Anh, Pháp, Đức ngày 14/1 chính thức cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản của hiệp ước hạt nhân 2015 có tác dụng nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. Động thái này của ba cường quốc có thể cuối cùng đưa đến việc tái áp đặt các chế tài của Liên hiệp quốc lên Iran vốn đã được dỡ bỏ dưới hiệp ước.
Các cường quốc châu Âu nói họ hành động để tránh một cuộc khủng hoảng về phổ biến vũ khí hạt nhân thêm vào cuộc leo thang đối đầu tại Trung Đông. Nga, một nước ký hiệp ước khác, nói không thấy có cơ sở để khởi động cơ chế và Iran bác bỏ bước này và xem đó là “một sai lầm chiến lược.”
Ba cường quốc nói họ vẫn muốn thỏa thuận hạt nhân với Tehran thành công và không tham gia chiến dịch “áp lực tối đa” của Mỹ vốn đã bỏ thỏa thuận vào năm 2018 và đã tái áp đặt những chế tài kinh tế đối với Iran.
Ba cường quốc này đã phát động điều được gọi là cơ chế tranh chấp trong thỏa thuận và khởi động cơ chế này lên đến mức chính thức cáo buộc Iran vi phạm những điều khoản của hiệp ước.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran chỉ trích động thái này.
“Việc sử dụng cơ chế tranh chấp không có căn cứ về mặt pháp lý và là một sai lầm chiến lược, xét về quan điểm chính trị,” Bộ trưởng Mohammad Javad Zarif nói, theo thông tấn xã Fars.
Iran, phủ nhận chương trình hạt nhân của họ nhắm chế tạo bom, đã dần dần rút bớt những cam kết theo hiệp ước kể từ khi Hoa Kỳ từ bỏ thỏa thuận. Iran cho rằng hành động của Hoa Kỳ biện minh cho thái độ của Iran.
“Chúng tôi không chấp nhận lập luận là Iran được quyền giảm bớt những cam kết với Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung JCPoA.
“Ba nước chúng tôi không tham gia chiến dịch làm áp lực tối đa chống Iran. Hy vọng của chúng tôi là đưa Iran trở lại tuân thủ toàn diện các cam kết của họ theo JCPoA,” ba nước này nói.
Từ lâu Iran đã cáo buộc các nước châu Âu rút bớt lời hứa để bảo vệ nền kinh tế của họ do chế tài của Mỹ gây ra. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Abbas Mousavi bác bỏ “hành vi hoàn toàn thụ động” của ba nước này.
Ông nói Iran sẽ ủng hộ bất cứ hành vi nào “có thiện chí và nỗ lực xây dựng” để cứu thỏa thuận nhưng sẽ “đáp ứng mạnh mẽ đối với những biện pháp phá hoại nào.”
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng khởi động cơ chế này có thể khiến cho việc tái tục thi hành hiệp ước không thể nào xảy ra được.