Chủ nhật 14-3 vừa qua, cử tri Pháp đã bỏ phiếu trong vòng 1 của cuộc bầu cử các hội đồng vùng. Chủ nhật 21-3 này là cuộc bỏ phiếu vòng 2 để kết thúc.
Sau các cuộc tổng tuyển cử bầu Tổng thống và bầu Quốc hội, - cuộc tổng tuyển cử cuối mới diễn ra năm 2008 -, cuộc bầu cử vùng cũng quan trọng, theo cơ chế phi tập trung hóa, giao nhiều quyền cai trị cho địa phương các vùng về nhiều mặt: chính trị, kinh tế, tài chính-thuế khoá, xây dựng, giao thông, giáo dục, y tế, xã hội, bảo vệ môi trường... Chính phủ trung ương chỉ nắm trọn quyền lực trong lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng, an ninh lãnh thổ.
Cuộc bầu cử cấp vùng bầu ra những Hội đồng vùng theo danh sách do các đảng cử ra; các đảng có thể đứng riêng hay cùng liên minh trong một danh sách chung. Qua vòng 1, nếu không được đa số quá bán thì có thể ứng cử lại vòng 2 (trong vòng 1 vừa qua chỉ 1 vùng đảo Guadeloupe, Ðảng Xã hội đạt đa số tuyệt đối, không phải bầu vòng 2); vòng 2 chỉ dành cho các danh sách nào đạt trên 10% ở vòng 1. Tất cả có 25 vùng bầu cử.
Trong vòng 1 mỗi vùng có đến hơn 10 danh sách ứng viên, sang vòng 2, sẽ chỉ còn 2 danh sách trong 7 vùng, 3 danh sách trong 17 vùng và 4 danh sách trong 1 vùng là đảo Corse.
Cuộc bầu hội đồng vùng có nhiều ý nghĩa và tác dụng. Trước hết là đổi mới đội ngũ cán bộ cầm quyền ở địa phương có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của dân chúng; cử tri có dịp so sánh, lựa chọn những danh sách mình tin cậy, dựa vào những thành tích của 4 năm qua cũng như những chương trình thực tế cho 4 năm tới. Đối với tổng thống và chính phủ đương nhiệm kết quả cuộc bầu cử cấp vùng cũng là biểu hiện thước đo tín nhiệm rất quan trọng, chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống và quốc hội vào 2 năm sau.
Kết quả bầu cử vòng 1 cho thấy:
1.- Số cử tri đi bầu có tỷ lệ thấp chưa từng thấy, chỉ có 20 triệu 200 ngàn trên tổng số 43,5 triệu, chiếm 46,36% số cử tri. Cử tri không đi bỏ phiếu lên đến 53,64%. Vậy là hơn một nửa số công dân có quyền bỏ phiếu nằm nhà.
2.- Ðảng UMP - Union Mouvement Populaire - Tập hợp Phong trào Dân chúng - của Tổng thống Sarkozy và đa số cầm quyền được hơn 5,066 triệu phiếu, chỉ đạt có 26,25% phiếu bầu, kém xa tỷ lệ hơn 30% ở vòng 1 vào 4 năm trước. Đây có thể coi là thất bại nặng của đảng cầm quyền. Một mảng lớn cử tri cánh hữu từng ủng hộ UMP đã không đi bỏ phiếu vì thất vọng do những lời hứa của ông Sarkozy về tăng công ăn việc làm và tăng sức mua của xã hội đã không thành hiện thực.
3.- Ðảng Xã hội PS được hơn 5,673 triệu (29,4%) và Ðảng Xanh tăng đáng kể số phiếu, đạt 2,3 triệu phiếu (12%). Đảng PS và Ðảng Xanh đã thắt chặt liên minh, sang vòng 2 sẽ hòa nhập chung vào 1 danh sách trong hầu hết các vùng; trong vòng 1, Ðảng Xã hội và Ðảng Xanh cộng lại đã có 8 triệu phiếu = đạt 41% phiếu bầu, vượt khá xa UMP.
4.- Ðảng cực hữu Front National FN - Mặt trận Quốc gia vượt mọi dự đoán, đạt 2,2 triệu phiếu (11,4%), được vào vòng 2 trong 12 trên 25 vùng. FN vẫn đứng riêng một mình.
5.- Ðảng Mouvement Démocratique - Phong trào Dân chủ (Modem) - đứng giữa, sa sút xuống dưới mọi dự đoán, chỉ đạt tính chung 4% số phiếu, còn Ðảng Cộng sản liên minh cùng một số đảng cực tả chỉ đạt chung chưa đến 6%, đều bị loại ở vòng 2 trong hầu hết các vùng.
Ngay sau khi vòng 1 kết thúc, các đảng còn lại ở vòng 2 ráo riết rút kinh nghiệm lao ngay vào vận động cho vòng 2. Đảng UMP của đa số đương quyền ra sức vận động số cử tri truyền thống của mình đã chán nản ngồi nhà trong vòng 1, hy vọng sẽ lật ngược được thế cờ. Lãnh đạo UMP nhận định số đông đảo cử tri chán nản ấy là dự trữ đáng kể có ý nghĩa quyết định trong vòng 2. Mong muốn chủ quan này rất khó thành hiện thực khi lãnh đạo UMP tỏ ra chia rẽ, chỉ trích lẫn nhau, uy tín của Tổng thống Sarkozy cũng là lãnh tụ của đảng này xuống rất thấp về cả uy thế và tư cách lãnh đạo. Hy vọng của UMP rất thấp là giữ được 2 vùng còn lại là Alsace và đảo Corse cũng không chắc chắn.
Trong khi đó liên minh cánh tả Xã hội + Xanh rất phấn chấn, lập tức thắt chặt liên minh, vận động tranh thủ thu hút thêm cử tri cực tả và trung gian, không những hy vọng giữ vững đa số trong 22 vùng (ở chính quốc), còn hy vọng đoạt luôn đa số tại vùng Alsace và vùng đảo Corse hiện còn trong tay Ðảng UMP. Cảnh các nhân vật lãnh đạo của Ðảng Xã hội mang khăn quàng xanh của Ðảng Xanh bên các nhà lãnh đạo Ðảng Xanh mang khăn quàng đỏ của Ðảng Xã hội luôn xuất hiện trên màn vô tuyến. Sự đối nghịch trong nội bộ Ðảng Xã hội giữa bà Martine Aubry, bà Ségolène Royal và ông François Hollande lắng dịu hẳn xuống trong khí thế thắng lợi của phe tả. Riêng ở vùng lớn nhất là thủ đô Paris, liên danh Xã hội + Xanh do ông Jean Paul Huchon (Xã hội) và bà Cécile Duflot (Xanh) dẫn đầu có triển vọng bỏ xa danh sách của UMP do bà Valérie Pécresse dẫn đầu.
Tối chủ nhật 21-3-2010, vào 20 giờ 30 (giờ Paris) kết quả cuối cùng sau vòng 2 vừa được công bố là:
- Số cử tri đi bầu trong vòng 2 tăng 3% so với vòng 1, đạt tỷ lệ 51%, nghĩa là đạt quá một nửa, tuy vẫn còng rất thấp so với năm 2004.
- Đảng Xã hội thắng lợi lớn hơn vòng 1, đạt 54,3% số phiếu bầu, trong khi Ðảng UMP chỉ đạt 36,1%; Mặt trận Quốc gia FN chỉ được 8,7%.
- Ở vùng Paris, Ðảng Xã hội liên minh với Ðảng Xanh đạt 55%, thắng khá rõ đảng UMP chỉ đạt 45%.
- Trong 25 vùng, Ðảng UMP chỉ còn giữ được duy nhất có 1 vùng Alsace ở chính quốc và chỉ được thêm vùng đảo nhỏ la Réunion (hải ngoại). UMP mất vùng đảo Corse, nơi đảng này vẫn giữ được ưu thế trong hơn 20 năm qua.
Sáng thứ hai 22-3 Tổng thống Sarkozy đã họp với nội các Fillon để đánh giá tình hình trước thất bại nặng nề của đảng cầm quyền.
Dư luận phỏng đoán một cuộc điều chỉnh nhân sự của chính phủ ngay trước mắt. Tất cả 8 Bộ trưởng hiện tại chức ra ứng cử trong cuộc bầu cấp vùng lần này đều thất bại. Thua nặng nhất là Bộ trưởng Bộ Lao động Xavier Darcos, rồi đến Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Alain Marleix, Bộ trưởng phụ trách Hải ngoại Marie Luce Penchard, Quốc vụ khanh về kỹ thuật xanh (môi trường) Valérie Létard. Bộ trưởng Quốc phòng Hervé Morin (thuộc Ðảng Dân chủ mới) cũng bị thất cử. Bộ trưởng Đại học và Nghiên cứu Valérie Pécresse cũng thất bại nặng ngay giữa vùng thủ đô Paris.
Chắc chắn nhiều Bộ trưởng sẽ được Tổng thống "cám ơn" và ra đi trong cuộc điều chỉnh nhân sự để xoa dịu bớt sự "giận dữ" của cử tri.
Uy tín của nữ ứng cử viên tổng thống năm 2007 Ségolène Royal lại được hồi phục, còn tăng thêm do bà đạt tỷ lệ cao nhất là 61% số phiếu trong vùng Poitou - Charente mà bà làm Chủ tịch vùng.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính kéo dài của nước Pháp giữa cuộc khủng hoảng kinh tế toàn thế giới cũng như những yếu kém của chính phủ Sarkozy đã dẫn phe hữu đến thất bại nặng nề. Theo thăm dò dư luận, Thủ tướng Fillon có tỷ lệ tín nhiệm cao hơn Tổng thống Sarkozy 6 điểm.
Cuộc tranh cử sôi nổi chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử bầu Tổng thống và Quốc hội Pháp vào năm 2012 có thể nói sẽ khởi đầu từ ngay khi kết thúc cuộc bầu cấp vùng hôm nay.
Cập nhật: Tối 22 chính phủ Pháp thông báo 4 thay đổi trong nội các François Fillon: Bộ trưởng Lao động Xavier Darcos được thay thế bởi Bộ trưởng Tài chính Eric Woerth, ông François Baroin được cử làm Bộ trưởng Tài chính thay ông Eric Woerth, ông George Tron được cử làm Quốc vụ khanh về Công quyền (fonctions publiques) và ông Marc Philippe Daubresse thay thế ông Hirsch làm Bộ trưởng Thanh niên.