Đường dẫn truy cập

Bà Harris đề cập đến nhân quyền VN, đúng như ‘kỳ vọng không cao’ của giới hoạt động


Phó tổng thống Kamala Harris gặp các nhà hoạt động về quyền của người đồng tính, chuyển giới, khuyết tật môi trường tại Hà Nội vào ngày 26/8/2021.
Phó tổng thống Kamala Harris gặp các nhà hoạt động về quyền của người đồng tính, chuyển giới, khuyết tật môi trường tại Hà Nội vào ngày 26/8/2021.

Nhân quyền, một trong những vấn đề nhạy cảm và được nhiều người mong đợi, cuối cùng đã được nữ Phó tổng thống Kamala Harris đề cập đến trong ngày cuối cùng của chuyến công du đầu tiên đến Việt Nam. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động kỳ cựu cho rằng nó chỉ được nhắc đến ở mức độ đúng như dự đoán và “kỳ vọng không cao” của họ trước đó.

Tại cuộc họp báo khi kết thúc chuyến công du Việt Nam và Singapore, Phó tổng thống Hoa Kỳ cho biết bà đã nêu vấn đề vi phạm nhân quyền và hạn chế hoạt động chính trị trong các cuộc trò chuyện với các lãnh đạo Hà Nội trong những ngày vừa qua.

“Những vấn đề đó đã được đưa ra và thảo luận, cũng như vấn đề nhân quyền, với cả các lãnh đạo chính phủ Việt Nam cũng như các lãnh đạo xã hội dân sự vì đó là mối quan tâm thực sự của Hoa Kỳ”, bà Harris nói, đồng thời khẳng định thêm rằng. “Chúng tôi không né tránh những cuộc trò chuyện khó khăn”.

Tuy nhiên, Phó tổng thống Hoa Kỳ không cho biết liệu có bất kỳ cam kết cụ thể nào từ phía Hà Nội hay không, hoặc có một giải thích nào về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vốn vẫn bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá là không dung chấp bất đồng chính kiến, hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và xã hội dân sự.

Trước chuyến đi của bà Harris, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và Việt Nam đã gửi thư kêu gọi nữ Phó tổng thống Mỹ đưa vấn đề nhân quyền ra trong các cuộc họp với các lãnh đạo Việt Nam và gây áp lực buộc Hà Nội phải thả các tù nhân lương tâm.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, chỉ trích bà Harris vì đã không lên tiếng đủ trong chuyến thăm bất chấp “sự quấy rối và đàn áp có hệ thống của Việt Nam đối với bất kỳ ai bất đồng với chính phủ”.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động kỳ cựu tại Việt Nam lại có một cái nhìn khác.

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên nói với VOA rằng bà vốn không đặt quá nhiều kỳ vọng về vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm này của nữ Phó tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, bà có đưa ra đề xuất về một cuộc gặp trực tuyến giữa các nhà hoạt động độc lập với bà Harris nhưng điều này đã không trở thành hiện thực.

“Hôm nay bà Harris đã không dành cho những người hoạt động xã hội dân sự độc lập, tôi phải nhấn mạnh từ độc lập ở Việt Nam, cụ thể là những người hoạt động nhân quyền, những người đối kháng với nhà nước Việt Nam một cuộc gặp, dù là một cuộc gặp trực tuyến. Trong khi các đại diện cá nhân, tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam chỉ riêng việc họ được đi gặp bà ấy mà không gặp một cản trở nào thì cũng đã là câu trả lời cho chúng ta họ là ai rồi. Tôi không kỳ vọng bất cứ điều gì về những gì họ truyền đạt cho bà Harris, cụ thể là họ chưa chắc đã dám nói về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cho bà Phó tổng thống nghe đâu”, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên nói với VOA.

Truyền thông quốc tế cho biết tại cuộc họp báo ngày 26/8, bà Harris đã nói về sự cần thiết phải bảo vệ phụ nữ và quyền của người chuyển giới, nhưng bà không lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam về những lạm dụng nhân quyền của họ.

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự nổi tiếng của Việt Nam, nói với VOA rằng ông có quan điểm “rạch ròi” về những lĩnh vực khác nhau trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nên ông không đặt kỳ vọng quá cao rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam sẽ được nữ Phó tổng thống Mỹ dành ưu tiên hay thậm chí gây áp lực lên Hà Nội như nhiều người mong đợi.

Ông nói: “Trong những ưu tiên hiện thời của nước Mỹ đối với Việt Nam thì vấn đề nhân quyền không phải là vấn đề trọng yếu nhất, giỏi lắm chỉ là thứ 4, thứ 5 thôi. Cho nên chuyện bà ấy có nói về nhân quyền và theo tôi biết bà có gặp một số đại diện của xã hội dân sự thì hoàn toàn phù hợp, bởi vì họ cũng không thể làm hơn được, vì vấn đề an ninh, COVID, kinh tế mới là những vấn đề trọng tâm nhất của chuyến đi này”.

Theo TS. Nguyễn Quang A, vì “những tiếng nói nặng ký như của bà Phó tổng thống hay của các chức sắc Mỹ luôn luôn có trọng lượng” nên chỉ riêng việc bà có đề cập đến vấn đề nhân quyền với các lãnh đạo Hà Nội trong chuyến thăm lần này thì chắc chắc sẽ có ảnh hưởng cho tương lai nhân quyền tại Việt Nam, mặc dù có thể hiệu quả trên thực tế lúc này là “không có gì cả”.

Ông phân tích: “Trong danh sách các lĩnh vực ưu tiên hiện tại của Mỹ với Việt Nam thì nhân quyền đứng hàng thứ tư, thứ năm gì đấy. Như thế là tốt rồi. Nhưng trong danh sách ưu tiên tương tự của Việt Nam thì nhân quyền và dân chủ đứng hàng chót. Tức là sự trùng nhau về những ưu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là không có hoặc rất xa nhau. Cho nên sẽ khó mà có kết quả gì ngay lập tức”.

Cũng như TS. Nguyễn Quang A, bà Phạm Thanh Nghiên cho rằng việc Phó tổng thống Harris đề cập đến vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm lần này chắc chắc sẽ có tác động tích cực về lâu dài cho nhân quyền tại Việt Nam khi nó buộc Hà Nội phải có những “điều chỉnh”, “cân nhắc” trong các mối quan hệ quốc tế.

Bà nói: “Nếu nói rằng không đạt được gì thì không đúng. Việc bà đã nhắc đến vấn đề nhân quyền và thêm cả nỗ lực của người dân Việt Nam thì tôi nghĩ trong tương lai sẽ đạt được những điều mà chúng ta mong muốn. Tuy nhiên trong thời điểm và bối cảnh như thế này, tôi nghĩ rằng việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam là rất khó”.

Trong suốt chuyến công du Việt Nam và Singapore tuần này, bà Harris nhiều lần nhấn mạnh đến mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ tích cực với các nước, mở rộng hợp tác và sự can dự của Hoa Kỳ trong khu vực, đồng thời bà liên tục chỉ trích và đưa ra cảnh báo yêu cầu Trung Quốc chấm dứt thói hung hăng ở Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG