Anh đã nâng mức báo động khủng bố của mình lên trước sự trỗi dậy những nhóm Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria, và trước quan điểm cho rằng công dân Anh chiến đấu với những nhóm khủng bố này có thể đem khủng bố về nước.
Mức độ đe dọa khủng bố mới của Anh được nâng lên mức "nghiêm trọng," nghĩa là một cuộc tấn công "rất có thể" xảy ra, nhưng không có thông tin về một kế hoạch khủng bố cụ thể.
Đây là lần đầu tiên trong ba năm mức cảnh báo lên cao như vậy, chỉ một bậc thấp hơn mức cao nhất ['nguy cấp']. Thủ tướng David Cameron cho biết quyết định được một ủy ban chính phủ độc lập đưa ra vì sự trỗi dậy của nhóm ở Iraq và Syria từng được gọi là ISIL hay ISIS, giờ tự xưng là Nhà nước Hồi giáo, đề ra mối đe dọa cho nước Anh.
"Điều mà chúng ta đang đối mặt là mối đe dọa to lớn hơn và sâu sắc hơn đối với nền an ninh của chúng ta đã từng biết," ông Cameron nói.
Ông Cameron cho biết khoảng 500 công dân Anh đã rời nước gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq. Những người đàn ông đó có thể dễ dàng nhập cảnh trở lại vào Anh.
Kẻ khủng bố bịt mặt sát hại nhà báo Mỹ James Foley hồi đầu tháng này nói chuyện bằng giọng Anh.
Thủ tướng Anh dự kiến tuần tới sẽ yêu cầu Nghị viện cho chính phủ thêm nhiều quyền hành để truy lùng những người như vậy, và ngăn cản họ rời khỏi nước hoặc tái nhập cảnh.
Ông Cameron mô tả cuộc chiến chống khủng bố là một trận chiến ý thức hệ. Ông cho biết Anh sẽ có cách tiếp cận toàn diện để chống lại điều mà ông gọi là "lối biện thuyết độc địa" của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.
"Chúng ta không thể nhân nhượng ý thức hệ này. Chúng ta phải đương đầu với nó ở trong và ngoài nước. Để làm được điều này, chúng ta cần một cách tiếp cận cứng rắn, thông minh, kiên nhẫn và toàn diện để đánh bại mối đe dọa khủng bố từ căn cơ của nó," ông nói.
Ông Cameron nói điều này sẽ bao gồm những biện pháp để thúc đẩy sự ôn hòa ở Anh, và sự ổn định và dân chủ ở Trung Đông.
Ông nói rằng Anh cũng sẽ tiếp tục thả viện trợ nhân đạo tại Iraq và chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh. Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu trong hành động quân sự chống lại những chiến binh nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Chuyên gia khủng bố Raffaello Pantucci của viên nghiên cứu quốc phòng và an ninh Royal United Services nói nhóm Nhà nước Hồi giáo chủ yếu quan tâm đến việc gia tăng sức mạnh của họ trong và xung quanh khu vực mà họ kiểm soát. Nhưng ông nói đôi khi nhóm này hoạt động vươn xa khỏi khu vực này, và những thủ lĩnh nhóm này, hay những thành viên cá nhân, có thể quyết định làm như vậy một lần nữa. Ông nói:
"Chắc chắn chúng ta đã chứng kiến một số âm mưu đã xảy ra ở châu Âu, nơi mà rõ ràng nhiều cá nhân đã chiến đấu bên cạnh ISIS. Không rõ những người này có nhận chỉ thị hành động từ nhóm này để thực hiện các cuộc tấn công hay không. Đó là một tổ chức lớn với rất nhiều người tham gia. Và một số người trong số này có thể quyết định họ nên làm điều gì đó mà họ sẽ xem là sự thăng tiến mục tiêu của nhóm, mà không nhất thiết là được chỉ thị làm."
Một tên khủng bố chiến đấu cho nhóm Nhà nước Hồi giáo thực hiện vụ nổ súng tại Bảo tàng Do Thái ở Brussels vào tháng Năm, làm bốn người chết.
Ông Pantucci nói hầu hết mọi người sẽ không nhận thấy tác động của mức báo động khủng bố cao hơn của Anh. Theo ông mức báo động cao hơn sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến công việc của các cơ quan chính phủ và an ninh.