Đường dẫn truy cập

Bác bỏ báo công an, giới hoạt động khẳng định vụ Đồng Tâm là ‘tội ác’


Nhóm các nhà hoạt động, trí thức gửi đơn tố giác vụ ông Lê Đình Kình bị giết, 21/1/2020
Nhóm các nhà hoạt động, trí thức gửi đơn tố giác vụ ông Lê Đình Kình bị giết, 21/1/2020

Bác bỏ báo công an, giới hoạt động khẳng định vụ Đồng Tâm là ‘tội ác’

Hai nhà hoạt động Nguyễn Quang A và Trịnh Bá Phương hôm 11/2 nhấn mạnh với VOA rằng cuộc đột kích hồi tháng trước của cảnh sát Việt Nam vào Đồng Tâm, một xã thuộc Hà Nội, là “tội ác rất lớn”.

Họ kêu gọi phải có các nhà điều tra và các nhà báo độc lập vào cuộc để làm sáng tỏ vụ việc, hoặc ít ra là gây sức ép để chính quyền Việt Nam công bố sự thật.

Các ý kiến của hai nhà hoạt động được đưa ra ít giờ sau khi báo Công An Nhân Dân thuộc chính quyền đăng bài viết dài thể hiện quan điểm rằng công an không đàn áp người dân Đồng Tâm, một số người địa phương đã sai khi “chống người thi hành công vụ”, và việc các nhà hoạt động “phát tán” thông tin về vụ Đồng Tâm là hành động “chống phá”.

Tranh chấp đất sát với sân bay Miếu Môn giữa người dân Đồng Tâm, với chính quyền trở nên gay gắt từ năm 2017 cho đến đỉnh điểm là cuộc đột kích hôm 9/1.

Thực chất vụ đàn áp hôm 9/1 là một tội ác. Đó là một cuộc đàn áp đẫm máu đã diễn ra tại Đồng Tâm. Có thể nói rằng chính quyền là lực lượng đã bất chấp luật pháp cũng như bất chấp tất cả các công ước quốc tế.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương


Trong vụ này, thủ lĩnh nông dân Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị thiệt mạng khi cảnh sát cơ động đột kích trước lúc trời sáng vào nhà ông và nhà của các con cháu ở xung quanh.

Ba viên cảnh sát cũng chết trong vụ này, nhà chức trách cáo buộc các con cháu ông Kình ném bom cháy vào 3 người này khi họ rơi xuống một “giếng trời” trong quá trình diễn ra cuộc đột kích.

Đáp lại luận điểm đăng trên báo Công An Nhân Dân hôm 11/2 cho rằng “các đối tượng chống phá” đã vu cáo là chính quyền chỉ đạo công an “đàn áp” người Đồng Tâm nhằm “cướp đất”, cả tiến sĩ Nguyễn Quang A lẫn nhà hoạt động Trịnh Bá Phương đều cho rằng việc điều động cả nghìn lính cảnh sát cơ động tấn công vào Đồng Tâm trong đêm khuya là trái luật của chính Việt Nam.

Ông Phương nói rõ hơn với VOA:

“Thực chất vụ đàn áp hôm 9/1 là một tội ác. Đó là một cuộc đàn áp đẫm máu đã diễn ra tại Đồng Tâm. Có thể nói rằng chính quyền là lực lượng đã bất chấp luật pháp cũng như bất chấp tất cả các công ước quốc tế để tấn công người dân vô phép tắc”.

Cả ông Phương và tiến sĩ Quang A cùng nhiều nhà hoạt động khác mới đây đều đã tới thăm và chia buồn với gia đình của ông Lê Đình Kình, qua đó, họ được nhìn tận mắt hiện trường cuộc tấn công.

Từ những quan sát của mình, các nhà hoạt động khẳng định rằng các bằng chứng cho thấy ông Kình đã bị cảnh sát “giết hại”, trong khi đó, ngược lại, cái chết của 3 viên cảnh sát là câu chuyện do phía công an “dựng lên” mà không có mấy bằng chứng thuyết phục.

Tiến sĩ Quang A nói với VOA:

“Chúng tôi đã đến tận nơi, tôi xem cái giếng trời ấy, cách xa nhà cụ Kình. Lên trên tầng thượng nhà cụ Kình không thể đi sang chỗ đó bởi vì nó cách 6, 7 mét. Nếu 3 người cùng chết ở đấy, bị thiêu ở đấy thì phải có dấu vết gì chứ. Chúng tôi không thấy dấu vết gì cả”.

Nhiều người dân tin rằng ông Lê Đình Kình là nạn nhân trong vụ đột kích 9/1 (Photo courtesy of Facebook user Pham Doan Trang)
Nhiều người dân tin rằng ông Lê Đình Kình là nạn nhân trong vụ đột kích 9/1 (Photo courtesy of Facebook user Pham Doan Trang)

Về cáo buộc là gia đình ông Kình đã phạm tội chống trả người thi hành công vụ mà báo Công An Nhân Dân đưa ra, ông Trịnh Bá Phương chỉ ra một thực tế trái ngược.

Với những gì tận mắt thấy và dẫn thông tin từ nhân chứng ở địa phương, nhà hoạt động này nói phía công an lên đến cả nghìn người, bao vây và tập trung đánh vào nhà ông Lê Đình Kình và con trai ông là Lê Đình Chức, chỉ gồm khoảng 30 người.

Trong hoàn cảnh như vậy, những người dân không thể chống trả. Ông Phương cung cấp thêm các chi tiết:

“Lực lượng cảnh sát rất đông. Họ dùng súng bắn rất nhiều vào nhà, cũng như là lựu đạn hơi cay. Tất cả bằng chứng ở hiện trường cho thấy không hề có sự phản kháng. Có chăng thì có sự tự vệ rất là yếu ớt ở trong nhà thôi. Không ai có thể phản kháng lại hay gây thương tích cho phía công an cả. Hầu hết những người trong nhà đều bị ngạt khói lựu đạn hơi cay, và nhiều người bị bắn chứ không chỉ duy nhất một mình cụ Kình”.

Hơn một tháng trôi qua kể từ cuộc đột kích với hậu quả 4 người chết, nhiều người bị bắt bớ, theo quan sát của VOA, giới hoạt động và dư luận vẫn chưa dừng đặt câu hỏi về tình huống dẫn đến những cái chết “đau xót”, “đáng tiếc” đó.

... những báo cáo, điều tra độc lập đấy nó sẽ gây sức ép, và nó sẽ là cái tương phản với cái ‘điều tra’ của đội ngũ chính thức, và có thể vén bức màn bí ẩn của 4 cái chết ...
Tiến sĩ Nguyễn Quang A


Đại diện cấp cao của Bộ Công an đã vài lần đưa ra thông tin, song giới hoạt động và quan sát nhanh chóng chỉ ra những chi tiết tiền hậu bất nhất, thiếu thuyết phục.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhà hoạt động Trịnh Bá Phương đề nghị rằng phải có các nhà điều tra, phân tích độc lập được phép làm rõ vụ việc để công chúng được biết. Ông Quang A nói:

“Nhiều chuyên gia, những người có khả năng điều tra độc lập, những nhà báo điều tra, những chuyên gia về hình sự, những chuyên gia về vũ khí có thể độc lập đến đấy. Và họ có một tiếng nói riêng của họ. Hoặc thậm chí có thể có cả chuyên gia nước ngoài nữa được đến chẳng hạn. Thì những báo cáo, điều tra độc lập đấy nó sẽ gây sức ép, và nó sẽ là cái tương phản với cái ‘điều tra’ của đội ngũ chính thức, và có thể vén bức màn bí ẩn của 4 cái chết này”.

Một đoạn trong bài viết mới đây của báo Công An Nhân Dân lặp lại lời buộc tội mà Bộ Công an và báo chí Việt Nam nhiều lần đưa ra trong một tháng qua, đó là giới hoạt động và những người ủng hộ ông Kình đã có hành vi “chống phá” khi lan truyền hình ảnh, thông tin “không chính thống” về vụ việc.

Chấn động nhất là việc ông Trịnh Bá Phương cùng các nhà hoạt động chia sẻ các đoạn video cho thấy ông Lê Đình Kình bị bắn chết “một cách dã man”, và vợ ông, bà Dư Thị Thành, kể bị công an tra tấn, sau đó bà “kêu cứu” với cộng đồng trong và ngoài nước.

Thư kêu cứu của bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) gửi cho Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Thư kêu cứu của bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình) gửi cho Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Ông Phương cho VOA biết vì việc làm này, ông đã bị phía công an, chính quyền hăm dọa nhiều lần. Mặc dù vậy, điều đó không làm ông run sợ, ông nói:

“Cho dù họ có đe dọa hay xử án tù tôi, kể cả họ có kề súng bắn vào đầu tôi như bắn vào cụ Kình, tôi cũng không bao giờ yên lặng trước tội ác này vì vụ này rất nghiêm trọng. Hôm nay nó diễn ra với gia đình cụ Kình, ngày mai nó có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào khác, trong tương lai nó có thể diễn ra với chính gia đình tôi. Chính vì thế tôi thấy rằng đây là trách nhiệm tôi phải tố cáo tội ác này ra công luận”.

Cho dù họ có đe dọa hay xử án tù tôi, kể cả họ có kề súng bắn vào đầu tôi như bắn vào cụ Kình, tôi cũng không bao giờ yên lặng trước tội ác này vì vụ này rất nghiêm trọng.
Ông Trịnh Bá Phương


Bên cạnh việc chia sẻ thông tin từ người dân trong cuộc về vụ Đồng Tâm, giới hoạt động cũng đã soạn ra bản “Báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm” có độ dài 64 trang, được gửi đến các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều nghị sĩ ở Mỹ, châu Âu.

Đánh dấu tròn 1 tháng xảy ra vụ đột kích chết chóc này, mới đây nhà hoạt động Phạm Đoan Trang đưa ra dự đoán rằng chính quyền Việt Nam “đang muốn đem vụ việc ra xử càng nhanh càng tốt, để dẹp yên dư luận”, thậm chí có thể dẫn đến ít nhất là “một án tử hình”.

Cùng suy nghĩ với tiến sĩ Quang A và ông Trịnh Bá Phương, bà Đoan Trang kêu gọi công chúng phổ biến bản báo cáo nhằm mục đích thúc đẩy điều tra độc lập.

“Chỉ có điều tra độc lập mới hy vọng bảo vệ được sinh mạng mong manh của những người dân đang bị biệt giam chờ tòa án (của công an) xử tội”, bà Trang viết trên Facebook cá nhân có hơn 65.000 người theo dõi hôm 10/2.

VOA Express

XS
SM
MD
LG