Đường dẫn truy cập

Áp lực của tập đoàn cầm quyền đối với các trường đại học Thái


Tân Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tham dự lễ kỷ niệm thành lập của Trung đoàn bộ binh 21, ngày 21/8/2014.
Tân Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tham dự lễ kỷ niệm thành lập của Trung đoàn bộ binh 21, ngày 21/8/2014.

Chính quyền quân nhân Thái Lan đã bóp nghẹt những bất đồng chính kiến của công chúng kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, và các trường đại học ở quốc gia này nói điều đó đã tác động lên các trường. Các học giả, đặc biệt là những người dạy về các môn nhân văn như chính trị, nói họ đang nằm trong tầm ngắm của sự kiềm kẹp của chính phủ quân nhân trong các tranh luận chính trị và nhân quyền. Thông tín viên Ron Corben tường thuật cho đài VOA từ Bangkok về những gì mà các học giả nói là một “bầu không khí sợ hãi” ở các trường đại học.

Tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở New York cho biết kể từ khi các lực lượng vũ trang Thái Lan lên nắm quyền vào tháng 5 năm 2014, hơn 750 người đã bị triệu tập đến trình diện với quân đội để thảo luận về “hòa giải”.

Các chính trị gia cấp cao, các nhà hoạt động và các nhà báo đã phải đối mặt với những lời buộc tội chỉ trích hay chống đối chế độ quân sự.

Các giáo sư tại các trường đại học ưu tú nhất của quốc gia cũng không được tha. Mạng lưới các nhà hoạt động địa phương, tổ chức Cải cách Luật về Đối thoại Internet, cho biết trong số 750 người bị bắt giữ, có ít nhất 65 người là giảng viên và giáo sư đại học được triệu tập vì cái gọi là “những buổi điều chỉnh thái độ”.

Bà Titipol Phakdeewanich là một giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani ở đông bắc Thái Lan, thành trì của những người ủng hộ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, mà chính phủ đã bị lật đổ hồi tháng 5 năm 2014.

Bà Titipol nói quân đội đã hiện diện thường xuyên trong các lớp học và các buổi hội thảo có sự tham gia của các tổ chức quốc tế.

Bà Titipol cho biết: “Đó là hình thức của bầu không khí sợ hãi và đe dọa vì kể từ khi lần đầu tiên tôi phát hiện ra là tôi bị theo dõi, tôi luôn nghĩ là ngay cả khi tôi lái xe vào ban đêm, tôi cũng có thể bị quân đội chặn lại. Đây là một loại sợ hãi trong tâm trí khiến tôi rất lo ngại về tất cả mọi thứ, tất cả mọi thứ tôi dạy”.

Trong tháng Mười, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha chỉ trích các giảng viên đại học, cáo buộc họ kích động tư tưởng và các hoạt động nổi loạn trong giới sinh viên.

Sau những phát biểu của ông Prayuth, các nhà học thuật ở thành phố Chiang Mai miền bắc đã ra một tuyên bố nói rằng “các trường đại học không phải là trại lính”, và kêu gọi sự ủng hộ cho tự do ngôn luận và tranh luận ở các cơ sở giáo dục.

Không bao lâu sau khi cảnh sát Chiang Mai ban hành giấy triệu tập hai trong số các nhà học thuật có liên quan, đã nổ ra một cuộc tranh luận về tự do học thuật ở Thái Lan.

Bà Pongkwan Sawasdipakee, một giảng viên tại phân khoa Khoa học Chính trị của Đại học Thammasat, nói những hạn chế hiện nay đối với việc công khai tranh luận đã dẫn đến việc các học giả càng chú trọng hơn việc thảo luận về chính trị của đất nước.

Bà Pongkwan cho biết: “Dưới chế độ chính quyền quân nhân, chúng tôi không thể thể hiện một cách thật rõ ràng, chúng tôi có xu hướng đòi hỏi cho các học giả hàn lâm phải thực sự có thêm điều kiện để nói lên điều đó và chúng tôi gọi đó là tự do học thuật, bởi vì chúng tôi tin rằng các học giả cần có nhiều điều kiện hơn so với những công dân khác để lên tiếng [Nhưng] nếu chúng ta muốn tranh luận rằng quyền tự do phát biểu - chúng ta không nên chỉ nói về tự do học thuật mà không có quyền tự do phát biểu”.

Freedom House, cơ quan giám sát độc lập của Mỹ về tự do toàn cầu, đã hạ cấp thứ bậc của Thái Lan xuống mức “không tự do,” bao gồm cả báo chí và phương tiện truyền thông xã hội.

Trong bản phúc trình mới nhất, Freedom House cho biết Hội đồng Quốc gia về Hòa bình và Trật tự (NCPO) của tập đoàn cầm quyền đã triệu tập hơn 400 người để “thẩm vấn” về các hoạt động trên mạng của họ.

Ông Ekachai Chaninuvati, phó khoa trưởng Luật khoa tại Đại học Siam, nói rằng các vấn đề chính trị của Thái Lan không thể được giải quyết chỉ bằng các biện pháp quân đội, mà phải bằng cách chấm dứt sự mất lòng tin ngày càng tăng giữa quân đội và cộng đồng nói chung.

Ông Ekachai nói: “Tại sao người Thái không nghĩ rằng chúng ta phải có mặt ở đây, chúng ta phải sống ở đây và vấn đề này hoặc bất cứ vấn đề nào khác mà họ nghĩ rằng không thể tiến triển hay không thể giải quyết được nếu bản thân chúng ta nghĩ khác đi. Nếu quân đội vẫn nghĩ rằng họ khác với mọi người và nếu mọi người vẫn nghĩ rằng họ khác với quân đội, điều đó sẽ không đi tới đâu cả”.

Trong bài phát biểu cuối năm trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Prayuth đã nhắc nhở người Thái rằng chính quyền quân nhân lên nắm quyền để cải tổ quốc gia và soạn thảo một hiến pháp mới. Ông nói ông hy vọng nền dân chủ sẽ quay trở lại đất nước sau cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào giữa năm 2017.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG