Đường dẫn truy cập

Các nước châu Á cần có kế hoạch chống thiên tai tốt hơn


Bà Margareta Wahlstrom đến thăm Sri Lanka
Bà Margareta Wahlstrom đến thăm Sri Lanka

Giới chức của Liên Hiệp Quốc phụ trách chiến lược giảm bớt rủi ro thiên tai khuyên các nước châu Á cần có kế hoạch chống thiên tai tốt hơn, nhất là vào thời điểm có khí hậu biến đổi.

Trong buổi cuộc phỏng vấn dành cho VOA, bà Margareta Wahlstrom, Trưởng ban Chiến lược Quốc tế của Liên Hiệp Quốc giúp Giảm bớt Rủi ro Thiên tại, nói các chính phủ châu Á cần cải tiến các bộ phận có liên hệ đến quản lý thiên tai, và có kế hoạch tốt hơn cho những thiên tai sắp tới.

Bà nói các thành phố vùng biển của châu Á cần có những giải pháp ngăn ngừa và giảm bớt thiệt hại do lũ lụt, song song với chuyện cải tiến cách quy hoạch đô thị.

Lũ lụt tại Đông Nam Á từ tháng 6 ảnh hưởng đến gần 20 triệu người, làm trên 1.000 người thiệt mạng. Riêng Thái Lan có khoảng 13 triệu người bị ảnh hưởng. Lũ lụt khắp châu Á nghiêm trọng nhất trong vòng 50 năm qua.
Bà Wahlstrom cho biết:

“Tầm vóc của năm nay thật quá sức tưởng tượng, tác động về kinh tế và con người cũng quá sức tưởng tượng. Nhưng có một chuyện chúng ta chưa thấy thay đổi là các chính quyền không chịu tính trước. Lẽ ra họ phải hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp, với các tổ chức dân sự, với Liên Hiệp Quốc để có kế hoạch trước. Họ cần phải đầu tư nghiêm túc vào công tác giáo dục và nâng cao nhận thức của quần chúng.”

Bà cũng cho rằng chính quyền trung ương và địa phương cần có chính sách kết hợp để đối phó thiên tai.

Ý bà muốn nói tới Thái Lan, nơi mà chính quyền trung ương của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và chính quyền của thủ đô Bangkok đang bị chỉ trích vì thiếu phối hợp trong vụ lụt vừa qua.

Chính quyền trung ương Thái Lan có thể bị kiện và bị Quốc hội biểu quyết tín nhiệm về cách xử lý vụ lụt này.

Bà Wahlstrom nói tại châu Á Thái Bình Dương, các thành phố ven biển dễ bị tổn thương trước hiện tượng khí hậu biến đổi, làm mực nước biển dâng cao, do đó vấn đề quy hoạch đô thị tại những nơi này là một thách thức lớn.

Tại những nước đang phát triển kinh tế nhanh chóng như Kampuchea, giải pháp ở đây là xây dựng các cơ sở hạ tầng mới và có kế hoạch đối phó với lũ lụt trong tương lai.

Với 30 năm kinh nghiệm trong công tác đáp ứng và cứu trợ thiên tai ở nhiều nơi trên thế giới, bà Wahlstrom đưa ra phát biểu vào lúc Liên Hiệp Quốc sắp tổ chức hội nghị khí hậu biến đổi tại Durban, Nam Phi trong tuần tới.

Hội nghị sẽ có sự tham gia của trên 10.000 đại biểu của hơn 190 quốc gia, nhằm soạn một hiệp định thay thế cho nghị định thư Kyoto, ký năm 1997 và hết hiệu lực vào cuối năm 2012.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG