Các tổ chức buôn người và việc sử dụng lao động cưỡng bách đem lại tới 32 tỉ mỗi năm trên thế giới - 1/3 số này là từ châu Á. Các phân tích gia về lao động và tội phạm tiên đoán rằng lợi nhuận của các tổ chức này có thể lên tới trên 100 tỉ trong vòng nửa thập niên sắp tới.
Hôm thứ Ba tại Bangkok, bà Noeleen Heyzer, bí thư chấp hành của Ủy ban Kinh tế Xã hội đặc trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là UNESCAP, đã đưa ra một chiến dịch mới nhằm chấm dứt nạn buôn người.
Bà nói: “Thật sự tầm cỡ và địa bàn hoạt động của bọn buôn người hết sức rộng lớn, đến độ trừ phi chúng ta thay đổi phương thức đối phó, nghĩa là không phải như bình thường nữa, nếu không chúng ta sẽ không thể nào đối phó với loại tội phạm xuyên quốc gia này.”
Tại một hội nghị kinh tế khu vực, bà Heyzer nói khu vực tư nhân cũng cần phải góp sức, bởi vì những tổ chức truyền thống như Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thi hành công lực không còn đủ khả năng đối phó với tầm cỡ rộng lớn của loại tội phạm này nữa.
Buôn người tại châu Á có thể kể từ những hoạt động cưỡng bách phụ nữ và trẻ em đi vào con đường buôn bán tình dục cho đến những ngư dân tại Kampuchea bị buộc phải làm việc không lương trên những tàu bè trong khu vực, và những công nhân lao động với số lương quá ít.
UNESCAP khuyến nghị các doanh nghiệp ký nghị định thư Nguyên Tắc Đạo Đức Athens, theo đó các công ty cam kết giúp giáo dục quần chúng về nạn buôn người và tránh không sử dụng lao động từ các tổ chức buôn người. Trên thế giới có khoảng 10.000 công ty đã ký vào Nghị Định Thư nói trên, nhưng có rất ít công ty châu Á trong số này.
Ông David Arkless là người đứng đầu các vấn đề công ty thuộc tổ hợp Manpower Group, một công ty quốc tế chuyên tuyển dụng và điều hành lao động.
Ông là người trong ban chấp hành của tổ chức có tên là “Chấm Dứt Ngay Nạn Buôn Người.” Ông nói trước hội nghị rằng có nhiều áp lực thúc đẩy cộng đồng quốc tế phải đối phó hữu hiệu hơn đối với vấn đề lao động xuyên quốc gia.
Ông nói: “Chúng tôi có cả một loạt các vấn đề chồng chất cần giải quyết. Các vấn đề nhân đạo, kinh tế, con người và phương thức mà các thành phần dân số điều hành thế giới kinh tế. Chúng ta cần phải kiểm soát được vấn đề, hơn là để quá muộn. Hiện giờ chúng ta đã bị chìm ngập rồi. ”
UNSCAP và các tổ chức khác cũng đòi cải tổ trong việc sử dụng di dân lao động từ các nước như là Bangladesh, Philippines, Sri Lanka và Pakistan, là những nước phải lệ thuộc nhiều vào thu nhập của những công nhân làm việc tại nước ngoài.
Ông Arkless nêu lên rằng chống lại nạn buôn người có lợi cho các công ty. Ông nói các công ty cũng như nhân viên đều thấy là năng suất, và mức độ giữ được nhân viên ở lại với công ty nếu công nhân được đối xử tử tế.
Ngoài ra cũng có những lo ngại là nếu như các công ty bị khám phá bóc lột công nhân thì giới tiêu thụ sẽ tẩy chay sản phẩm của các công ty đó.
Các doanh nghiệp đang được kêu gọi đóng vai trò lớn hơn trong việc chống nạn buôn người trên thế giới. Một sáng kiến mới của Liên Hiệp Quốc về vấn nạn này đang được đưa ra tại châu Á.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1