phái đã giành được thắng lợi trong tất cả các cuộc bầu cử quốc hội từ năm 2001.

Ông Lhienthong nói rằng tuy bà Yingluck đã bị buộc phải rời khỏi chức vụ nhưng tàn dư của chính phủ cũ vẫn còn đó, giống như một cái cây.

Những người biểu tình tiếp tục gây sức ép để thay thế chính phủ bằng một hội đồng không do dân bầu lên và hội đồng đó sẽ thực hiện những biện pháp cải cách sâu rộng trước khi tổ chức một cuộc bầu cử mới, hiện được ấn định vào tháng 7.

Ông Samarn Lertwongrath, một đảng viên cấp cao của Đảng Pheu Thai đương quyền, cho biết nếu những người biểu tình làm cho cuộc bầu cử tháng 7 bị trì hoãn, thì cuộc bầu cử có phần chắc sẽ diễn ra trước cuối năm nay vì vụ bế tắc chính trị đang gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế đất nước. Ông nói:

"Cá nhân tôi, tôi tin là họ sẽ gây trì hoãn cho cuộc bầu cử. Nhưng dù thế nào đi nữa thì cũng phải có một cuộc bầu cử trong năm nay – trong vòng một năm. Họ không có chọn lựa nào khác bởi vì tất cả các nhà kinh doanh đều thúc giục giải quyết vấn đề, và lãnh tụ biểu tình Suthep phải chịu trách nhiệm đối với sự xấu đi của tình hình kinh tế."

Kinh tế Thái Lan đã gặp nhiều khó khăn kể từ khi những cuộc phản kháng bắt đầu hồi cuối năm ngoái. Nền kinh tế của vương quốc này đã tăng trưởng với tỉ lệ 2,9% trong năm 2013, nhưng tỉ lệ đó có thể còn xuống thấp hơn nữa trong năm nay vì số du khách nước ngoài sút giảm, sự thất bại của chương trình trợ giá lúa gạo rất tốn kém, và các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy ngần ngại, không muốn đầu tư vào Thái Lan trong khi nước này có bất ổn chính trị.

Ông Thanavath Phonvichai, Giám đốc Đại học Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết như sau:

"Có lẽ trong năm nay kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng từ zero cho tới 2%, tùy theo tình hình chính trị. Nếu phe Áo Đỏ và phe Áo Vàng, nếu chúng tôi xảy ra những việc gì đó và lâm vào tình trạng bạo động, thì điều đó không tốt cho nền kinh tế Thái Lan, cho dân chúng Thái Lan, và các nhà kinh doanh sẽ giảm bớt các hoạt động của họ và họ không muốn đầu tư vào thứ gì hết. Do đó, tình hình rất khó tiên đoán."

Có tin cho biết quân đội và cảnh sát Thái Lan đã bắt đầu tăng cường các nỗ lực để ngăn không cho bạo động bùng ra, trong lúc những người biểu tình ủng hộ chính phủ nói rằng họ sẽ rủ nhau kéo tới Bangkok trong những ngày sắp tới.

Vụ tranh giành quyền hành kéo dài trong 6 tháng qua ở Thái Lan đã gây tử vong cho hơn 20 người và gây thương tích cho mấy mươi người.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG