Hành động theo đuổi vũ khí hạt nhân đầy thách thức của Bình Nhưỡng buộc các nước Đông-Bắc Á phải chọn hoặc là ủng hộ các biện pháp trừng phạt nặng hoặc là rốt cuộc phải công nhận Bắc Triều Tiên là một nước có vũ khí hạt nhân.
Hành động được xem là gây hấn mới đây nhất của Bắc Triều Tiên là hôm thứ Ba vừa qua nước này loan báo kế hoạch phóng một "vệ tinh quan sát trái đất" trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 25 tháng 2.
Bình Nhưỡng quả quyết rằng việc phóng hỏa tiễn này thuộc khuôn khổ chương trình không gian hòa bình, nhưng vụ này đã bị nhiều người lên án là một hành động thù địch được mượn cớ để tránh né lệnh của Liên hiệp quốc cấm Bắc Triều Tiên thực hiện các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo.
Washington, Seoul và Tokyo đã cảnh báo Bình Nhưỡng rằng họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu xúc tiến vụ thử nghiệm theo kế hoạch.
Hàn Quốc kiên quyết
Tại Hàn Quốc dường như mọi thảo luận về đàm phán hòa bình với miền Bắc đều bị đình lại và tất cả các trao đổi giữa hai bên cũng bị bãi bỏ sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư hôm 6 tháng 1.
Trong tuần này có tin nói rằng Seoul sẽ xem xét đến việc đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện kế hoạch phóng hỏa tiễn. Khu công nghiệp liên doanh Kaesong tuyển dụng hơn 50.000 lao động Bắc Triều Tiên là chương trình phát triển liên Triều còn lại sau cùng. Hầu như các mối quan hệ liên Triều khác và các chương trình viện trợ đã bị cắt đứt vào năm 2010 sau khi Hàn Quốc cáo buộc Bắc Triều Tiên đã đánh đắm một chiến hạm của Hàn Quốc làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Thái độ của Tổng thống Park Geun Hye kiên quyết ủng hộ các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với miền Bắc tăng cường cho mối quan hệ của Seoul với Hoa Kỳ. Nhưng hình như cùng lúc cũng có những căng thẳng khi trước đó Hàn Quốc tăng cường các mối quan hệ và hữu nghị với Trung Quốc.
"Chủ tịch Tập Cận Bình chọn cách không liên lạc bằng một phương thức có ý nghĩa với chính phủ Hàn Quốc hay với Tổng thống Park Geun Hye, người mà ông đã xây dựng được mối quan hệ thân thiện trong một thời gian," Ông Jonathan Pollack, một nhà phân tích chính sách Đông Á của Viện Brookings ở Washington, nhận định.
Trung Quốc khó xử
Trung Quốc dường như rơi vào thể khó xử là chống chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên hay ủng hộ nước đồng minh này.
Bắc Kinh miễn cưỡng trong việc ủng hộ các biện pháp chế tài gắt gao và kêu gọi các bên nối lại tiến trình đàm phán quốc tế để mang lại một thỏa thuận giải trừ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và đổi lại bằng đảm bảo an ninh và viện trợ kinh tế.
Tuy nhiên với thái độ cứng rắn của Bình Nhưỡng cho rằng chương trình hạt nhân của họ là cần thiết cho quốc phòng và không chịu đàm phán khiến cho Bắc Kinh còn rất ít cơ hội đi theo xu hướng nhượng bộ.
Nhưng theo những người chỉ trích, qua việc không ủng hộ các biện pháp trừng phạt, thì cơ bản là Trung Quốc dung thứ cho thái độ của Bắc Triều Tiên.
Cũng có những lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng có thể gây thêm thiệt hại về phía Trung Quốc, bởi vì Bắc Triều Tiên đã bị cô lập và phụ thuộc kinh tế vào nước láng giềng Trung Quốc về nhiên liệu, thương mại và viện trợ.
Nhật Bản đẩy mạnh vai trò
Khả năng hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên tiếp tục là một lý lẽ chính cho những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy cho vai trò quân sự quyết đoán hơn của Nhật trong khu vực và để biện minh cho việc nới rộng các hạn chế đối với quân đội của nước này theo hiến pháp chủ hòa sau Thế chiến thứ II.
Sau vụ thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên, Tokyo tái khẳng định quan hệ đồng minh chặt chẽ với Washington và Nhật Bản ủng hộ các biện pháp chế tài mạnh của quốc tế.
Dự kiến việc Bắc Triều Tiên phóng hỏa tiễn, Nhật Bản đặt các đơn vị phòng vệ chống phi đạn đạn đạo phòng thủ trong tình trạng báo động, kể cả các khu trục hạm Aegis trên Biển Nhật Bản và các khẩu đội phi đạn Patriot trên bộ.