Một nhóm bác sĩ Việt Nam tham gia chữa trị thành công cho cha con người Trung Quốc nhiễm chủng Corona mới (COVID-19) ở bệnh viện Chợ Rẫy nói với VOA tiếng Việt rằng virus gây chết người này “không cần visa để vượt qua biên giới” nên việc “chia sẻ thông tin” giữa các quốc gia là điều “hết sức cần thiết”.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, thay mặt nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP HCM, nói rằng trong khi “tình hình dịch bệnh nguy hiểm diễn ra phức tạp, mức độ ảnh hưởng lên quy mô toàn cầu” thì “việc chia sẻ thông tin dữ liệu, đặc biệt là các kiến thức mới về COVID-19 cho thế giới để cập nhật thêm thông tin về tình hình dịch bệnh là cực kỳ cấp thiết”.
Chính vì lẽ đó, bác sĩ Thượng cho hay, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi Việt Nam tháng trước xác nhận hai ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là cha con người Trung Quốc từ Vũ Hán, nhóm của ông đã công bố và cho xuất bản thông tin về quá trình điều trị cho hai bệnh nhân này trên một tạp chí y khoa hàng đầu thế giới của Mỹ.
Trong bài viết về việc “chủng virus Corona mới truyền từ người sang người ở Việt Nam” trên “The New England Journal of Medicine”, nhóm bác sĩ người Việt viết rằng sự bùng phát và lây lan virus từ Vũ Hán, Trung Quốc, vốn từng được gọi là nCoV mà sau này chính thức đổi thành COVID-19, đã “trở thành một mối quan ngại về y tế toàn cầu”.
Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy và viện Pasteur TP HCM cho hay rằng bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam là một công dân Trung Quốc 65 tuổi “có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch vành và ung thư phổi”.
Người đàn ông từ thành phố Vũ Hán này khẳng định với các nhân viên y tế Việt Nam là “chưa từng” tới chợ bán động vật sống, nơi được cho là xuất phát virus hiện đã làm hàng nghìn người chết trên thế giới. Công dân Trung Quốc này đã cùng vợ tới Việt Nam và gây nhiễm cho người con trai.
“Gia đình này đã đi tới bốn thành phố khắp Việt Nam trên các phương tiện giao thông khác nhau như máy bay, tàu hỏa và taxi”, nhóm bác sĩ Việt Nam viết hôm 28/1, nói thêm rằng hai ca bệnh này “gây quan ngại về việc truyền nhiễm từ người sang người”.
Bác sĩ Thượng nói với VOA Việt Ngữ rằng nhóm của ông “đã rất vui mừng và hạnh phúc khi thông tin về ca bệnh được chia sẻ cho cộng đồng nói chung và các nhà khoa học nói riêng được đăng trên ‘The New England Journal of Medicine’”.
Bác sĩ này cho biết thêm rằng thời điểm khi gửi đăng bài nghiên cứu, COVID-19 “vẫn còn chưa được hiểu thấu đáo”, nên thông tin của nhóm bác sĩ Việt Nam “cung cấp bằng chứng về khả năng lây truyền từ người sang người trong hộ gia đình và thời gian ủ bệnh (3 ngày hoặc có thể ít hơn) ở ca bệnh ghi nhận tại Việt Nam”.
“Sự nỗ lực không ngại ngày đêm, làm việc xuyên Tết Nguyên đán, thậm chí bỏ rơi cả gia đình trong những ngày Tết đoàn viên. Tuy nhiên, những nỗ lực không mệt mỏi này đã được đền bù xứng đáng bằng bài viết khoa học, góp phần vào y văn thế giới”, ông nói thêm.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, vốn được giao chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động Bộ Y tế sau khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến bị bãi chức Bộ trưởng, hôm 25/2 thông báo rằng các bác sĩ Việt Nam “đã điều trị khỏi” cho tất cả 16 người được xác nhận nhiễm COVID-19, trong đó có hai công dân Trung Quốc.
Ông Đam cũng được Cổng thông tin chính phủ Việt Nam dẫn lời nói rằng "nếu chống dịch COVID-19 như một cuộc chiến thì chúng ta đã thắng trận mở màn nhưng chưa thắng cả cuộc chiến vì tình hình thay đổi rất khó lường".
Theo VGP News, Việt Nam từ ngày 13/2 đến nay “không ghi nhận các trường hợp mắc mới” và dịch bệnh “đang được kiểm soát”. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại một cuộc họp hôm 27/2 rằng “tình hình dịch ở nhiều nước diễn biến phức tạp” nên “chúng ta không được chủ quan”.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo “thảo luận với các địa phương” để xử lý việc đi học trở lại của các học sinh “một cách tốt nhất”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cùng ngày cũng đã lên tiếng sau khi có tin một người Hàn Quốc mắc COVID-19 từng đến Việt Nam.
“Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã làm việc với cơ quan Quản lý Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đề nghị cung cấp thông tin. KCDC cho biết, theo quy định của Điều lệ Y tế quốc tế, trường hợp này sẽ được trao đổi qua kênh liên lạc chính thức giữa Bộ Y tế Việt Nam và Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao cũng đã thông tin đến Bộ Y tế về việc này”, bà Hằng nói.
Trả lời VOA Việt Ngữ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng cho rằng “với sự giao thương đi lại nhanh chóng trên toàn cầu như hiện nay, thì COVID-19 không cần visa để vượt qua biên giới”.
“Hiện tại chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu cho virus COVID-19. Việc ngăn chặn chuỗi lây truyền của bệnh dịch này trên bình diện toàn cầu cần phải nắm bắt thông tin về ca bệnh cũng như người tiếp xúc với ca bệnh, chia sẻ thông tin, phối hợp giám sát, phòng chống giữa các quốc gia là hết sức cần thiết”, ông nói.