Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo ASEAN thảo luận về hợp tác khu vực tại Hà Nội


Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono (trái) bắt tay ông Nguyễn Văn Chiền, người đứng đầu Văn phòng Chủ tịch nước tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội, ngày 27/10/2010
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono (trái) bắt tay ông Nguyễn Văn Chiền, người đứng đầu Văn phòng Chủ tịch nước tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội, ngày 27/10/2010

Các nhà lãnh đạo thế giới và Á châu hội họp tại Hà Nội trong tuần này trong các cuộc họp thượng đỉnh Đông Á và của Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á. Các cuộc họp thường niên sẽ tập trung vào vấn đề hợp tác khu vực và hòa nhập kinh tế nhưng theo dự kiến cũng sẽ nêu ra những mối quan ngại về cuộc bầu cử ở Miến Điện, cũng như về sự mạnh bạo của Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền lãnh hải. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hợp tác kinh tế và thương mại đứng đầu nghị trình thảo luận khi các nhà lãnh đạo trong Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á, tức ASEAN, họp tại Việt Nam từ ngày 28 đến ngày 30 tháng này.

10 thành viên ASEAN – gồm Brunei, Miến Điện, Kampuchea, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – nhắm mục tiêu thành lập một cộng đồng theo kiểu Liên hiệp châu Aâu trước năm 2015. Kế hoạch sẽ bao gồm các cơ chế cải thiện hợp tác kinh tế và cùng làm việc về các vấn đề từ quốc phòng và tội phạm xuyên quốc gia, cho đến năng luợng, môi trường và tình trạng nghèo khó.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ họp với các nguyên thủ quốc gia của các đối tác trong cuộc đối thoại là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nam Triều Tiên trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Nga và Hoa Kỳ là các quan sát viên tại cuộc họp đó và đã được mời tham gia vào năm 2011.

Ông Carl Thayer là giáo sư môn chính trị học tại Học viện Quốc phòng Australia. Ông nói Bắc Kinh không hài lòng về sự giao tiếp Hoa Kỳ vừa lập lại trong vùng, được coi như một đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ông Thayer cho biết: “Trước đây, Trung Quốc đã nhấn mạnh đến một khối ASEAN cộng ba. Nhưng nay khi Hoa Kỳ tham gia Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á thì không còn là vấn đề trong bóng tối nữa, mà là trên sân khấu chính.”

Các giới chức Trung Quốc phản ứng gay gắt sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố tại các cuộc họp ASEAN hồi tháng 7 rằng quyền tự do hàng hải trong biển Nam Trung Quốc thuộc về lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Bắc Kinh nhận chủ quyền toàn bộ vùng Biển Nam Trung Quốc, và đưa vấn đề này vào cuộc xung đột về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Bruei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Dẫy đảo này được cho là chứa nhiều trữ lượng dầu khí và nằm trên các tuyến đường biển quan trọng.

Thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã tăng vọt 50% trong năm nay sau khi một hiệp định tự do thương mại có hiệu lực hồi tháng giêng.

Bất kể các quan hệ kinh tế ngày càng tăng, ông Mark Beeson, một giáo sư về chính trị học và quan hệ quốc tế tại trường đại học Western Australia, nói rằng sự hung hăng của Trung Quốc đang gây ra căng thẳng.

Ông Beeson nói: “Một số các quốc gia nhỏ hơn ở Đông nam châu Á, chắc chắn về mặt thực tế và sách lược, lấy làm quan ngại về sự nổi lên của Trung Quốc bởi vì họ cảm thấy bị đe doạ phần nào. Và tôi cho rằng các diễn biến mới đây, nhất là trong cuộc giao tiếp giữa Nhật Bản và thái độ của Trung Quốc trong vùng Biển Nam Trung Quốc, sự kiện này đã gây ra rất nhiều lo ngại trong vùng và đây sẽ là một trọng điểm thảo luận lớn trong các cuộc đàm phán sắp tới ở Việt Nam.”

Giới quản trị thương mại cho rằng Trung Quốc đã hạn chế việc xuất khẩu các khoáng chất cấp thiết qua Nhật Bản sau khi các tầu tuần duyên của Nhật Bản bắt giữ một tầu đánh cá của Trung Quốc gần dẫy đảo đang có tranh chấp.

Và hải quân Trung Quốc vẫn thường xuyên bắt giữ các tầu đánh cá của Việt Nam ở vùng biển Nam Trung Quốc, khơi ra các mối quan ngại rằng Trung Quốc có ý khẳng định chủ quyền lãnh thổ bằng cách sử dụng sức mạnh cả về kinh tế lẫn về quân sự.

Cũng tại các cuộc họp ở Hà Nội, các mối quan ngại dự kiến cũng sẽ được nêu lên về cuộc bầu cử ở Miến Điện vào ngày 7 tháng 11.

Chính phủ quân nhân Miến Điện nói rằng cuộc bầu cử nằm trong khuôn khổ tiến trình chuyển đổi qua thể chế dân chủ sau gần nửa thế kỷ dưới chế độ quân trị.

Nhưng quân đội đã được bảo đảm sẽ nắm 1 phần tư các ghế tại quốc hội, gạt ra bên lề các đảng đối lập và đã từ chối không cho hàng triệu dân thuộc sắc tộc thiểu số được bỏ phiếu.

Ông Thayer nói có nhiều phần chắc là ASEAN sẽ không chỉ trích cuộc bầu cử ở Miến Điện, còn gọi là Myanmar. Ông nói ASEAN, là khối quy tụ các nền dân chủ sống động như Indonesia, với một nền quân chủ tuyệt đối là Thái Lan, cùng hai quốc gia cộng sản độc đảng và mọi thứ ở giữa chừng, phải quân bình những mối quan ngại về dân chủ với các quy định ngăn cấm sự can thiệp vào nội bộ của nhau.

Ông Thayer cho biết: “Đó là một vấn đề rất khó khăn. Lên án thì dễ, nhưng hợp tác thì lại còn khó hơn. Nhưng ASEAN sẽ vẫn chấp nhận bởi vì, nếu ta nhìn vào các cuộc bầu cử ở Kampuchea hay Lào hay Việt Nam, đều là những trò giả trá, thì cuộc bầu cử ở Myanmar xét về nhiều phưong diện sẽ còn khá hơn những trường hợp vừa nêu.”

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cũng sẽ dự các cuộc họp tại Hà Nội.

Ông Ban nói rằng cuộc bầu cử ở Miến Điện sẽ thiếu tính hợp pháp chừng nào mà lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi còn bị quản thúc tại gia.

Khôi nguyên giải Nobel hòa bình thuộc Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đã thắng trong cuộc bầu cử lần trước vào năm 1990 nhưng quân đội đã làm lơ trước kết quả và đã quản thúc bà phần lớn thời gian kể từ khi đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG