Hôm 7/6 vừa qua ở California có bầu cử sơ bộ. Đến nay kết quả ai đã thắng hay hai ứng viên nào sẽ vào chung kết trong cuộc tổng tuyển cử tháng Mười Một tới đã được chính thức công bố.
Tuy nhiên cuộc bầu chọn nghị viên Khu vực 4 ở San Jose, hơn hai tháng sau ngày bầu cử vẫn chưa thực sự kết thúc, vì kết quả quá xít xao giữa hai ứng viên gốc Việt là nghị viên đương nhiệm Nguyễn Mạnh và luật sư Diệp Thế Lân.
Diệp Thế Lân chỉ hơn Nguyễn Mạnh 12 phiếu, theo kết quả chính thức sau nhiều lần đếm phiếu lại. Đây là kết quả được cơ quan tổ chức bầu cử quận hạt Santa Clara công bố và cách đây hơn một tuần, hội đồng thành phố San Jose đã đồng ý với tỉ số 8/10 để chuẩn bị cho chuẩn nghị viên Diệp Thế Lân nhận chức vào đầu năm tới. Hai phiếu không đồng ý chấp nhận kết quả là của hai nghị viên Nguyễn Tâm và Nguyễn Mạnh.
Ứng viên Nguyễn Mạnh không chấp nhận kết quả và đã kiện cơ quan tổ chức bầu cử ra tòa về các việc làm thiếu nghiêm chỉnh trong việc kiểm phiếu. Ông yêu cầu tòa hủy bỏ kết quả bầu cử hôm 7/6 để tổ chức lại cuộc bầu chọn nghị viên Khu vực 4 vào tháng Mười Một.
Cách đây một năm, Nghị viên Nguyễn Mạnh đã trúng cử trong cuộc bầu cử điền khuyết, thay thế Nghị viên Kansen Chu được bầu vào Hạ viện Tiểu bang.
Trong cuộc bầu chọn này, vòng đầu có năm ứng viên với kết quả Tim Orozco về nhất, Nguyễn Mạnh về nhì, chỉ hơn người về thứ ba là Diệp Thế Lân 13 phiếu, trong tổng số hơn một vạn phiếu bầu. Qua vòng chung kết giữa hai ứng viên được nhiều phiếu nhất, Nguyễn Mạnh đã đánh bại đối thủ Tim Orozco để vào hội đồng thành phố.
Mới nhận chức được vài tháng thì theo luật định có cuộc bầu chọn nghị viên cho một nhiệm kỳ trọn vẹn bốn năm. Nghị viên Nguyễn Mạnh tái tranh cử, lại gặp đối thủ duy nhất là luật sư Diệp Thế Lân. Kết quả cũng lại quá xít xao, nhưng đảo ngược với luật sư Lân hơn 12 phiếu.
Qua nhiều lần đếm phiếu lại theo luật bầu cử và theo yêu cầu với chi phí do ứng viên Nguyễn Mạnh bỏ ra, kết quả vẫn không thay đổi. Trong những ngày tới tòa sẽ có quyết định, nếu thua, ứng viên Nguyễn Mạnh có thể kháng án lên tòa cấp cao hơn nếu muốn.
Nhắc đến việc tòa án có những quyết định về bầu cử, sự kiện bầu chọn tổng thống Hoa Kỳ năm 2000 với phán quyết của Tối cao Pháp viện đã được ghi trong lịch sử sinh hoạt dân chủ Mỹ.
Tháng Mười Một năm 2000 nước Mỹ trải qua một cuộc kiểm phiếu bầu chọn tổng thống rất căng thẳng.
Bình thường, quá nửa đêm sau ngày cử tri đi bỏ phiếu là biết ai là tổng thống Hoa Kỳ trong bốn năm tới. Nhưng cuộc kiểm phiếu năm 2000 tại tiểu bang Florida đã kéo dài nhiều tuần mà chưa thể rõ Phó Tổng thống Al Gore hay Thống đốc Texas là George W. Bush sẽ là tổng thống thứ 43 của nước Mỹ, vì kết quả ban đầu với số phiếu hơn kém giữa hai ứng viên chỉ khoảng hơn một nghìn trong tổng số gần 6 triệu phiếu bầu của cử tri Florida.
Với 25 đại biểu cử tri đoàn, trong tổng số 538 đại biểu toàn quốc, đây là con số quyết định thắng thua cho ứng viên nào được xác định đạt đa số phiếu ở Florida.
Cả nước Mỹ đã hồi hộp theo dõi việc đếm phiếu lại nhiều lần. Hai ban vận động của Gore và Bush đã cử đại diện đến những nơi phiếu được kiểm lại để quan sát và đưa ra yêu cầu những phiếu nào cần đếm lại, những lá phiếu nào được cho là hợp lệ, hay bất hợp lệ, những lá phiếu nào thể hiện ý định của một cử tri khi bầu chọn tổng thống.
Bạn đọc nếu theo dõi thông tin về cuộc kiểm phiếu năm 2000 còn nhớ hình ảnh nổi bật với nhân viên tổ chức bầu cử đã phải dùng kính lúp để xem xét những lá phiếu với dấu ấn để lại ý định bầu chọn ai, vì cử tri đã không nhấn đủ mạnh để đục thủng lỗ lựa chọn ứng viên đại diện cho mình.
Hai bên khiếu kiện liên tục lên tòa địa phương, tòa tiểu bang về cách đếm những lá phiếu mà ý nguyện của cử tri không rõ và đã đưa đến những kháng án lên tòa án cao nhất.
Ngày 12/12/2000, Tối cao Pháp viện với tỉ số 5-4 đưa ra phán quyết chấm dứt việc đếm phiếu lại. Kết quả sau cùng Bush chỉ hơn Gore có 537 phiếu trong hơn 10 triệu phiếu bầu để thắng ở Florida. Với 25 đại biểu cử tri đoàn, nâng tổng số phiếu đại biểu đạt được là 271 cho Bush, chỉ một phiếu hơn số cần có là 270 để trở thành tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ.
Điều này cho thấy mỗi lá phiếu đều quan trọng trong tiến trình bầu cử, dù ở cấp thấp nhất hay cao nhất trong sinh hoạt dân chủ tại Hoa Kỳ.
Đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, không chỉ có cuộc tranh cử gay go mới đây giữa Nguyễn Mạnh và Diệp Thế Lân mới cho thấy mỗi lá phiếu đều quan trọng.
Mấy năm trước ủy viên giáo dục Scott Phạm trúng cử vào hội đồng giáo dục Alum Rock ở San Jose cũng chỉ hơn người về sau ông có 2 phiếu.
Năm 2007 ở miền nam California có kỳ bầu cử điền khuyết vào Hội đồng Giám sát Quận Cam rất gay go. Trong số một chục ứng viên ở vòng đầu, hai người được phiếu nhiều nhất là ủy viên giáo dục Trung Nguyễn và nghị viên Janet Nguyễn, đều là dân cử Garden Grove.
Khi vào chung kết, kết quả quá xít xao, đếm đi đếm lại có lúc Trung Nguyễn hơn vài chục phiếu, có lúc Janet Nguyễn lại hơn. Sau cùng, khi cơ quan tổ chức bầu cử chính thức công bố kết quả thì Janet Nguyễn được 10.919 phiếu và Trung Nguyễn 10.912. Hơn kém nhau chỉ vỏn vẹn 7 phiếu.
Trung Nguyễn khiếu kiện không chấp nhận kết quả lên đến toà cao nhất của tiểu bang. Kết quả sau cùng là Janet Nguyễn hơn 3 phiếu và bà trở thành giám sát viên gốc Việt đầu tiên tại Quận Cam và nay bà là dân cử gốc Việt đầu tiên tại Thượng viện California.
Với những kết quả mà số phiếu hơn kém chỉ vài ba phiếu hay vài chục phiếu trong các kỳ bầu cử địa phương hay vài trăm phiếu như bầu tổng thống năm 2000 ở Florida, điều này chứng minh rằng mỗi lá phiếu của cử tri đều rất quan trọng để quyết định ai sẽ là người đại diện dân cử trong tổ chức công quyền.
Trong nhiều năm qua, hiểu được tầm quan trọng của lá phiếu nên cử tri gốc Việt đã tích cực tham gia bầu cử để đưa lên tiếng nói và nguyện vọng của mình.
Ngày nay cử tri có thể dùng mạng Internet để xem hồ sơ ghi danh bầu cử của mình có chính xác, như họ và tên, địa chỉ cư trú hiện thời. Nếu không đúng, cần điều chỉnh lại bằng cách điền đơn ghi danh bầu cử mới.
Nếu đã ghi danh đi bầu và sẽ bầu chọn bằng cách gửi phiếu qua đường bưu điện, cử tri cần có chữ ký trên phong thư gửi phiếu bầu cho đúng với chữ ký có trong hồ sơ ghi danh tham gia bầu cử. Địa chỉ nơi cư trú cũng phải giống như nhau, nếu không phiếu bầu sẽ bị loại.
Khi có lá phiếu trong tay để bầu chọn, dù bầu ở nhà rồi gửi đi trước hay đến phòng phiếu trong ngày bầu cử, cử tri cần tô đậm vào ô chọn lựa của mình, không nên viết hay ghi dấu gì trên lá phiếu, ngoại trừ trong số các tên ứng viên có tên mình không chọn ai thì sẽ bỏ trống. Nếu muốn viết tên một người nào khác thì chỉ viết vào chỗ trống trong mục Write-in. Những lá phiếu có ghi bất cứ dấu hiệu gì hay viết tên không đúng chỗ cũng sẽ bị loại.
Qua những kết quả đã gây tranh cãi, mỗi cử tri cũng cần chú ý đến việc ghi danh tham gia bầu cử của mình và làm đúng theo luật bầu cử để lá phiếu không bị loại vì bất hợp lệ.
Cuộc tổng tuyển cử Tháng Mười Một tới đây hứa hẹn nhiều sôi nổi với ứng viên tổng thống Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa đang gây ồn ào qua các vận động tranh cử.
Lá phiếu của hơn một trăm triệu cử tri Mỹ, trong đó có cử tri gốc Việt, sẽ quyết định ai là lãnh đạo các cấp của Hoa Kỳ trong tương lai. Trong đó có Thị trưởng Garden Grove Bảo Nguyễn ở Quận Cam tranh chức dân biểu quốc hội liên bang và cựu Thị trưởng San Jose Madison Nguyễn trên Thung lũng Điện tử tranh chức vào Hạ viện Tiểu bang California.
Riêng tại San Jose hiện nay có hai nghị viên gốc Việt. Bầu cử tháng Mười Một tới đây có ứng viên Jimmy Nguyễn ở Khu vực 8 được vào vòng chung kết. Nếu thắng cử, hội đồng thành phố San Jose sẽ có 3 người gốc Việt trong số 10 nghị viên, tuy số người Việt ở đây chỉ chiếm 10% trong số gần một triệu cư dân thành phố.
Người Việt có quan tâm đến chính trị không? Nhìn vào sinh hoạt bầu cử ở Quận Cam và Thung lũng Hoa vàng sẽ thấy người Việt ra tranh cử đông và tham gia bầu cử cũng không kém phần tích cực..
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.