Quân đội Pakistan đầy thế lực đã ra tay hành động như một “người trung gian và bảo đảm” để điều giải một thoả thuận giữa Thủ tướng Nawaz Sharif đang gặp khó khăn và 2 nhà lãnh đạo chính phủ đòi lật đổ ông.
Từ nhiều ngày, chính trị gia đối lập Imran Khan và giáo sĩ Tahir-ul-Qadri chuyên gây khích động, đã tổ chức các cuộc tụ tập riêng rẽ ở ngay giữa lòng thủ đô Pakistan cùng với hàng chục ngàn người ủng hộ chống chính phủ, đòi thủ tướng từ chức.
Thủ tướng Sharif từ chối không chịu làm như thế, và chỉ trích những lời kêu gọi lật đổ là vi hiến. Ông đã tìm cách giải quyết vụ bế tắc chính trị nhưng không đạt được thành quả nào qua nhiều vòng thương thảo với những người lãnh đạo biểu tình.
Ông Khan, người đứng đầu khối chính trị lớn hàng thứ ba ở quốc hội, kêu gọi mở một cuộc bỏ phiếu khác dưới một hệ thống bầu cử cải cách. Đấu thủ môn cricket quay ra làm chính trị này cáo buộc rằng cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái có gian lận nên mới đưa ông Nawaz Sharif và đảng của ông lên nắm quyền.
Ông Qadri muốn truy tố thủ tướng và các giới chức cấp cao khác trong chính phủ, quy lỗi cho họ về việc sát hại 14 người theo ông Qadri trong một vụ trấn át của cảnh sát hồi tháng 6. Mặc dầu chính phủ cho phép cảnh sát mở một vụ truy tố hình sự sau khi trì hoãn hơn 2 tháng, ông Qadri bác bỏ hành động này và đưa ra các yêu sách mới.
Khuya thứ năm, Thủ tướng Sharif yêu cầu quân đội nhiều thế lực “đóng vai trò của mình” trong việc xoa dịu những vụ biểu tình ồ ạt.
Ông Khan và ông Qadri thông báo diễn biến này cho các ủng hộ viên. Trong một bài phát biểu hồi khuya, ông Khan nói với đám đông cổ võ rằng tư lệnh quân đội là Tướng Raheel Sharif đã tiếp xúc với họ và yêu cầu họ dành cho ông 24 tiếng đồng hồ để giải quyết vụ khủng hoảng.
Ông Khan nói với người biểu tình rằng “hoặc các lễ lạc sẽ được tổ chức trong ngày hôm nay, hoặc chiến dịch chống chính phủ sẽ được tăng cường.”
Về phần mình, ông Qadri cảm tạ quân đội đã ra mặt tìm cách giải quyết khủng hoảng một cách êm thắm:
Vị giáo sĩ này nói tư lệnh quân đội đã đề nghị hành động như một ‘nhà điều giải và bảo đảm cho việc soạn thảo và đúc kết một tập hợp các yêu sách từ cả hai bên và sẽ bảo đảm là các yêu sách này được thực thi.”
Sau các cuộc đàm phán với ông Qadri và Tướng Sharif ở thành phố Rawalpindi gần đó, ông Khan trở về địa điểm tụ tập và nói đảng của ông sẽ không rút lại yêu sách chính là Thủ tướng Sharf phải từ chức trước khi mở một cuộc điều tra tư pháp về các cáo trạng gian lận bầu cử.
Cả quân đội lẫn các giới chức chính phủ đều không thảo luận về chi tiết các cuộc đàm phán.
Quân đội đi vào trung tâm chính sự Pakistan vào một thời điểm mà nước này đang trải qua một thời kỳ dân chủ kéo dài và việc bầu ông Sharif lên làm thủ tướng hồi năm ngoái đánh dấu cuộc chuyển quyền dân chủ lần đầu tiên từ một chính phủ dân cử này qua một chính phủ dân cử khác.
Giới chỉ trích tin rằng quyết định của Thủ tướng Sharif đưa lãnh tụ cuộc đảo chính mới nhất là cựu tổng thống Pervez Musharraf, ra toà về tội phản nghịch và các cố gắng của ông nắm quyền kiểm soát các chính sách của Pakistan đối với các nước kình địch Ấn Độ và Pakistan đã gây căng thẳng trong quan hệ của ông với quân đội.
Trong khi quân đội có nhiều phần chắc sẽ không nắm lấy quyền hành vào một thời điểm khi Pakistan phải đối đầu với các khó khăn kinh niên về kinh tế, an ninh và năng lượng, một số chuyên gia không loại trừ khả năng quân đội dính líu vào việc khuyến khích các cuộc biểu tình chống chính phủ để có thể duy trì phần can dự của mình trong các vấn đề chủ chốt của quốc gia.