Đường dẫn truy cập

30 năm sau vụ Chernobyl, vẫn còn nhiều nghi ngại về năng lượng hạt nhân


Một công nhân, mặc đồ bảo hộ và mặt nạ, san đất tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi bị sóng thần làm tê liệt ở Okuma, Fukushima, đông bắc Nhật Bản, ngày 10 tháng 2 năm 2016.
Một công nhân, mặc đồ bảo hộ và mặt nạ, san đất tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi bị sóng thần làm tê liệt ở Okuma, Fukushima, đông bắc Nhật Bản, ngày 10 tháng 2 năm 2016.

Ba mươi năm sau vụ tan chảy một lò phản ứng bị trục trặc của Liên bang Soviet ở Ukraine, và năm năm kể từ thảm họa tại nhà máy Fukushima-1 của Nhật Bản bị sóng thần ập vào, ngành năng lượng hạt nhân toàn cầu vẫn tiếp tục biến chuyển.

Cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu tách nguyên tử để tạo ra điện có an toàn, hữu hiệu và có tính kinh tế hay không vẫn không cho thấy có dấu hiệu suy giảm.

"Chúng tôi nhìn thấy một thị trường tiềm năng đang hiện ra, đặc biệt là với những hạn chế carbon mà tất cả mọi người đang phải đối mặt. Nhưng nó cũng có tính cạnh tranh hơn nhiều so với trước đây," J. Scott Peterson, phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Viện Năng lượng Hạt nhân (NEI), nói.

Mười lò phản ứng hạt nhân đã được kết nối với lưới điện vào năm ngoái trong khi hai lò, một ở Đức và một ở Anh, bị đóng cửa.

Hiện tại, có khoảng 400 lò phản ứng ở 31 quốc gia đang hoạt động. Hơn 60 lò phản ứng "đang thi công" tại 15 quốc gia, dù đó là trạng thái có tính tương đối vì đối với một số lò việc hoàn tất đã bị trì hoãn suốt nhiều thập niên do tranh luận chính sách, chi phí vượt dự toán hoặc những vụ chậm trễ thi công khác.

Fukushima

Sau thảm họa Fukushima, với việc dọn dẹp đang tiếp diễn mà có thể mất một thế kỷ và tiêu tốn hàng trăm tỉ đôla, hạt nhân đã hoàn toàn bị đưa ra khỏi lưới điện của Nhật Bản trong gần hai năm cho đến khi hai lò phản ứng khởi động lại vào tháng 8 và tháng 10 năm ngoái.

Nhật Bản, nước phụ thuộc vào việc nhập khẩu khoảng 90 phần trăm nhu cầu năng lượng chính yếu của mình, giờ có 22 lò phản ứng đang trong quá trình phê duyệt khởi động lại và Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định nước ông không thể không có điện hạt nhân.

Tuy nhiên, những cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người Nhật hiện phản đối khởi động lại những nhà máy hạt nhân.

"Hạt nhân ở Nhật Bản đang trở thành một con tàu đắm," theo ông Tetsunari Iida, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Năng lượng Bền vững. "Không ai có thể đưa ra quyết định về nó và không ai có thể chịu trách nhiệm về nó."

Đã có gần 30 vụ kiện và yêu cầu lệnh cấm tạm thời đình chỉ hoạt động tại 14 nhà máy điện hạt nhân kể từ khi xảy ra tai nạn Fukushima, theo những nhà hoạt động.

"Thực tế là hạt nhân sẽ không bao giờ là nguồn năng lượng chính cho Nhật Bản một lần nữa," Kendra Ulrich, một nhà vận động năng lượng cao cấp cho tổ chức Greenpeace, làm việc tại Tokyo, cho biết.

Bản đồ khu vực Fukushima, Nhật Bản.
Bản đồ khu vực Fukushima, Nhật Bản.

Đình chỉ hoạt động

Do chi phí của việc bảo trì và tân trang những lò phản ứng đang trở nên cũ kỹ, bà Ulrich nói thêm, "một số công ty điện lực đang nói rằng 'chúng tôi sẽ không khởi động lại.'"

Việc cho ngừng hoạt động những nhà máy cũ đã sinh ra một ngành công nghiệp riêng của mình.

Loại bỏ chất thải và những hoạt động khác liên quan đến việc cho ngừng hoạt động sẽ có giá trị 200 tỉ đôla đến năm 2030, theo đại công ty xử lý nước và chất thải Veolia của Pháp. Công ty này đã mua lại Kurion, một công ty đặt tại California tham gia vào việc dọn dẹp Fukushima.

Sự nhiệt tình đối với điện hạt nhân chịu cú giáng mạnh đầu tiên vào cuối tháng 3 năm 1979 khi một lò phản ứng thương mại gần như mới 900 MWe (sản lượng điện megawatt) ở bang Pennsylvania của Mỹ tan chảy một phần, mặc dù không có tác động nào có thể nhận thấy được đối với sức khỏe.

"Nó tạo ra một cảm giác lo lắng trong công chúng quanh công nghệ năng lượng hạt nhân mà chúng ta cuối cùng đã hồi phục được," ông Peterson ở Washington, giải thích. "Và nó đã tạo ra một nhận thức mới trong giới vận hành lò phản ứng ở Mỹ cho việc đào tạo những người vận hành lò phản ứng và rằng họ phải cảnh giác liên tục."

Three Mile Island

Nhiều người Mỹ có thể ngạc nhiên khi biết rằng nhà máy Three Mile Island - địa điểm của vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất ở Mỹ - tiếp tục vận hành lò phản ứng 800 MWe duy nhất và là một trong những đơn vị hoạt động tốt nhất của đất nước.

Mỹ, với 100 đơn vị hạt nhân đang hoạt động, sản xuất gần một phần ba tổng số năng lượng nguyên tử trên thế giới và phụ thuộc vào hạt nhân cho khoảng một phần năm sản lượng năng lượng của đất nước. Nhưng những nhà máy hiện thời của Mỹ đang gặp khó khăn về kinh tế và một số đã bị cho ngưng hoạt động. Ít hơn 10 nhà máy mới dự kiến sẽ đưa vào hoạt động đến năm 2030. Điều này cũng đã góp phần khiến Mỹ không còn là nước chiếm ưu thế trong thị trường hạt nhân toàn cầu.

"Chúng ta gặp phải sự cạnh tranh đáng kể từ Nga, từ Hàn Quốc, những nước đã trúng thầu gần đây với công nghệ của họ, và thậm chí từ Trung Quốc, nước đang bắt đầu tiến vào thị trường xuất khẩu," ông Peterson tại Viện Năng lượng Hạt nhân, một tổ chức vận động hành lang cho ngành công nghiệp hạt nhân, cho biết.

Điều đang xảy ra ở Trung Quốc "vừa có lợi vừa có hại," theo Jane Nakano, một thành viên cao cấp trong Chương trình Năng lượng và An ninh Quốc gia và tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ.

"Trung Quốc đang nhanh chóng tiếp thu học hỏi sai lầm và trở thành một đối thủ lớn hoặc đối thủ cạnh tranh với những nhà cung cấp của phương Tây trong những năm tới," bà Nakano giải thích với VOA. "Mặt khác nếu không có sự mở rộng mạnh mẽ một chương trình sản xuất điện hạt nhân ở Trung Quốc và có lẽ được thực hiện bởi những nhà cung cấp Trung Quốc ra toàn cầu thì nguồn điện hạt nhân có thể không có tương lai tươi sáng."

Ở trong nước, những dự án xây dựng nhà máy đầy tham vọng của Trung Quốc không phải không gây nên tranh cãi.

Những nhà vận động vì môi trường ở Hong Kong bày tỏ lo ngại rằng một cặp lò phản ứng hạt nhân 1,750 MWe đang được thi công cách thành phố Đài Sơn 130 kilômét, dựa trên một thiết kế của Pháp được cho thấy là có những sai sót về cấu trúc.

Một đài tưởng niệm tại Trạm cứu hỏa Chernobyl cho 32 thành viên đã thiệt mạng khi đối phó với vụ nổ lò phản ứng số 4, ngày 20 tháng 3 năm 2014. (S. Herman / VOA)
Một đài tưởng niệm tại Trạm cứu hỏa Chernobyl cho 32 thành viên đã thiệt mạng khi đối phó với vụ nổ lò phản ứng số 4, ngày 20 tháng 3 năm 2014. (S. Herman / VOA)

Năng lượng xanh

Brazil, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, Hà Lan và Tây Ban Nha, chiếm gần một nửa dân số thế giới, hiện đang sản xuất nhiều điện từ năng lượng tái tạo được không phải nước hơn là năng lượng hạt nhân.

Những quốc gia không có bất kỳ cơ sở hạ tầng hạt nhân nào sẽ nhận thấy "đó không phải là một nỗ lực dễ dàng về mặt kinh tế," theo bà Nakano của CSIS.

Khởi động một chương trình năng lượng hạt nhân vượt xa việc thiết lập một lò phản ứng và có được một nguồn nhiên liệu.

Bà Nakano chỉ ra rằng việc tạo ra một khuôn khổ quản lý, đào tạo nhân viên trình độ cao và xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng (một thách thức mà Mỹ vẫn đang đối mặt), mất rất nhiều thời gian và tiền bạc.

"Nếu bạn nghiêm túc về ngành công nghiệp này và bạn muốn trở thành một nước xuất khẩu công nghệ này thì bạn không chỉ phải xuất khẩu công nghệ mà bạn phải xuất khẩu hệ thống quản lý và bạn phải xuất khẩu văn hóa an toàn," ông Peterson nói.

Nhưng những người chỉ trích nói rằng vấn đề an toàn từ lâu đã bị phương hại bởi việc một ngành công nghiệp có quá nhiều ảnh hưởng đối với cơ quan được lập ra để quản lý nó.

"Đó là chính là điều kiện tạo ra thảm họa Fukushima," bà Ulrich nói.

Một vấn đề khác mà ngành công nghiệp này đối mặt là mối lo ngại rằng các nước mua những vật liệu phân hạch cho những nhà máy điện dân sự sẽ chuyển chúng sang sử dụng vì mục đích quân sự.

Chẳng hạn, Ấn Độ vẫn chưa có một sự tách biệt hoàn toàn và có thể kiểm chứng được chương trình hạt nhân dân sự và quân sự của mình, theo một tham luận của tác giả Robert Kalman và John Carlson tại Dự án của Trung tâm Belfer về Quản lý Nguyên tử.

Những người ủng hộ hạt nhân hay nêu ra rằng thế giới có đủ uranium để duy trì năng lượng nguyên tử cho một vài thế kỷ nữa và rằng việc sử dụng nó giảm thiểu sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm và những nguồn năng lượng nước ngoài.

Những người chống đối hạt nhân bác bỏ nó là một lựa chọn khả thi để đối phó vấn đề biến đổi khí hậu.

"Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa trước mắt và hạt nhân phải mất một thời gian rất dài để xây dựng. Thời gian thi công trung bình (cho một nhà máy mới) là dưới mười năm một chút," bà Ulrich nói với VOA.

Ngành công nghiệp hạt nhân cũng bị phương hại bởi những lời hứa hẹn cải tiến của mình không đem lại kết quả nào.

Những cải tiến

Cái gọi những thiết kế lò phản ứng Thế hệ III, nhắm mục tiêu trở nên an toàn hơn, đơn giản hơn và rẻ hơn được cổ súy trong năm 1990, đã không đạt được kết quả đúng như tuyên bố.

Những lời hứa về việc cải tiến hơn nữa tiếp tục được đưa ra.

"Ngay bây giờ, có một nhóm vận động hành lang thẳng thừng nêu ra lập luận cho Lò phản ứng Mô-đun Nhỏ, một ý tưởng dễ dàng được gắn mác là Thế hệ IV, nhưng thực sự là từ những năm 1960," theo Báo cáo Tình trạng Công nghiệp Hạt nhân Thế giới 2015 có quan điểm độc lập.

"Chúng tôi dự liệu là những thiết kế lò phản ứng nhỏ nộp để xin giấy phép sẽ bắt đầu vào tháng 12 này," ông Peterson của NEI, ngưởi ủng hộ ngành công nghiệp hạt nhân, nói với VOA. "Chúng tôi có những công ty điện lực đang xem xét những địa điểm để xây chúng."

NEI dự đoán rằng trong khoảng từ năm 2020 tới 2025, những lò phản ứng nhỏ đầu tiên sẽ bắt đầu thâm nhập thị trường thương mại. Nhưng những người khác tỏ ra hoài nghi.

"Thành tích của ngành công nghiệp hạt nhân hoàn toàn thảm hại khi nói đến việc tạo ra thiết kế mới được thực thi một cách nhanh chóng," theo bà Ulrich của tổ chức Greenpeace. "Họ đang tìm cách thuyết phục lại công chúng tin một điều huyễn tưởng mà họ đã tìm cách thuyết phục suốt nhiều thập niên."

Dù có những bảo đảm rằng những lò phản ứng thế hệ tương lai sẽ có hiệu năng cao hơn và an toàn hơn, song ba thập niên sau tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới ngành công nghiệp hạt nhân vẫn nhận thấy mình đang trong thế thủ về vấn đề an toàn.

"Ít nhất là trong tâm trí của Mỹ, vụ Chernobyl không thể xảy ra ở đây chỉ vì sự khác biệt công nghệ và cách thức mà những nhà máy của chúng ta được xây dựng," ông Peterson nói, lưu ý rằng công nghệ thời Soviet ngay cả vào thời điểm đó được coi là kém xa so với công nghệ của phương Tây.

Người Nhật biểu tình tại Tokyo phản đối việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, ngày 06 tháng 7 năm 2012. (S. Herman / VOA)
Người Nhật biểu tình tại Tokyo phản đối việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, ngày 06 tháng 7 năm 2012. (S. Herman / VOA)

Tổn hại cho con người

Đóng góp vào sự lo âu là việc những chuyên gia vẫn không thể nhất trí về tổn hại cuối cùng đối với con người từ những vụ tan chảy Chernobyl.

Hàng chục nhân viên cấp cứu đã qua đời do những ảnh hưởng bức xạ và Tổ chức Y tế Thế giới hàng chục năm trước đã dự báo Chernobyl sẽ gây ra thêm 4.000 ca tử vong vì ung thư. Nhưng một nghiên cứu của Greenpeace đưa ra con số cuối cùng là 93.000 người.

Những người ủng hộ năng lượng hạt nhân phản bác rằng những nguồn năng lượng truyền thống của chúng ta còn gây chết người nhiều hơn, dẫn ra số liệu cho thấy than đá giết người cao gấp 4.000 lần mỗi đơn vị năng lượng được sản xuất hơn so với hạt nhân.

Mật độ năng lượng

Một yếu tố đối chiếu là mật độ năng lượng.

Những turbine gió có mật độ năng lượng là một watt mỗi mét vuông. Để đạt được sản lượng bằng sản lượng của một cặp lò phản ứng điển hình chiếm 100 hectare diện tích đất thì sẽ cần 2.000 kilômét vuông diện tích đất đặt cối xay gió, bằng kích thước của đảo quốc Mauritius.

Nhật Bản có thể đáp ứng được tổng nhu cầu hàng năm 200 GW của mình nếu chỉ một phần trăm diện tích đất được bao phủ bằng những tấm quang điện, theo ông Iida, một người cổ súy mạnh mẽ cho năng lượng thay thế.

Và gió có thể cung cấp nhiều gấp chín lần công suất đó ở Nhật Bản, nơi mà tài nguyên thiên nhiên truyền thống khan hiếm.

"Cả năng lượng mặt trời và gió phải có sự kết hợp đáng kể" để thay thế những nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân ở Nhật Bản, ông Iida nói.

Giống như những người ủng hộ hạt nhân, những người cổ súy năng lượng xanh lập luận rằng sự cải tiến đang rất gần và sẽ cho phép sự lựa chọn mà họ mong muốn đối với việc sản xuất điện trở thành phương pháp có hiệu năng cao nhất và giá cả phải chăng nhất.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG