Đường dẫn truy cập

Bà Yingluck có thể bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm


Người dân biểu tình chống bà Yingluck tại trung tâm thủ đô Bangkok, ngày 8/5/2014.
Người dân biểu tình chống bà Yingluck tại trung tâm thủ đô Bangkok, ngày 8/5/2014.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bị Ủy ban quốc gia chống tham nhũng xét thấy can tội sao nhãng trách vụ và đang đối mặt với việc có thể bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. Phán quyết được loan báo hôm nay, một ngày sau khi Tòa án Hiến pháp loại bà Yingluck và các bộ trưởng cao cấp ra khỏi chức vụ vì can tội lạm quyền.

Ủy ban quốc gia chống tham nhũng hôm nay cho biết họ nhận thấy có cơ sở để luận tội bà Yingluck vì chương trình trợ giá lúa gạo bị thất bại.

Vụ án này giờ đây được chuyển lên Thượng viện để tiến hành một cuộc biểu quyết luận tội. Nếu bị xét thấy có tội, bà Yingluck có thể bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. Nhưng các nhà quan sát chính trị nói rằng bà có đủ sự hậu thuẫn ở Thượng viện để cơ quan này không có đủ túc số 2 phần 3 để truất nhiệm bà.

Theo phán quyết có sự tán đồng của tất cả các ủy viên trong Ủy ban chống tham nhũng, bà Yingluck, trong tư cách là người đứng đầu Ủy ban Chính sách Lúa gạo Quốc gia, đã làm ngơ trước những hành vi tham nhũng trong chương trình trợ giá lúa gạo. Ủy ban này vẫn còn điều tra thêm để xem bà có nên bị truy tố hình sự vì vấn đề này hay không.
Tòa án Hiến pháp ra lệnh loại bà Yingluck khỏi chức thủ tướng vì đã thuyên chuyển trái phép người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia hồi năm 2011.
Tòa án Hiến pháp ra lệnh loại bà Yingluck khỏi chức thủ tướng vì đã thuyên chuyển trái phép người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia hồi năm 2011.

Phán quyết của Ủy ban chống tham nhũng được loan báo một ngày sau khi Tòa án Hiến pháp ra lệnh loại bà Yingluck khỏi chức thủ tướng vì đã thuyên chuyển trái phép người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia hồi năm 2011.

Đối với những người ủng hộ bà Yingluck, các phán quyết của Tòa án Hiến pháp và Ủy ban chống tham nhũng là bằng chứng của điều mà họ gọi là “một cuộc đảo chánh tư pháp” nhắm vào bà Yingluck và cơ sở chính trị của gia tộc của bà. Các đảng của bà Yingluck và ông Thaksin, anh bà, đã giành được thắng lợi trong mọi cuộc tổng tuyển cử từ năm 2001.

Nhiều người ở Thái Lan e rằng cuộc đấu tranh kéo dài nhiều tháng giữa hai phe chống chính phủ và ủng hộ chính phủ có thể gây ra thêm bạo động nếu đôi bên không thể có được một sự đồng thuận.

Trung tá cảnh sát Kritsana Pattancharoen, phát ngôn viên của Trung tâm Bảo vệ Hòa bình và Trật tự, gọi tắt là CAPO, ngày hôm nay nêu lên những vụ bạo động mới ở Bangkok sau khi bà Yingluck bị loại khỏi chức vụ.

Ông Kritsana nói: “CAPO muốn tái khẳng định là phán quyết của tòa án sẽ dẫn tới bạo động, như chúng tôi đã thấy trong một loạt những vụ việc, trong đó có vụ bắn lựu đạn M-79 vào bệnh viện Chulabhorn, một số trụ sở chính của ngân hàng thương mại và tư thất của vị thẩm phán Tòa án Hiến pháp.”

CAPO cũng cảnh cáo những người cầm đầu các phong trào ủng hộ và chống chính phủ không được có hành vi bạo động trong những cuộc biểu tình mà hai bên định thực hiện trong những ngày tới đây.
Các nhà phân tích e rằng những hành động chống lại bà Yingluck có thể làm cho những người ủng hộ thực hiện những vụ xuống đường hung hăng hơn gần thủ đô và có thể dẫn tới những vụ đụng độ
Các nhà phân tích e rằng những hành động chống lại bà Yingluck có thể làm cho những người ủng hộ thực hiện những vụ xuống đường hung hăng hơn gần thủ đô và có thể dẫn tới những vụ đụng độ

Trong vài tháng qua, những người biểu tình ủng hộ chính phủ, được gọi là phe Áo Đỏ, phần lớn đã không tụ họp ở Bangkok để tránh đối đầu trực tiếp với những nhóm người chống chính phủ tụ tập ở thủ đô. Các nhà phân tích e rằng những hành động chống lại bà Yingluck và các thành viên của đảng bà có thể làm cho những người ủng hộ thực hiện những vụ xuống đường hung hăng hơn gần thủ đô và có thể dẫn tới những vụ đụng độ với các đối thủ của họ.

Có tin cho hay có hai phát súng bắn về hướng những người biểu tình chống chính phủ ngày hôm nay khi họ bắt đầu tuần hành từ một công viên ở trung tâm Bangkok. Không ai bị thương trong vụ này.

Chính phủ Hoa Kỳ đã tránh ngả về một bên trong vụ tranh chấp chính trị ở Thái Lan, một đồng minh then chốt trong vùng Đông Nam Á.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ở Washington nói rằng “một giải pháp nên bao gồm các cuộc bầu cử và một chính phủ dân cử” và Hoa Kỳ hối thúc “tất cả các bên tự chế và tái khẳng định rằng bạo động không phải là một phương tiện có thể chấp nhận trong việc giải quyết những sự khác biệt chính trị.”

Ủy ban bầu cử Thái Lan đã đề nghị tổ chức bầu cử vào ngày 20 tháng 7, sau khi kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 2 đã bị vô hiệu hóa vì những sự ngăn chận của phe biểu tình chống chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng rối loạn chính trị tiếp diễn làm cho mọi người chưa rõ cuộc bầu cử tháng 7 có diễn ra hay không.

Phó Thủ tướng lâm thời kiêm Bộ trưởng Tư pháp, ông Pongthep Thepkanjana, nói rằng chính phủ và ủy ban bầu cử nên họp vào thứ hai tới đây, vì nếu không giàn xếp ổn thỏa trước ngày 14 tháng 5 thì cuộc bầu cử khó có thể diễn ra vào ngày 20 tháng 7 như kế hoạch đã định.

Tuy nhiên, một ủy viên của ủy ban bầu cử nói rằng hiện chưa rõ nội các lâm thời, sau khi bà Yingluck không còn làm thủ tướng, có quyền nộp thỉnh nguyện để xin hoàng gia ban sắc dụ để tiến hành cuộc bầu cử hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG