Đường dẫn truy cập

Mỹ, Iran đều ‘xuống nước’ nhưng Mỹ sắp tăng chế tài kinh tế


Mỹ: Cuộc tấn công của Iran thiệt hại nhỏ, không có thương vong
please wait

No media source currently available

0:00 0:05:02 0:00

Việc Tổng thống Donald Trump loan báo áp đặt chế tài lên Iran sau vụ tấn công phi đạn của nước này nhắm vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq hôm thứ Tư cho thấy một sự xuống thang rõ rệt trong căng thẳng hiện thời giữa hai nước, theo nhận định của các nhà quan sát.

Căng thẳng tăng cao sau khi Mỹ tiến hành một cuộc không kích ở thủ đô Baghdad của Iraq hôm 3 tháng 1 hạ sát một chỉ huy quân sự cao cấp của Iran, người chịu trách nhiệm dàn dựng một mạng lưới các đạo quân ủy nhiệm của Iran trên khắp Trung Đông và lâu nay bị cáo buộc chỉ đạo các vụ tấn công khiến hàng ngàn quân nhân Mỹ tử vong.

Iran trả đũa bằng cách phát động một cuộc tấn công bằng phi đạn nhắm vào hai căn cứ của Mỹ ở Iraq vào sàng sớm ngày 8/1 (giờ địa phương). Không có thương vong nào được báo cáo.

“Trong khi chúng ta tiếp tục cân nhắc các lựa chọn đáp lại hành động gây hấn của Iran, Hoa Kỳ sẽ ngay lập tức áp đặt thêm chế tài kinh tế khắc nghiệt lên chế độ Iran,” ông Trump nói trong một phát biểu sáng 8/1 (giờ Hoa Kỳ), nhưng không đưa ra đưa ra bất cứ lời đe dọa trực tiếp nào về hành động quân sự chống lại Iran.

Lời lẽ hòa dịu hơn

Phản ứng của ông Trump sau cuộc tấn công là sự dịch chuyển thấy rõ khỏi những lời lẽ hùng hổ và lời đe dọa hủy diệt Iran mà ông đã đưa ra trong mấy ngày đầu tiên sau khi hạ sát Tướng Qassem Soleimani của Iran.

Trước đó chiều 7/1, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng “nếu Iran làm bất cứ điều gì mà họ không nên làm, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề.”

Ông Trump cũng nói rằng Mỹ “hoàn toàn chuẩn bị cho Iran trả đũa và chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng tấn công nếu chúng tôi phải làm như vậy để đáp trả.”

Phát biểu của ông Trump sáng ngày 8/1 cũng đáng chú ý với giọng điệu tích cực vào lúc ông mở đầu.

“Tôi vui mừng thông báo cho các bạn rằng, người dân Mỹ nên vô cùng biết ơn và hạnh phúc. Không có người Mỹ nào bị tổn hại trong cuộc tấn công đêm qua của chế độ Iran. Chúng ta không có thương vong. Tất cả binh sĩ của chúng ta đều an toàn và chỉ có thiệt hại tối thiểu tại các căn cứ quân sự của chúng ta. Các lực lượng Mỹ ưu việt đã sẵn sàng cho mọi tình huống.”

Những chỉ dấu từ Iran

Phản ứng chừng mực của Mỹ có thể bắt nguồn từ những chỉ dấu từ Iran cho thấy nước này dường như đã chọn không đẩy căng thẳng với Mỹ lên cao hơn nữa, dù nhắm mục tiêu tấn công vào các căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif nói các cuộc tấn công đã “chấm dứt” phản ứng của Iran về vụ ám sát Tướng Soleimani. “Chúng tôi không tìm kiếm sự leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự vệ trước mọi sự gây hấn,” ông viết trên Twitter.

Reuters dẫn các nguồn tin của chính phủ Mỹ và Châu Âu cho biết họ tin rằng Iran đã cố tình tìm cách tránh thương vong của quân đội Mỹ trong các cuộc tấn công vừa rồi để tránh leo thang xung đột.

Nhưng một phát ngôn viên của quân đội Iran bác bỏ “các bản tin của truyền thông nước ngoài” nói rằng có sự phối hợp nào đó giữa Iran và Mỹ trước cuộc tấn công để cho phép các căn cứ được sơ tán, theo hãng tin Fars.

“Tehran và Washington có một điểm chung: Không bên nào muốn một cuộc xung đột mở, kéo dài với bên kia. Iran có một nền kinh tế yếu kém và bất đồng chính kiến trong nội bộ. Ông Trump muốn tái đắc cử chứ không phải một tập phim ‘Cát và Chết chóc’ nữa,” Nick Paton Walsh, Biên tập viên An ninh Quốc tế của Đài CNN viết trong một bài phân tích.

“Cả hai nước đều đã làm những điều mà có lẽ không ai ngờ tới một tuần trước. Đó không phải là tin tốt. Giọng điệu sáng nay có thể mang tính hạ giảm căng thẳng. Nhưng Mỹ và Iran đã phải tiến vào một nơi tối tăm hơn nhiều so với hàng chục năm qua để chọn sự yên ổn.”

Mỹ tiếp tục chính sách ‘áp lực tối đa’

Các chế tài nghiêm ngặt hơn đã trở thành một đặc trưng trong đối sách của chính quyền Trump đối với Iran, một phần của điều mà Nhà Trắng gọi là một “chiến dịch áp lực tối đa.”

Chế tài đã thành công trong việc trừng phạt Iran vì một loạt các hoạt động gây bất ổn trên khắp Trung Đông. Nhưng ngoài việc trừng phạt, không phải lúc nào cũng rõ ràng Mỹ hi vọng đạt được điều gì bằng cách gia tăng chế tài, theo CNBC.

Tháng trước, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết áp lực đối với Iran sẽ tăng lên vào năm 2020, khi Mỹ tìm cách kiềm chế nước này theo đuổi cơ sở hạ tầng hạt nhân và các hành động gây hấn trong khu vực.

“Sắp tới sẽ có thêm chế tài nữa, và các vấn đề và thách thức kinh tế của Iran sẽ trầm trọng hơn vào năm 2020,” một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao nói trong cuộc gọi cung cấp thông tin vào ngày 30 tháng 12 cho báo giới. “Họ đã lún sâu vào suy thoái và chúng ta cũng đang chứng kiến Iran đang chịu sự cô lập ngoại giao lớn hơn.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG