Các nhà phân tích tại Seoul và Washington nói Đại hội đảng của Bắc Triều Tiên bắt đầu cuối tuần này sẽ được dùng như một công cụ chính trị để củng cố sự cai trị của Kim Jong Un. Thông tín viên Kim Eunjee của đài VOA tường thuật từ Seoul.
Đại hội lần thứ 7 của Đảng Lao động Bắc Triều Tiên bắt đầu vào ngày mai là đại hội đảng đầu tiên trong vòng 40 năm qua. Đại hội sẽ kéo dài vài ngày. Trong quá khứ, sự kiện này thu hút nhiều đại biểu trên toàn thế giới đến dự.
Vào năm 1980, gần 180 đại biểu từ 118 nước đến dự đại hội. Lần này, Bắc Triều Tiên chỉ mời một ít đại biểu nước ngoài đến dự. Dù không được quảng bá rầm rộ, đại hội sẽ tạo cho ông Kim cơ hội để đóng vai trò chính yếu trên sân khấu chính trị trước một số cử tọa trong nước đông đảo, bao gồm hơn 3.000 đại biểu trên cả nước. Đại hội diễn ra giữa những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp sau cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng vào tháng 1 năm nay.
Thủ tục tượng trưng
Theo dự liệu, ông Kim sẽ loan báo những chính sách quan trọng tại đại hội, tuy chưa rõ những chính sách đó là gì. Ông Kim lên cầm quyền vào cuối năm 2011, khi cha ông, cựu lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il từ trần đột ngột. Một số nhà phân tích nói đại hội sẽ là một thủ tục tượng trưng để nâng cao vị thế nhiều hơn vì ông Kim đã đảm nhận những chức vụ hàng đầu trong đảng và trong quân đội.
Ông James Person, phó giám đốc về lịch sử và chương trình chính sách công thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson dành cho các Học giả, nói tại một cuộc hội thảo ở Washington ngày thứ Ba vừa qua là “Đại hội là một sự kiện được dàn dựng trước, nên tôi không hy vọng sẽ có điều gì mới mẻ cả.”
Ông Person nói tiếp “Điều thế giới hy vọng được nghe là những tuyên bố đao to búa lớn về khả năng hạt nhân, ủng hộ ông Kim Jong Un, và hệ thống lãnh đạo độc tài, đoàn kết nội bộ, và có lẽ về phát triển kinh tế nữa.”
Đánh bóng hình ảnh ông Kim
Ông Park Hyeong-jung, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên, một cơ quan do nhà nước Nam Triều Tiên điều hành, nói với Đài VOA là sự kiện này vẫn còn quan trọng đối với tương lai chính trị của ông Kim.
Ông Park nói “Mục đính quan trọng nhất của đại hội là chứng tỏ cho thế giới thấy ông Kim đã củng cố quyền hành một cách chắc chắn.”
Các giới chức Nam Triều Tiên nói miền Bắc chắc chắn sẽ gia tăng những hoạt động để vinh danh ông Kim sau đại hội.
Mới đây, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên có những nỗ lực đánh bóng hình ảnh ông Kim bằng cách liên kết ông với những sự kiện quan trọng. Khi Bình Nhưỡng loan báo vụ thử nghiệm hạt nhân gần đây nhất, truyền hình nhà nước cho trình chiếu những hình ảnh về “mệnh lệnh bằng văn bản” của ông Kim.
Một số chuyên gia hy vọng ông Kim sẽ loan báo một sự thay đổi về đường lối của Bình Nhưỡng đối với Seoul.
Có thể có cử chỉ hòa giải
Ông Robert Carlin, một cựu giới chức tình báo Mỹ tham dự cuộc hội thảo tại Washington, nói “Theo quan điểm của tôi thì tại đại hội này chúng ta có thể thấy được một số điều khá quan trọng, nhưng nhạy cảm, về phương diện nguyên tắc hay triết lý nổi bật sẽ chi phối những sáng kiến mới đối với Nam Triều Tiên.”
Theo ông Carlin, ông Kim cần một chiến lược lâu dài vượt quá sự đối đầu hiện nay với Seoul.
Các giới chức Nam Triều Tiên nói có phần chắc là ông Kim sẽ không có những hành động táo bạo nào để tìm cách làm hoà với Nam Triều Tiên vì quan hệ giữa đôi bên đang bị căng thẳng rất nhiều.
Trong tuần này, Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết Bắc Triều Tiên sẵn sàng thực hiện thêm một vụ thử nghiệm hạt nhân vào bất cứ lúc nào. Bộ này cũng nói thêm là thời điểm thử nghiệm có lẽ sẽ được quyết định tùy theo tình hình chính trị.