Tuần trước, Quốc hội Thái Lan đã bầu bà Yingluck Shinawatra, 44 tuổi, người chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị, vào chức vụ Thủ Tướng thứ 28 của quốc gia. Còn tại Pakistan, Lễ tuyên thệ nhậm chức cho nữ Bộ trưởng Ngoại giao Hina Rabbani Khar, 34 tuổi, cũng đã diễn ra hồi cuối tháng 7.
Nếu như bà Yingluck Shinawatra là nữ thử tướng đầu tiên của Thái Lan thì bà Hina Rabbani Khar là nữ bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Pakistan. Tuy vậy, trở thành những người phụ nữ đầu tiên giữ những cương vị này tại nước họ không phải là điểm chung duy nhất của hai nữ chính trị gia này.
Theo giáo sư chính trị học Bridget Welsh, thuộc trường Đại học Quản lý Singapore, lâu nay phần lớn các nữ chính trị gia ở châu Á đều lên nắm quyền xuất phát từ các mối quan hệ gia đình. Giáo sư Welsh cho rằng họ thuộc ba nhóm chính, một là họ là con gái của các chính trị gia, vợ của các chính trị gia, hay một mối quan hệ gia đình nào khác. Giáo sư Welsh nói tiếp:“Một điều thú vị thứ hai là họ đều xuất thân từ những gia đình ưu tú, họ xuất thân từ những gia đình chính trị. Họ có tiềm lực, có tiếng tăm, và điều đó giúp họ giành được những vị trí này cho dù có vấp phải những rào cản vì họ là phụ nữ.”
Những người phụ nữ như bà Yingluck Shinawatra và bà Hina Rabbani Khar đang làm dài thêm danh sách các nữ lãnh đạo chính trị ở châu Á. Trong danh sách này còn có những gương mặt đã gây tiếng vang lớn như bà Sirimavo Bandaranaike, người đã trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới khi bà lên lãnh đạo Sri Lanka; bà Corazon Aquino, người đã trở thành Tổng thống thứ 11 và là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này ở Philippines; hay cựu Tổng thống Indonesia Megawati Sukarnoputri và cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto..v.v
Mặc dù vậy, Giáo sư Welsh cho rằng họ mới chỉ là những người phá vỡ rào cản và mở đường cho những người phụ nữ khác tiến lên các nấc thang chính trị, nhưng sự thay đổi về vấn đề bình quyền trên chính trường châu Á vẫn diễn ra khá chậm. Bà lấy ví dụ về trường hợp của Singapore nơi chỉ có 10% phụ nữ làm chính trị và thậm chí còn thụt lùi khi người phụ nữ duy nhất trong nội các đã không tái đắc cử.
Ngoài việc thiếu nguồn lực để chạy đua trong các chiến dịch tranh cử nếu như họ không xuất thân từ các gia đình danh giá hay có truyền thống chính trị lâu đời, theo giáo sư Welsh, phụ nữ châu Á cũng còn bị xét đến ngoại hình và đôi khi người ta để ý nhiều hơn đến ngoại hình của người phụ nữ chứ không phải kinh nghiệm thực sự của họ.
Tuy nhiên, việc xuất hiện thêm những gương mặt nữ mới trên chính trường châu Á cho thấy đã có sự thay đổi trong cách nhìn nhận của các cử tri châu Á đối với các nữ chính trị gia: “Có nhiều người chấp nhận một phụ nữ làm lãnh đạo hơn. Thái Lan là một ví dụ điển hình, mặc dù Thái Lan là một trong những nước có tỷ lệ ứng viên nữ thấp nhất trên thế giới, nhưng bà Yingluck Shinawatra lại có số người ủng hộ đông đảo. Việc bà ấy là phụ nữ là một yếu tố tích cực, bởi bà ấy được coi là người có tinh thần hòa giải hơn, có khả năng làm cầu nối.”
Giáo sư Welsh cho biết theo một cuộc thăm dò công chúng, phụ nữ cũng được coi là có thể trụ vững trên cương vị của mình hơn nam giới, phụ nữ có thể thành công và phụ nữ cũng được coi là ít tham nhũng hơn và chăm chỉ hơn nam giới.
Tại châu Á, Việt Nam được coi là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội cao nhất trong khu vực (chiếm hơn 25%), Việt Nam cũng có nữ phó Chủ tịch nước và nữ bộ trưởng.
Dù cho rằng thành tích này của Việt Nam cần được đánh giá cao, Giáo sư Welsh cũng nhận định rằng nhóm những nhân vật nòng cốt trong việc hoạch định chính sách tại Việt Nam vẫn chủ yếu là nam giới.
Vậy liệu trong tương lai gần, Việt Nam có thể trông đợi sẽ có một nữ Thủ tướng hay Chủ tịch nước hay không?
Giáo sư Welsh dự đoán: “Hãy lấy ví dụ của Thái Lan, Thái Lan có thành tích rất kém về bình quyền, nhưng bỗng dưng lại xuất hiện một một nữ thủ tướng. Chúng ta không bao giờ có thể nói không.
Với thực tế là phụ nữ chiếm một tỷ lệ lớn trong quốc hội, có nghĩa là phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội hơn vì phụ nữ Việt Nam có nhiều kinh nghiệm hơn, được tiếp xúc nhiều với môi trường chính trị hơn so với một số nươc khác. Nhưng tôi nghĩ rằng cần phải có một sự thay đổi đáng kể để cho phép phụ nữ thăng tiến và phải thừa nhận rằng họ không được tiếp cận những nguồn lực như nam giới, đặc biệt là giờ đây nguồn lực trở thành yếu tố quan trọng hơn trước kia.
Tôi tin rằng nếu Việt Nam mở cửa hơn nữa tiến trình chính trị thì có nhiều phần chắc sẽ xuất hiện thêm nhiều nữ chính trị gia nổi bật. Vì theo tôi, đặc biệt là về vấn đề tham nhũng, phụ nữ được cho là ít tham nhũng hơn, và đây là vấn đề mà cả người dân ở cấp địa phương lẫn cấp quốc gia đều quan tâm.”
Đó là nhận định của giáo sư chính trị học tại trường Đại học Quản lý Singapore, còn theo quí vị, bao giờ Việt Nam sẽ có một nữ thủ tướng hay chủ tịch nước? Hãy đóng góp ý kiến của quí vị ở dưới câu chuyện này. Xin cảm ơn quí vị.
Các vị trí lãnh đạo chính trị ở châu Á lâu nay phần lớn vẫn do đàn ông thống lĩnh, tuy nhiên gần đây, chính trường châu Á đã có thêm một số gương mặt nữ mới. Những nữ lãnh đạo châu Á này có điểm gì chung? Liệu sự xuất hiện của họ trong hàng ngũ các chính trị gia châu Á có phải là dấu hiệu cho thấy sự bình quyền trên chính trường châu Á đang thay đổi?
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1