Chỉ mới cách đây 5 năm, Hoa Kỳ đã can dự vào gần như mọi khía cạnh sinh hoạt của Iraq, từ tái thiết kinh tế cho đến phát triển chính trị cho tới hợp tác quân sự. Ngày nay, theo các nhà phân tích, nước can dự vào quyền lực trong khu vực là Iran chế ngự môi trường sinh hoạt ở Iraq.
Ngoài chiến địa, Iran đang giúp Iraq đẩy lùi các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo ra khỏi các thành phố chính ở miền bắc. Giao thương giữa Iraq và Iran lưu chuyển dễ dàng qua biên giới. Và Tehran đã thẩm thấu sâu vào các cơ cấu an ninh và tình báo của Baghdad.
Bà Maria Fantappie, chuyên gia cấp cao về Iraq của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói thế lực mạnh của Iran đối với các toán dân quân, và vai trò lãnh đạo mà bọn họ có thể đóng trong việc tái lập các dịch vụ cơ bản như điện nước vào lúc các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo rút lui, có nguy cơ làm suy yếu quyền kiểm soát vốn đã yếu ớt của chính phủ Iraq đối với chính lãnh thổ của mình.
Nhưng ảnh hưởng của Iran, theo bà Fantappie, lan xa hơn thế nhiều: Đó là thay đổi ngay cả bản sắc của quốc gia Iraq và kết quả là động năng quyền lực trong vùng.
Bà nói: “Chỉ cần đi một vòng các đường phố Baghdad, nhìn thấy hình ảnh của Lãnh tụ Tối cao Iraqn Khameini trưng ở khắp nơi, và nay khi quốc kỳ Iraq thường được trông thấy cạnh một lá cờ khác là lá cờ của Hussein, một gới ý về lai lịch người Shia. Mặc dầu sự kiện này không đề cập riêng đến Iran, nó là hậu quả trực tiếp của vai trò cực điểm của Iran bên trong chính trường Iraq.”
Các đồng minh Tây phương và Iran, hiện đang dự các cuộc thương nghị kéo dài về chương trình hạt nhân của Iran, dường như đã nhìn thấy quan điểm chung trong việc chống lại các phần tử chủ chiến ở Iraq, theo ông Henry Smith, tham vấn kỳ cựu làm việc cho tổ chức Rủi ro Kiểm soát ở Trung Đông. Hoa Kỳ và các đối tác trong liên minh đang hỗ trợ cho lực lượng bộ binh Iraq bằng những cuộc không kích trong các trận chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo, trong khi Iran cung cấp tiếp liệu, vũ khí, đạn dược, máy bay và sự lãnh đạo.
Ông Smith nói: “Trong thời gian Iran thương nghị về chương trình hạt nhân của họ với khối P5+1, ta cũng đã có một sự chấp nhận ngầm ngày càng nhiều sự kiện là Iran đóng một vai trò chủ chốt trong một số vấn đề an ninh chủ chốt ở Trung Đông.”
Nhưng các băng video đã xuất hiện cho thấy dân quân Shia được chính phủ hậu thuẫn vi phạm những tội ác trong những cộng đồng người Sunni. Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đã tận dụng sự phẫn nộ của người Sunni đối với các chính sách phe phái của các chính phủ kế tiếp nhau ở Baghdad.
Nhà khảo cứu của trường Đại học Maryland Phillip Smyth cảnh báo rằng sự hiện diện mạnh hơn bao giờ hết của Iran sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ bè phái giữa người Sunni và Shia ở Iraq và gây khó khăn hơn cho việc thành lập một chính phủ hữu hiệu với mọi thành phần.
Ông Smyth nói: “Nhiều trong số các nhóm này đi vào các khu vực của người Sunni và đặt các máy khoan điện xuyên qua đầu của dân chúng. Họ là một tổ chức nặng phần bè phái, cho nên không thể thực sự phủ nhận rằng thực ra họ là một phần của nguyên nhân gây ra vụ khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối diện.”
Nhưng ông Henry Smith của Control Risks nói rằng Tehran muốn có một nước Iraq ổn định nơi họ có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Ông nói, “Có đôi chút quân bình ở đó. Iran muốn có một chính phủ ở Baghdad tuân hành và theo đúng suy nghĩ sách lược của Iran, cả ở Iraq và khu vực rộng lớn hơn, nhưng họ cũng không muốn có một đất nước chủ yếu vượt ra khỏi tầm kiểm soát.”
Đối với các nhà quyết định chính sách của Mỹ, không có giải pháp nào rõ ràng. Họ phải đối mặt ngay trong nước với một quốc gia đã chán ngán chiến tranh và những năm tái thiết tốn kém vô tận, và sự chọn lựa giữa Iran hay Nhà nước Hồi giáo ngày càng nắm thêm lợi thế chiến lược ở Iraq.
Nhưng trong khi các nhà quyết định chính sách của Hoa Kỳ chờ đợi, bà Fantappie nói, Iran đang tiếp thu cơ cấu an ninh của Iraq. “Đó là một thái độ chờ xem. Đó là một ý muốn không can dự vào việc tái cấu trúc đất nước, nhưng về một phương diện nào, đó cũng là một cách tách rời hoàn toàn ra khỏi sự xói mòn toàn diện của một quốc gia.
Với chính phủ yếu đuối của Iraq và sự kiểm soát gay gắt đối với hàng chục ngàn chiến binh dân quân vũ trang Shia, Iran có phần chắc sẽ tiếp tục đóng một vai trò cấp thiết trong nền an ninh đất nước. Vấn đề còn lại là liệu Tehran có trở thành ảnh hưởng tạo ổn định dài hạn hay lại có thể là một nguồn gây thêm tình trạng bất ổn.