Hội nghị của các bộ trưởng Đông Nam Á trong tuần này sẽ tránh bàn tới vấn đề Trung Quốc vũ trang và xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, chuẩn bị ủng hộ một khuôn khổ cho một bộ quy tắc ứng xử không có tính ràng buộc và cũng không có tính cưỡng hành.
Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gạt bỏ những đề cập tới các hoạt động gây tranh cãi của Trung Quốc trong bản dự thảo tuyên bố chung mà hãng tin Reuters đã xem qua.
Ngoài ra, một bản kế hoạch cho việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử hàng hải ASEAN-Trung Quốc được tiết lộ không kêu gọi mang tính ràng buộc pháp lý hoặc chấp hành Công ước về Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), Reuters cho biết.
Hãng tin này nói rằng hai bản dự thảo nêu bật tầm ảnh hưởng đang mở rộng của Trung Quốc trong khu vực vào lúc có nhiều bất định về việc liệu chính quyền mới của Mỹ có tìm cách kiểm soát sự quyết đoán của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp hay không.
Chương về Biển Đông trong bản dự thảo tuyên bố chung mới nhất, một văn bản được các bên thương lượng mà có thể thay đổi, là phiên bản được giảm nhẹ so với phiên bản công bố ở Lào vào năm ngoái, Reuters nói.
ASEAN đã bày tỏ "mối lo ngại nghiêm trọng" trong văn bản này, và "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự chế trong tất cả các hoạt động, bao gồm cải tạo bồi đắp đất."
Nhưng văn bản mới nhất lại kêu gọi tránh "những hành động đơn phương ở những đảo tranh chấp."
Philippines với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2017 đã giúp Trung Quốc kiểm soát sự bất hòa.
Từng là nước chỉ trích hành vi của Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong khối ASEAN, Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã gác tranh chấp sang một bên để đổi lấy các cam kết viện trợ của Trung Quốc trị giá 24 tỉ đôla.
Quan hệ giữa ASEAN với Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, vẫn chưa có dấu hiệu ổn định trong khi vẫn còn nghi vấn về cam kết của Washington đối với an ninh hàng hải và thương mại ở Châu Á, làm suy giảm khả năng thương lượng của khối này với Bắc Kinh.