Các nhà lãnh đạo của Hy Lạp và những nước khác ở Châu Âu đến dự cuộc họp suốt đêm để có được một thoả thuận vào sáng thứ hai vừa qua, những mối quan tâm tức thời của họ là những vấn đề kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng cũng có những vấn đề nghiêm trọng về chiến lược thúc đẩy họ tới chỗ thoả hiệp với nhau.
Các nhà lãnh đạo đã tránh được sự loại trừ trước đây chưa từng có của một nước ra khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung euro, và có thể ra khỏi Liên hiệp Châu Âu – một sự việc mà các chuyên gia nói sẽ có những ảnh hưởng rất tai hại.
Ông Aris Transtidis, giáo sư môn chính trị kinh tế học của Trường King’s College ở London, nhận định: “Điều đó sẽ có nghĩa là Liên hiệp Châu Âu chẳng những không phải là một liên hiệp tiền tệ tốt nhất, một việc mà các nhà kinh tế học đã từng khẳng định, mà nó còn là một dự án chính trị hoàn toàn không thể hoạt động hữu hiệu.”
Thoả thuận giữa Athens và Liên hiệp Châu Âu sẽ gây thêm khốn đốn cho Hy Lạp, nhưng các chuyên gia cho rằng việc ra khỏi khu vực euro còn là một việc tệ hại hơn nữa, chẳng những cho người dân Hy Lạp và Châu Âu, mà còn gây ra những hậu quả tai hại về địa chính trị, nếu Hy Lạp rơi vào suy thoái kinh tế và rối loạn xã hội.
Giáo sư Transtidis nhận xét: “Điều gì sẽ xảy ra bên trong Hy Lạp, và xu hướng địa chính trị của nước này, nếu có một biến cố vô cùng to lớn với tầm mức của một cuộc ra đi của Hy Lạp?”
Trước đây, vị thủ tướng mới của Hy Lạp đã có những cử chỉ hoà dịu với Nga, và vị Tổng thống của Nga, theo tường thuật của báo chí, đã tìm cách thuyết phục nhà lãnh đạo Hy Lạp phủ quyết đề nghị triển hạn những biện pháp chế tài mà Liên hiệp Châu Âu áp đặt đối với Nga vì sự can dự của Moskova ở Ukraine.
Vị bộ trưởng quốc phòng mới của Hy Lạp cũng đã tham dự một cuộc hội thảo ở Moskova cùng với các nhân vật đồng cấp từ Iran và Bắc Triều Tiên.
Giáo sư Sarah Lain của Học viện Royal United Services cho biết về diễn tiến này” “Điều này chắc chắn đã gây ra những tiếng chuông báo động ở Châu Âu, nhưng tôi nghĩ nó có tính chất biểu tượng nhiều hơn chứ chẳng phải là một mối quan hệ đối tác chiến lược, ít nhất là vào thời điểm này.”
Tuy nhiên, các nhà phân tích như giáo sư Lain, cho rằng trong lúc một thoả thuận gây nhiều đau đớn với Liên hiệp Châu Âu có thể có một ảnh hưởng tích cực về lâu về dài, Hy Lạp không thể dựa vào sự giúp đỡ của Nga vì Nga cũng đang chật vật đối phó với những khó khăn kinh tế của chính họ.
Giáo sư Trantidis, và nhiều nhà phân tích khác, nói rằng phải xảy ra một sự đảo lộn rất lớn thì Hy Lạp mới nhìn về hướng đông thay vì hướng tây. Ông nói: “Nga có thể là một đối tác thương mại mang lại lợi lộc, nhưng nó không phải là mô hình mà Hy Lạp nên noi theo.”
Các chuyên gia cho rằng sự quan tâm rộng lớn hơn về chiến lược đã khiến cho các cường quốc Tây phương không nằm trong khối euro, như Hoa Kỳ và Anh ra sức thúc đẩy cho một giải pháp tương nhượng để né tránh mối rủi ro là một vụ tranh chấp tài chánh có thể dẫn tới một sự chuyển đổi về địa chính trị.