Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên tuyên bố tái khởi động lò phản ứng hạt nhân


Gorilla "Mjukuu" and her baby "Alika" check out a measuring device in an enclosure during a photocall at London Zoo to promote the zoo's annual weigh-in event.
Gorilla "Mjukuu" and her baby "Alika" check out a measuring device in an enclosure during a photocall at London Zoo to promote the zoo's annual weigh-in event.

Những loan báo mới đây của Bắc Triều Tiên về những tiến bộ mà họ đạt được trong chương trình phi đạn tầm xa và việc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân làm cho tình hình ở bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn nữa. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, các nhà phân tích cho rằng mục tiêu của Bình Nhưỡng vẫn là nhận được viện trợ từ Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Các nhà phân tích cho rằng những loan báo mới đây của Bình Nhưỡng phù hợp với một cách thức mà họ áp dụng từ lâu để tìm cách nhận được viện trợ và những sự trợ giúp khác từ Hoa Kỳ và các nước đồng minh.

Ông Andrei Lankov, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên của Đại học Kookmin ở Seoul, nhận định như sau.

"Giai đoạn thứ nhất là làm cho tình hình căng thẳng càng nhiều càng tốt. Một khi tình hình trở nên rất đỗi căng thẳng và truyền thông thế giới bắt đầu nói rằng bán đảo Triều Tiên đang nằm ở bờ vực chiến tranh, thì khi đó Bắc Triều Tiên sẽ đồng ý thương thuyết và đồng ý làm cho căng thẳng giảm đi để đổi lấy những sự nhượng bộ."

Giáo sư Lankov cho biết trong thập niên 1990 và 2000, ông Kim Jong Il – thân phụ của ông Kim Jong Un, đã dùng những vụ phóng phi đạn, những vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và những vụ khiêu khích quân sự qui ước để tạo ra những vụ khủng hoảng quốc tế.

Gần đây nhất, vào năm 2007, Bắc Triều Tiên đồng ý đóng cửa lò phản ứng ở Yongbyon để đổi lấy viện trợ năng lượng và tham gia cuộc đàm phán 6 bên với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Nam Triều Tiên để bình thường hoá các mối quan hệ. Nhưng đến năm 2009, Bắc Triều Tiên rút khỏi cuộc đàm phán hạt nhân và trục xuất các thanh sát viên quốc tế sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án Bình Nhưỡng về một vụ phóng vệ tinh bất thành mà Liên Hiệp Quốc xem là một vụ thử nghiệm phi đạn đạo xuyên lục địa.

Từ đó tới nay, cả Mỹ lẫn Nam Triều Tiên đều có lập trường rất cứng rắn là Bình Nhưỡng phải tạm ngưng chương trình hạt nhân trước khi hai nước này tham gia bất kỳ một cuộc đàm phán mới nào. Những vụ đụng độ quân sự với Nam Triều Tiên, những vụ phóng phi đạn đạo và một vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba của Bình Nhưỡng đã khiến cộng đồng quốc tế áp dụng thêm các biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên.

Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, ông Jeong Joon Hee, hôm nay cảnh báo như sau về những diễn tiến mới ở Bắc Triều Tiên.

"Nếu Bắc Triều Tiên phóng hoả tiễn hoặc thực hiện một vụ thử nghiệm hạt nhân, điều đó sẽ là một hành vi khiêu khích nghiêm trọng và là một mối đe dọa quân sự. Đó cũng là một hành động vi phạm một cách trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc."

Các nhà quan sát cho rằng lần này, thay vì có được một sự thoả hiệp, Bình Nhưỡng có phần chắc sẽ đối mặt với những sự trừng phạt và sẽ bị cô lập nhiều hơn nữa.

Nam Triều Tiên hồi gần đây đã đạt được một sự đột phá với Bắc Triều Tiên sau khi những sự căng thẳng ở biên giới hồi tháng 8 có thể dẫn tới một vụ đụng độ qui mô lớn. Seoul đồng ý ngưng chương trình phát thanh chỉ trích chế độ Kim Jong Un qua loa phóng thanh ở biên giới và đôi bên đồng ý thực hiện lại chương trình xum họp gia đình, tiến hành các chương trình giao lưu văn hoá và đàm phán thêm để giảm thiểu căng thẳng.

Chính phủ Nam Triều Tiên không chịu cho biết phải chăng họ sẽ đáp trả một vụ phóng hoả tiễn hay một vụ thử nghiệm hạt nhân bằng cách chấm dứt những hoạt động giao lưu và thực hiện chương trình phát thanh xuyên biên giới. Tuy nhiên, nhà phân tích Ahn Chan Il của Viện Nghiên cứu Bắc Triều Tiên Thế giới, cho rằng Seoul nên nói rõ là Bắc Triều Tiên sẽ phải nhận lãnh hậu quả.

"Tôi nghĩ rằng Nam Triều Tiên phải tiếp tục đưa ra những lời cảnh báo cho Bắc Triều Tiên bằng cách xem những sự đe dọa như vậy là bất thường, bởi vì đã có những sự hứa hẹn của hai miền Triều Tiên về vấn đề xum họp gia đình và những cuộc đàm phán cấp cao."

Các biện pháp chế tài quốc tế không có ảnh hưởng nhiều đối với Bắc Triều Tiên, nhưng sự hỗ trợ kinh tế mà Trung Quốc tiếp tục dành cho Bắc Triều Tiên thông qua viện trợ trực tiếp và thương mại đã giúp cho chế độ Kim Jong Un đứng vững.

Bắc Kinh đã hối thúc Bình Nhưỡng tuân hành các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm Bắc Triều Tiên phát triển phi đạn đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh quyết tâm duy trì hoà bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên và hối thúc các bên tiếp tục đối thoại.

Tuy nhiên, ông Bruce Bechtol, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Tiểu bang Angelo ở Texas, cho biết Trung Quốc đã cung cấp cho Bắc Triều Tiên những trang thiết bị cần thiết cho chương trình phi đạn tầm xa.

"Bắc Triều Tiên thật ra đã nhận được xe phóng phi đạn từ Trung Quốc. Do đó đây là một sự việc rất đáng lo ngại."

Bắc Triều Tiên nói rằng những vụ phóng vệ tinh của họ nhắm tới những mục đích hoà bình như quan sát thời tiết. Hoa Kỳ và các nước đồng minh thì cho rằng đó chỉ là bình phong của những vụ thử nghiệm phi đạn bị cấm chỉ.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye đã cải thiện quan hệ với Trung Quốc, trong lúc mối liên hệ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với ông Kim Jong Un đã bị căng thẳng.

Mặc dầu vậy, giáo sư Lankov cho rằng Bắc Kinh cảm thấy lo ngại về mối quan hệ đồng minh mật thiết giữa Seoul với Washington. Ông dự đoán Trung Quốc sẽ trừng phạt Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thực hiện một vụ phóng phi đạn hoặc một vụ thử nghiệm hạt nhân, nhưng Trung Quốc sẽ không làm cho Bắc Triều Tiên bị kiệt quệ.

"Bắc Kinh hoàn toàn có đủ khả năng để khoá sổ, để làm cho Bắc Triều Tiên gục ngã, gục gã hoàn toàn. Nhưng vấn đề là họ có muốn làm như vậy hay không. Tôi nghĩ rằng họ không muốn làm như vậy."

Những loan báo mới đây của Bắc Triều Tiên làm cho nhiều người tin tưởng nhiều hơn vào sự suy đoán là Bình Nhưỡng sẽ phóng một hoả tiễn tầm xa vào đầu tháng 10 để đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động đương quyền. Tuy nhiên, các nhà phân tích của trang web 38 độ Bắc của Viện Nghiên cứu Triều Tiên ở Mỹ nói rằng hình ảnh chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy không có sự chuẩn bị nào cho một vụ phóng như vậy tại Trạm Phóng Vệ Tinh Sohae.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG