Đường dẫn truy cập

APEC: Trump, Tập gặp nhau trực tuyến giữa xung đột thương mại


Tư liệu: Các nguyên thủ quốc gia, kể cả TT Mỹ Donald Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 11/11/2017. REUTERS/Jorge Silva
Tư liệu: Các nguyên thủ quốc gia, kể cả TT Mỹ Donald Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 11/11/2017. REUTERS/Jorge Silva

Hôm thứ Sáu 20/11, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến các lãnh đạo khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bàn về dịch Covid-19 và tiến trình hồi phục kinh tế. Hội nghị này đã bị phủ bóng bởi những bất đồng dai dẳng giữa hai bên về vấn đề thương mại.

Hai ông có mặt tại hội nghị thượng đỉnh quy tụ các lãnh đạo của APEC - Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gồm 21 nước. Hội nghị này do Malaysia tổ chức trực tuyến, chỉ 2 tuần sau khi ông Trump thất bại trong nỗ lực được tái cử.

Các lãnh đạo khu vực Châu Á-Thái Bình Dương kêu gọi thương mại tự do và đa phương để hỗ trợ tiến trình hồi phục kinh tế, đồng thời cảnh báo chống các chính sách bảo hộ kinh tế.

Sau khi lên cầm quyền vào năm 2017, ông Trump đã áp đặt thuế quan lên hàng nghìn tỷ dô la hàng hóa Trung Quốc, khơi mào cho một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chúng ta không nên lặp lại những sai lầm của lịch sử bằng cách thu mình vào vỏ ốc chủ nghĩa bảo hộ.”
Thủ Tướng New Zealand Jacinda Ardern


Tại thượng đỉnh APEC năm 2018, các nước thành viên đã không đưa ra được một thông cáo chung lần đầu tiên trong lịch sử khối APEC, giữa lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc bất đồng quan điểm về vấn đề thương mại và đầu tư.

Trước cuộc họp ngày 20/11, nhiều nhà lãnh đạo trong khối cảnh báo chớ nên theo chủ nghĩa bảo hộ trong khi thế giới đang phải chịu đựng tác động của virus corona chủng mới.

Phát biểu tại Đối thoại CEO của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương-APEC hôm thứ Sáu, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói:

“Giũa lúc chúng ta đang đối đầu với thách thức kinh tế lớn nhất trong thế hệ này, chúng ta không nên lặp lại những sai lầm của lịch sử bằng cách thu mình vào vỏ ốc chủ nghĩa bảo hộ.”

Bà nói: “APEC phải tiếp tục cam kết mở cửa các thị trường để thương mại tự do phát triển.”

Ngày hôm trước, thứ Năm 19/11, ông Tập nói “sự leo thang của chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ, bắt nạt cũng như tác dụng ngược chống lại toàn cầu hóa kinh tế” đã làm tăng thêm những rủi ro và bất định trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông nói Trung Quốc vẫn cam kết theo đuổi chủ nghĩa đa phương, cởi mở và hợp tác.

Các nhà lãnh đạo khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng bày tỏ hy vọng rằng một chính phủ Biden sẽ góp mặt và ủng hộ thương mại đa phương.

Nhật Bản đang nhắm tới việc nới rộng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thủ Tướng Yoshihide Suga hôm thứ Sáu cho biết là có tiềm năng Trung Quốc và nước Anh cũng mong muốn gia nhập hiệp định này.

Tổng Thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP.

Hoa Kỳ không có chân trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 nước được Trung Quốc hậu thuẫn vừa được ký kết hồi tuần trước.

Chính quyền của Tổng Thống Trump bị chỉ trích là ít khi tham dự các sự kiện liên quan tới Châu Á, lần duy nhất ông dự một hội nghị APEC-được tổ chức hàng năm, là vào năm 2017. Hội nghị thượng đỉnh APEC năm ngoái tại Chile đã bị hủy bỏ vì những cuộc biểu tình bạo động.

Ông Trump cũng vắng mặt tại hai hội nghị trực tuyến, hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hội nghị các nước Đông Á.

Ngoài việc soạn thảo một thông cáo chung, các lãnh đạo APEC dự kiến sẽ thảo luận về viễn kiến của khối hậu 2020, sẽ thay thế Mục tiêu Bogor năm 1994 hết hạn trong năm nay. Đây là một loạt mục tiêu nhằm giảm các rào cản đối với thương mại và đầu tư.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG