Đường dẫn truy cập

Bạo lực bùng phát trong khi Hy Lạp tranh luận về gói cứu nguy mới


Một người biểu tình hô khẩu hiệu trong một cuộc biểu tình được tổ chức bởi ADEDY, công đoàn khu vực công lớn nhất ở Hy Lạp, đánh dấu một cuộc đình công 24 giờ ở Athens, Hy Lạp.
Một người biểu tình hô khẩu hiệu trong một cuộc biểu tình được tổ chức bởi ADEDY, công đoàn khu vực công lớn nhất ở Hy Lạp, đánh dấu một cuộc đình công 24 giờ ở Athens, Hy Lạp.

Người biểu tình Hy Lạp chống đối những biện pháp thắt lưng buộc bụng ném bom xăng vào cảnh sát bảo vệ trước tòa nhà quốc hội của đất nước, trong khi các nhà lập pháp bắt đầu cuộc tranh luận hôm thứ Tư về những đòi hỏi nghiêm khắc mà những chủ nợ quốc tế đưa ra cho Athens để đổi lấy gói cứu nguy tài chính mới.

Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay, khiến người biểu tình hối hả chạy vào Quảng trường Syntagma. Những cuộc biểu tình bạo lực đã làm hoen ố những cuộc biểu tình ôn hòa khác khi hàng ngàn người tuần hành qua Athens chống đối những biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Những thành viên của quốc hội dự kiến sẽ thảo luận kế hoạch kiệm ước suốt buổi tối và đã lên kế hoạch cho một cuộc bỏ phiếu, dự kiến diễn ra sau nửa đêm.

Các dược sĩ Hy Lạp đã đóng cửa hiệu của họ để phản đối những cải cách được đề xuất hôm thứ Tư, trong khi công chức bỏ ngang công việc của mình. Nhưng một cuộc thăm dò dư luận ở Hy Lạp cho thấy 70 phần trăm ủng hộ kế hoạch cứu nguy tài chính.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng nợ của Athens là "khó mà giữ vững được."

IMF dự đoán rằng tình hình của Hy Lạp sẽ xấu đi trong hai năm tiếp theo, với nợ đạt mức gần gấp đôi tổng sản phẩm kinh tế quốc dân. IMF nói nợ của Hy Lạp, giờ là hàng chục tỉ đôla, chỉ có thể "giữ vững được thông qua những biện pháp giảm nợ nhiều hơn mức mà châu Âu sẵn lòng cứu xét cho tới bây giờ."

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang đối mặt với một cuộc nổi dậy của những thành viên trong đảng Syriza của ông về kế hoạch thắt lưng buộc bụng. Khoảng 30/162 nhà lập pháp thuộc đảng Syriza trong số 300 thành viên quốc hội bày tỏ sự phản đối.

Ông Tsipras gọi những biện pháp kiệm ước mới là "phi lý," và thừa nhận những biện pháp này mâu thuẫn với cam kết bầu cử của ông chỉ vài tháng trước kêu gọi chấm dứt tình trạng khắc khổ ở Hy Lạp. Nhưng nhà lãnh đạo Hy Lạp cho biết ông phải đồng ý để tránh một sự sụp đổ tài chính ở Hy Lạp.

Ông Tspiras đã bác bỏ khả năng ông sẽ từ chức, nói rằng “Tôi sẽ không chối bỏ trách nhiệm của mình.”

Hai tuần nay, các ngân hàng của Hy Lạp vẫn đóng cửa. Người gửi tiền ngày càng tuyệt vọng bị giới hạn chỉ được rút 60 euro (67 đôla) từ máy rút tiền.

“Nếu có chuyện gì đó bất ngờ xảy ra,” cư dân Athens Kyriakoula Papakostantinou nói rằng “sẽ không còn tiền để trả cho những thứ phát sinh thêm nữa. Hiện giờ chúng tôi có tạm đủ. Nhưng nếu chuyện gì đó bất ngờ xảy ra, chúng tôi không biết sẽ phải làm sao. Có cảm giác bấp bênh.”

Dự luật này, trình lên vào ngày thứ Ba, ấn định cụ thể những loại thuế mới, cải cách hưu bổng và việc giám sát chặt chẽ tình hình tài chính của chính phủ. Các chủ nợ châu Âu đang đòi hỏi quốc hội Hy Lạp phê chuẩn dự luật này đến trước ngày thứ Tư, như một điểm khởi đầu cho những cuộc thương thuyết mới về một gói cứu nguy mới, là gói cứu nguy thứ ba cho Hy Lạp trong vòng năm năm qua.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phát biểu hôm thứ Tư rằng ông sẽ đệ trình lên Quốc hội kế hoạch cứu nguy để đảm bảo nhận được sự ủng hộ của công chúng cho nguồn quỹ mà Tây Ban Nha có nghĩa vụ phải đóng góp cho gói cứu nguy. Ông không nói khi nào cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG