Đường dẫn truy cập

Các nước châu Á hứa bảo vệ giống cọp


13 quốc gia châu Á họp ở Bangkok hứa sẽ tăng gấp đôi số cọp hoang dã ở nước họ trước năm 2022, khi có năm Dần một lần nữa
13 quốc gia châu Á họp ở Bangkok hứa sẽ tăng gấp đôi số cọp hoang dã ở nước họ trước năm 2022, khi có năm Dần một lần nữa

Mười ba quốc gia châu Á họp ở Bangkok hứa sẽ tăng gấp đôi số cọp hoang dã ở nước họ trước năm 2022, khi có năm Dần một lần nữa. Thông tín viên VOA Daniel Schearf tại Bangkok cho hay: các quốc gia tham gia hội nghị cũng hứa bảo vệ cả khu vực hoang dã, nơi các con hổ đang sống.

Cam kết của hội nghị cấp bộ trưởng, lần đầu tiên được tổ chức để chỉ bàn về cọp, đã được các nhóm bảo vệ động vật hoan nghênh.

Ông Michael Baltzer, Trưởng ban đặc trách bảo vệ hổ toàn cầu của tổ chức World Wildlife Fund WWF nói:

“Việc này lẽ ra đã phải làm từ lâu. Việc đó rất quan trọng vì số hổ ngày càng ít đi và thực sự chẳng còn bao nhiêu. Năm nay là năm Dần, do đó, tất cả các bên quan tâm đã gặp nhau để nhất trí rằng không nên chần chờ thêm nữa, quá đủ rồi. Chúng ta cần xoay chuyển tương lai của loài hổ bằng thái độ làm ngay bây giờ, nếu không sẽ chẳng bao giờ còn dịp nào khác.”

Hội nghị ở Thái Lan được tổ chức bởi một liên minh giữa Ngân hàng Thế giới, các nhóm bảo vệ động vật và viện Smithsonian của Hoa Kỳ nhằm kiểm tra lại tình hình các con hổ sống nơi hoang dã.

Ông Keshav Varma, người của Ngân hàng Thế giới tham gia trong liên minh này nói:

“Nếu chúng ta cứu được loài hổ, chúng ta cũng sẽ cứu được môi trường sinh sống của nhiều giống khác, bởi vì hổ là chủng loại độc đáo và thu hút sự chú ý của nhiều giới. Nếu chúng ta cứu các con hổ, nhiều loài thú khác cũng sẽ được thế giới chú ý; như thế sẽ giảm bớt chuyện săn bắt, mua bán, móc ngoặc, hối lộ, tham nhũng, và nhiều vấn đề khác.”

Hổ thường sống trong các khu rừng Trung Quốc, Nga, và nhiều nước Đông Nam Á.

Cách nay một thế kỷ, ước lượng có khoảng 100.000 con cọp hoang dãtừ Iran cho tới Indonesia hoặc Nga; nhưng bây giờ chỉ còn vào khoảng 3.500 con, sống trong khu vực chỉ bằng 7% diện tích chúng sống trước đây.

WWF đổ lỗi cho tệ nạn săn bắt đã làm cho số lượng cọp giảm đáng kể.

Xương và nhiều bộ phận của cọp được bán ra với giá đắt tại Trung Quốc để làm thuốc.

Nạn săn bắt liên tục cộng thêm nạn phá rừng để xây dựng các cơ sở hạ tầng cũng góp phần làm số cọp giảm đi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG