Đường dẫn truy cập

Quanh vụ Anh Quốc rút phép của Truyền hình Trung Quốc


Cờ Trung Quốc tại tổng hành dinh CCTV, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và cơ quan "anh em", CGTN, phát tin bằng tiếng Anh.
Cờ Trung Quốc tại tổng hành dinh CCTV, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và cơ quan "anh em", CGTN, phát tin bằng tiếng Anh.

Kênh truyền hình nhà nước CGTN của Trung Quốc đã mất quyền phát sóng ở Anh sau khi bị cơ quan giám sát truyền thông của vương quốc này, gọi tắt là Ofcom, tước giấy phép hoạt động.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng đả phá quyết định này và nói họ sẽ có hành động trả đũa.

Trong lúc đó CGTN tìm được hai học giả cánh tả người Anh viết bài đả phá quyết định của Ofcom, cơ quan hoạt động độc lập với chính phủ Anh và có trách nhiệm đảm bảo các đài phát thanh và truyền hình tuân thủ pháp luật.

Vì sao mất giấy phép?

Trước khi bị tước giấy phép hôm 4/2/2021, CGTN cũng đang bị Ofcom điều tra vì cáo buộc đưa tin thiên lệch liên quan tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong hồi năm 2019. Ofcom nói cuộc điều tra sẽ còn tiếp diễn dù CGTN đã bị cấm hoạt động ở Anh.

Có hai lý do chính khiến CGTN, tên viết tắt tiếng Anh của China Global Television Network – tức Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, bị tước quyền phát sóng.

Thứ nhất, điều tra của Ofcom cho thấy Star China Media Limited, công ty trách nhiệm hữu hạn đang sở hữu giấy phép mà theo đó CGTN hoạt động, thực tế không có trách nhiệm với nội dung được phát. Vì lý do này họ không đủ điều kiện để tiếp tục sở hữu giấy phép.

Ofcom cũng nói họ không thể chuyển giấy phép của Star China Media Limited cho CGTN vì hãng này thực tế do Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý. Các cơ quan được phép phát thanh và truyền hình ở Anh phải giữ nguyên tắc trung lập và chuyện họ bị một chính đảng quản lý không đảm bảo được tiêu chí do Ofcom đề ra.

Quyết định của Ofcom cũng tạo tiền lệ khiến các đài phát thanh và truyền hình của các chính thể cộng sản trong đó có Việt Nam khó có thể được phép hoạt động tại Anh.

‘Chính trị cánh hữu’

Một ngày sau khi mất giấy phép họ có trong suốt 18 năm, CGTN hôm 5/2/2021 đã lên tiếng nói cuộc điều tra của Ofcom nhắm vào hãng này từ đầu năm 2020 bắt nguồn từ sức ép của “các tổ chức cực hữu và các lực lượng chống đối Trung Quốc”.

CGTN cũng tìm được hai cây viết người Anh lên tiếng đả phá quyết định của Ofcom.

Cây viết Hugh Goodacre, giảng viên đại học tại University Collge London và University of Westminster viết hôm 7/2: “Quyết định gần đây [của Ofcom] là ví dụ đáng hổ thẹn về chuyện sự tuyên truyền chống Trung Quốc đang ngày càng cắm rễ sâu trong mọi mặt của văn hoá chính trị cánh hữu ở Anh.”

Còn cây viết cực tả người Anh John Ross, người hiện đang là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, viết: “Hành động [của] Anh cũng tiếp nối cuộc tấn công từ nhà nước nhắm vào CGTN tại Hoa Kỳ nơi gần đây họ bị buộc phải đăng ký với tư cách đại diện nước ngoài – khiến nhân viên Hoa Kỳ của họ bị tra tấn tinh thần và khó phát triển về nghề nghiệp.”

Ông Ross, người từng là giám đốc phụ trách chính sách kinh tế cho Thị trưởng London, nhân vật cực tả Ken Livingstone, hồi những năm 2000 viết tiếp: “Phương Tây thường lớn tiếng nhận rằng họ đại diện cho “tự do ngôn luận” và coi đây là “quyền phổ quát”.

“Nhưng thực tế là họ chỉ cho phép tự do ngôn luận ở dạng thức rất hạn chế; chỉ khi đại đa số người dân ủng hộ chủ nghĩa tư bản nói chung và ủng hộ chính quyền nói riêng.”

Riêng chuyện CGTN chỉ chọn đăng ý kiến của các nhân vật cực tả để đả phá điều được coi là các “quyết định cực hữu” ở Anh và Hoa Kỳ cho thấy sự thiên lệch của họ.

Họ đã tự chứng minh rằng họ đã không có sự đưa tin bất thiên vị mà họ phải có để được cấp phép phát hình tại Anh.

Đó là còn chưa kể mối liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí với Đảng Cộng sản.

Hiển nhiên chính quyền nào cũng tìm cách gây ảnh hưởng tới các cơ quan truyền thông. Nhưng chỉ có tại các quốc gia cộng sản họ mới có thể làm thế một cách trực tiếp và sỗ sàng.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG