Đường dẫn truy cập

Bầu cử và giá của… ‘tốt đẹp’


Một phiên họp của Quốc hội Việt Nam. Hình minh họa.
Một phiên họp của Quốc hội Việt Nam. Hình minh họa.

Việc lựa chọn đại biểu cho các cơ quan dân cử từ trung ương (Quốc hội) đến địa phương (Hội đồng nhân dân) tại Việt Nam vừa kết thúc và dù chưa có kết quả nhưng chắc chắn ông Vương Đình Huệ sẽ… đắc cử, sắp tới sẽ được các đại biểu mới trúng cử khóa 15 bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Tương tự, các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính,… cũng sẽ đắc cử và sắp tới cũng sẽ được các đại biểu mới trúng cử khóa 15 bầu làm Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng!..

Nhìn chung, bất kể thế nào thì trong vài ngày tới, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng sẽ công bố kết quả kèm tuyên bố: Cuộc bầu cử đã… thành công “tốt đẹp” - cho dù có tổ chức bầu cử hay không thì bộ máy lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo chính phủ cũng… vẫn như mọi người đã… biết! Bao nhiêu tỉ đã chi cho việc tổ chức một cuộc bầu cử mà tính chất chỉ nhằm… biểu diễn? Không có con số chính xác nhưng dựa trên nhiều số liệu khác nhau nằm rải rác ở những thông tin có liên quan, chi phí có lẽ xấp xỉ cả… ngàn tỉ!

Tuy chi phí cho tuyên bố… “tốt đẹp” rất cao nhưng giá của… “tốt đẹp” không chỉ là những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của người Việt bị vắt qua thuế, phí, cũng như tạm ứng trước qua các khoản vay. Khi lượng định về giá phải tính cả năng lực tổ chức biểu diễn – mức độ tự trọng – các tác động đến thể diện, uy tín của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.

Chẳng hạn để bảo vệ phương thức “đảng cử - dân bầu”, ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia (HĐBC QG) từng dõng dạc tuyên bố: Công tác nhân sự đã được chuẩn bị đúng quy trình và tiến hành chặt chẽ theo từng bước, đảm bảo dân chủ, đúng quy định của pháp luật nhằm lựa chọn ra những ứng cử viên phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để đảm đương những công việc và trọng trách được giao (1). Đã chuẩn bị đúng quy trình và tiến hành chặt chẽ theo từng bước song trước thềm cuộc bầu cử lần này, HĐBC QG do ông Huệ làm Chủ tịch vẫn phải xóa tên 2/868 ứng cử viên (ƯCV) trong danh sách ƯCV đại biểu Quốc hội khóa 15.

Dẫu có tin, cả hai ƯCV (Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ông Nguyễn Thế Anh – Đại tá, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang) hoặc mới bị bắt (ông Anh) hoặc sắp bị bắt (ông Tuấn) vì tham nhũng nhưng đại diện HĐBC QG chỉ xác nhận việc xóa tên họ khỏi danh sách ƯCV đại biểu Quốc hội khóa 15 là vì họ tự xin rút lui bởi… “lý do cá nhân và sức khỏe”. Đến thời điểm HĐBC QG xem xét cho hai ƯCV này rút lui chưa thể khẳng định là họ… có vi phạm pháp luật (2)!

So với lần trước (bầu đại biểu cho Quốc hội khóa 14), nỗ lực… cải tổ công tác bầu cử lần này… tiến bộ hơn ở chỗ đã… loại được hai ƯCV vài ngày trước bầu cử chứ không phải đợi đến lúc đã có kết quả bầu cử mới tuyên bố… không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội như phải từng làm với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - ngoài quốc tịch Việt Nam còn có quốc tịch Malta (3) và ông Trịnh Xuân Thanh - tham nhũng (4). Chưa rõ quốc hội khóa này sẽ còn thêm bao nhiêu đại biểu bị bãi nhiệm, bị tù như quốc hội khóa trước nhưng bất kể thể nào, chắc chắn ông Huệ cũng vô can, dù chính ông khẳng định, dưới sự chỉ đạo của ông, HĐBC QG đã lựa chọn ra những ứng cử viên phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để đảm đương những công việc và trọng trách được giao.

Chưa hết! Thế nào là cải tổ công tác bầu cử, đảm bảo dân chủ khi tỉ lệ cạnh tranh giữa các ƯCV, tỉ lệ ƯCV không phải đảng viên, tỉ lệ ƯCV tự ứng cử đều thấp hơn cuộc bầu cử lần trước, chỉ có tỉ lệ ƯCV do trung ương giới thiệu nhằm tranh chỗ của các ƯCV là người địa phương, đại diện cho dân chúng địa phương tại Quốc hội là tăng (5)? So những tỉ lệ giữa khóa trước với khóa này không chỉ thấy tội nghiệp những từ… cải tổ, đảm bảo dân chủ mà còn rùng mình với … “tốt đẹp”!

Không lẽ cải tổ công tác bầu cử, đảm bảo dân chủ chỉ đơn thuần là đi những bước đúng như… Thông tấn xã Vỉa hè loan báo trước khi HĐBC QG công bố danh sách ƯCV chính thức cả tháng. Kiểu như bà Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trước khi nghỉ hưu đã kịp… thương lượng nhằm xếp đặt để quý nam – ông Lò Việt Phương, 48 tuổi, Vụ trưởng Vụ Dân nguyện của Văn phòng Quốc hội (VPQH) khóa trước và ái nữ - bà Lò Thị Việt Hà, 43 tuổi, Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể của VPQH khóa trước (6) được giới thiệu ứng cử làm đại biểu cho tỉnh Sơn La (7), Tuyên Quang (8) tại Quốc hội khóa này để ông Phương sẽ đảm nhận vai trò Phó Ban Dân nguyện, còn bà Hà sẽ đảm nhận vai trò Phó Chủ nhiệm Ủỷ ban Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng (9)?

Chú thích

(1) https://laodong.vn/thoi-su/sang-suot-lua-chon-nguoi-dai-bieu-cua-nhan-dan-thuc-su-xung-dang-911513.ldo

(2) https://plo.vn/thoi-su/hop-bao-nong-2-truong-hop-nguyen-quang-tuan-nguyen-the-anh-986838.html

(3) https://vnexpress.net/khong-cong-nhan-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi-voi-ba-nguyen-thi-nguyet-huong-3437787.html

(4) https://vnexpress.net/huy-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi-cua-ong-trinh-xuan-thanh-3436673.html

(5) https://cuoituan.tuoitre.vn/van-de-su-kien/ung-cu-vien-dai-bieu-quoc-hoi-thay-gi-qua-cac-con-so-1582403.html

(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tòng_Thị_Phóng

(7) https://sonla.gov.vn/4/469/77424/603977/thong-tin-bau-cu/danh-sach-nguoi-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-don-vi-bau-cu-so-1

(8) http://snntuyenquang.gov.vn/tin-tuc/tin-hoat-dong/trong-tinh/don-vi-bau-cu-so-2-quoc-hoi-8950.html

(9) https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=256036719499624&id=100052798927951

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG