Nam Sudan đã thực hiện lời đe dọa và ngưng tất cả hoạt động sản xuất dầu trong lúc vụ tranh chấp với Sudan không có dấu hiệu được giải quyết.
Lãnh đạo của hai quốc gia đã mở các cuộc thảo luận tại Addis Ababa cuối tuần qua bên lề cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo châu Phi để tiến tới một thỏa thuận chia sẻ nguồn lợi dầu hỏa. Nhưng các cuộc thương thuyết đã thất bại khi Tổng thống Nam Sudan Salva Kir cho biết ông không thể chấp nhận mức phí khoản đường ống dẫn dầu.
Nam Sudan có đến 70% sản lượng dầu hỏa của hai nước nhưng cần đến đường ống dẫn chạy qua lãnh thổ Sudan để đưa dầu ra đến cảng xuất đi.
Nam Sudan nói chính phủ Khartoum đã chiếm giữ bất hợp pháp một số dầu trị giá hàng trăm triệu đô la.
Hôm Chủ nhật, ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cảnh báo rằng tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan đã tới “mức nghiêm trọng” và đã trở thành một đe dọa cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc phụ trách Sudan, ông Princeton Lyman, nói với thông tấn xã AP rằng tình hình “đang mau chóng suy thoái.”
Cả hai ông đều bày tỏ lo ngại về điều được nhiều người coi là một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang lan tràn dọc theo đường biên giới giữa hai quốc gia đang có tranh chấp.
Vụ tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan cùng với vụ khủng hoảng của nước Somalia hiện đang bị chiến tranh tàn phá chiếm ưu tiên cao trên nghị trình của Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp châu Phi AU khai mạc hôm Chủ nhật tại Addis Ababa.
Các lãnh đạo bắt đầu hội nghị thượng đỉnh bằng cuộc biểu quyết chọn tổng thống Thomas Yayi Boni của Benin là tân chủ tịch của AU.
Trung Quốc là khách danh dự tại hội nghị thượng đỉnh với hết diễn giả này đến diễn giả khác lên tiếng tri ân món quà 200 triệu đô la của Bắc Kinh xây trụ sở mới cho AU. Cũng có những lời bày tỏ sự bất bình về chuyện bị cho là sự can thiệp của Tây phương vào nội tình châu Phi.
Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi ca ngợi điều ông gọi là thời Phục Hưng của châu Phi, ông nói là sự Phục Hưng noi theo khuôn mẫu của kinh tế do nhà nước dẫn đạo của Trung Quốc. Ông cũng nhân dịp này chỉ trích mô hình kinh tế của Tây phương vào cuối thế kỷ thứ 20 là “phương thuốc làm cho căn bệnh trầm kha hơn.”