Đường dẫn truy cập

Trận chiến Tikrit gây lo ngại về việc tiếp quản của Iran, sự chia rẽ phe phái


Quân đội Iraq và quân tình nguyện chuẩn bị pháo đạn súng cối vào vị trí của nhóm Nhà nước Hồi giáo bên ngoài Tikrit, 4/3/15
Quân đội Iraq và quân tình nguyện chuẩn bị pháo đạn súng cối vào vị trí của nhóm Nhà nước Hồi giáo bên ngoài Tikrit, 4/3/15

Vào lúc trận chiến sôi sục giữa các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo, lực lượng an ninh Iraq và các toán dân quân Shia để giành lấy Tikrit, 2 mối quan ngại đã nổi lên, đó là vai trò của Iran và nỗi lo sợ rằng những chia rẽ giữa các phe phái lại đào sâu thêm.

Những ngày giao tranh quanh Tikrit đã đem lại thắng lợi chậm chạp trước các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đã chiếm đóng thành phố từ hồi tháng 6 năm ngoái. Một chiến binh Iraq tên là Ali Hussein nói:

“Quân của chúng tôi nay đang tiến tới theo kế hoạch đã định, mặc dầu các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đã đặt rất nhiều quả bom để ngăn chặn đà tiến của chúng tôi.”

Vẫn là kẻ thù cũ, nhưng cuộc chiến lần này chống lại phe chủ chiến có điểm khác. Trước tiên, không có sự yểm trợ từ trên không của Hoa Kỳ, và trên chiến địa, phía Iran đang giúp đỡ cho dân quân Shia.

Ngoại trưởng Ả Rập Sê-út Saud al-Faisal hôm qua cho hay tình hình ở Tikirt là một ví dụ chủ yếu về những gì mà các quốc gia vùng Vịnh đã lo sợ - đó là việc Iran “tiếp quản” lực lượng Iraq.

Một nỗi lo sợ khác là bạo động phe phái. Các nhà lãnh đạo Sunni nói chính phủ Iraq không hỗ trợ cho họ, như phát biểu của Đại giáo chủ Iraq Sheik Abdul Mahdi al-Sumaidaie:

“Chính phủ khoanh tay nhìn các bộ tộc Sunni, trong khi dồn sự chú ý và hỗ trợ cho dân quân Shia đến từ mọi nơi để thanh lọc các khu vực bị chiến binh IS chiếm đóng, trong khi các bộ tộc Sunni thì không có vũ khí.”

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter nói:

“Chúng tôi đã có kinh nghiệm về con đường chủ nghĩa phe phái ở Iraq và điều quan trọng là chính phủ Iraq không đi theo lại con đường đó nữa.”

Tại Washington, sự cảnh báo ngày càng gia tăng trong giới lãnh đạo quân đội, trong đó cóTướng Martin Dempsey, Chủ tịch ban Tham mưu Liên quân:

“Chúng tôi đang theo dõi một cách thận trọng, và nếu như cơ sự biến thành một cái cớ để thanh tẩy sắc tộc thì chiến dịch của chúng ta vấp phải một vấn đề, và chúng ta sẽ phải thực hiện một sự điều chỉnh trong chiến dịch.”

Những người lãnh đạo cuộc chiến đã chuyển đi các thông điệp lẫn lộn. Thủ tướng Haider al-Abadi của Iraq được Hoa Kỳ hậu thuẫn đã hô hào bảo vệ thường dân, nhưng cũng tuyên bố là “Không có sự trung lập trong cuộc chiến chống ISIS.”

Đó là một tuyên bố mà những người bảo vệ nhân quyền như ông Joe Stork, thuộc tổ chức Human Rights Watch, nói có thể được sử dụng để biện minh cho bạo lực.

“Ngay cả đến hồi rất gần đây, chúng ta đã thấy những dân quân này thực thi những hành vi khủng khiếp sau các chiến dịch thuộc loại này.”

Những hành vi khủng khiếp bao gồm việc phá huỷ nhà cửa và thậm chí những vụ hành quyết. Hình ảnh thu được bằng điện thoại di động và được phổ biến trên mạng truyền thông xã hội trong tuần này, nhưng đài VOA không kiểm chứng được tính xác thực hay ngày tháng. Video cho thấy một thiếu niên Sunni bị những người mặc đồng phục mang phù hiệu Iraq bắt được.

Vài phút sau, thiếu niên bị bắn chết.

Ông Joe Stork nói tiếp:

“Phải có những hậu quả khi người ta thực hiện những tội ác như thế này, và chúng ta chưa thấy hậu quả nào.”

Trong khi cuộc giao tranh để chiếm lại miền bắc Iraq tiếp diễn, các giới chức kêu gọi sự kiềm chế và trách nhiệm của người Iraq và người Iran tiếp tay trong cuộc chiến. Nhưng họ đều biết rõ là lò lửa phe phái có thể bùng ra bất cứ lúc nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG