Đường dẫn truy cập

Tiếng Việt: Cọp và Chó


Suốt mấy tuần nay cứ nghe lùng bùng bên tai những tiếng gâu gâu mãi, tôi sực nhớ chuyện ở nông thôn ngày trước.

Trong phần “Ý kiến” cuối bài “Nhà vệ sinh và nhà cầm quyền”, bạn Duy Phan (Sài Gòn) có góp ý là từ vựng tiếng Việt liên quan đến vấn đề đi vệ sinh thật dồi dào: ở miền Nam gọi là đi cầu; miền Bắc gọi là đi tiêu; miền Trung thì gọi là đi đồng, đi cầu, ra bãi, ra mía, ra bụi, v.v…

Tôi nhớ hồi nhỏ, ở quê tôi, trẻ em chẳng cần đi đâu xa. Chúng cứ ngồi ị ngay trước sân nhà.

Bẩn ư? Không đâu; sau đó, con chó trong nhà sẽ làm nhiệm vụ tổng vệ sinh. Ngay cả em bé cũng không cần lau rửa gì cả. Em chỉ cần chổng mông lên, con chó sẽ liếm sạch. Khỏi tốn giấy. Khỏi tốn nước. Và cũng khỏi tốn công người lớn nữa.

Vui nhất là, những lúc ấy, người lớn thường hay nhắc em bé – bé trai, dĩ nhiên: “Lấy tay bụm cu lại, coi chừng chó đớp mất giống!” Thế là thằng bé rối rít nghe lời, một tay chống xuống đất, một tay bụm chim lại thật chặt trong khi con chó cứ làm nhiệm vụ của chó.

Nhớ đến chuyện ấy, tôi mới nhớ đến một chuyện khác: Trong tiếng Việt, từ vựng chỉ giống chó thật phong phú.

Phong phú ngang bằng với cọp.

Về phương diện từ vựng, ngoài chữ cọp, chúng ta còn có hổ, hùm, hầm, khái, kễnh. Sáu từ đơn. Chưa hết, còn: chúa sơn lâm, ông Ba Mươi, ông Dần, hay ông thầy. Chỉ nói “ông thầy” thôi, người ta hiểu ngay là cọp.

Tổng cộng: 10 từ.

Tại sao người ta phải gọi cọp bằng nhiều tên khác nhau như vậy?

Vì sợ. Sợ nên kiêng. Cọp không những hung dữ mà còn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn vô cùng, cứ thoắt hiện thoắt biến, rất khó đối phó. Bởi vậy người Việt Nam mới ví cọp như thần, như ma: “thần hổ, ma cọp”. Ma cọp có một tên riêng: ma trành.

Nghe đồn, ngày xưa, ai lỡ giết cọp, phải mang đến trình quan huyện; quan huyện sẽ thưởng cho ba mươi quan tiền nhưng lại bắt nằm xuống đất để lính đánh đòn ba mươi roi gọi là phạt “tội giết cọp”. Ðánh, chỉ là đánh vờ. Ðể hồn ma của con cọp chết không về báo oán dân làng.

Nói cách khác, người ta sợ cọp ngay cả khi nó đã chết rồi. Chính vì thế, không ai dám xúc phạm đến cọp, dù chỉ bằng từ ngữ. Lúc nào cũng gọi cọp bằng “ông” một cách kính cẩn. Ông hổ, ông cọp, ông hùm...

Chưa hết. Người ta còn xem những cái tên ấy như là tên huý. Như tên huý của vua của chúa ngày xưa. Gọi là cọp hay hổ, không an tâm; người ta gọi là “hùm”. Cũng không an tâm, “hùm” biến thành “hầm”. Cũng không an tâm hẳn: bao nhiêu là biệt danh và uyển ngữ tiếp nhau ra đời. Chỉ để gọi một giống vật: cọp.

Nhưng không phải chỉ với cọp. Với chó, người Việt Nam cũng...kiêng.

Nên lưu ý là về chó, vốn từ vựng tiếng Việt rất dồi dào: ngoài chó, còn có khuyển, cẩu và cún.

Không những dồi dào mà còn chi li: chó có nhiều loại khác nhau.

Người ta phân biệt chó theo lông: chó mực, chó cò, chó phèn, chó luốc, chó mốc, chó đốm, chó vện, chó vá, chó xù, chó bông, chó mắm trê, chó lài, chó khoang, v.v…

Người ta cũng phân biệt chó theo giống: chó tây, chó xi, chó ta, chó cỏ, chó sói, chó ngao, v.v... Phân biệt theo chức năng: chó cảnh, chó săn, chó nghiệp vụ...

Sự phân biệt chi li đến độ người ta để ý và đặt tên chó trong một số thời kỳ nhất định. Ví dụ thời kỳ chúng rượn, chó đực được gọi là chó tháng bảy; chó cái được gọi là chó hoa vông. Chó điên có ba tên gọi khác nhau: chó điên, chó dại và chó ngộ (nhớ thơ Hoàng Cầm, trong bài “Bên kia sông Ðuống”: “Chó ngộ một đàn / Lưỡi dài lê sắc máu...)

Dồi dào và chi li như vậy kể cũng chưa hẳn là đặc biệt. Ở Việt Nam, có một số loài vật khác cũng thu hút một lượng từ vựng dồi dào và chi li như vậy.

Ví dụ: lợn. Ðã có lợn lại còn có heo. Lợn thì có lợn bột, lợn cà, lợn cấn, lợn ỷ, lợn sề, lợn lòi, lợn tháu,… Heo thì có heo bông, heo cỏ, heo cúi, heo dái (còn gọi là heo hạch), heo đèo, heo gạo, heo gió, heo lang, heo nái, heo nọc, heo rừng, heo sữa, heo vá chàm, heo voi, v.v…

Gà cũng thế, thật dồi dào và chi li: gà ác (còn gọi là gà ri), gà ấp, gà cỏ, gà cồ, gà chọi, gà chuối, gà dao, gà độ, gà gô (còn gọi là đa đa), gà giò, gà hoa, gà hoa mơ, gà kiến, gà lôi (còn gọi là gà tây), gà mái ghẹ (hay gà mái tơ), gà nòi, gà nổ, gà ô, gà pha, gà phèn, gà sao, gà tàu, gà tre, gà xước, gà mã lửa, gà kim tiền, gà qué, gà sống, gà tồ, gà xiêm, v.v…

Bò cũng thế, tuy không nhiều bằng: bê, bò dái (còn gọi là bò mộng), bò tơ, bò sữa, bò rừng (còn gọi là bò tót), bò u, bò vá, bò vang, v.v…

Chó, như vậy, chỉ là một trong năm bảy giống vật được gọi tên nhiều nhất. Nhiều hơn trâu, bò, vịt... nhưng chưa chắc đã nhiều hơn gà và heo.

Tuy nhiên, đó là chó sống. Còn chó chết thì khác. Heo, bò, trâu, gà, vịt, dê, chim, cá, hay ngay cả cọp, v.v… lúc sống thế nào thì lúc chết thế ấy. Có lẽ chỉ có vài bộ phận của chúng là được đổi tên: máu hay huyết sẽ biến thành tiết; cái đầu sẽ được gọi bằng một từ Nôm khác: cái sỏ hoặc một từ Hán Việt thanh nhã hơn: cái thủ. Thế thôi.

Còn chó chết thì biến thành một... thứ con khác. Thành cầy, chẳng hạn. Nguyên thuỷ, chúng ta biết, cầy là tên của một giống chồn vừa ngọt thịt vừa thơm tho. Ở đây rõ ràng là một sự mạo danh. Nhưng mạo danh như vậy chưa đủ. Người ta còn nói lái chữ “cầy tơ” lại thành “cờ tây”. Cũng chưa đủ. Người ta lại nói lái chữ con cầy thành “cây còn” và dịch ra chữ Hán để có một từ Hán Việt giả cầy là… mộc tồn! Cũng vẫn chưa đủ. Người ta còn gọi thịt cầy là thịt nai. Ðó là chưa kể có lúc người ta còn dùng cả tiếng Tàu nữa: hương nhục.

Như vậy, tổng cộng, lúc sống, chó có bốn tên: chó, khuyển, cẩu và cún; chết đi, chó lại có thêm sáu cái tên khác: cầy, cờ tây, mộc tồn, nai tơ, nai đồng quê và hương nhục. Mười tên: Bằng cọp!

Tại sao chó, nhất là chó chết, phải có nhiều tên như thế?

Vì tởm. Người ta gọi cọp bằng nhiều tên vì sợ cọp dữ và linh; còn gọi chó chết bằng nhiều tên gọi khác nhau chủ yếu là vì tởm cái thói ăn dơ của chúng.

Nói cách khác, trong trường hợp trên, người ta muốn đánh lừa cọp; trong trường hợp dưới, người ta muốn đánh lừa… chính mình: ăn thịt cầy là ăn một thứ thịt khác. Chứ không phải là ăn thịt chó. Lại càng không phải ăn cái giống vật mình thường dùng để chửi người khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG