Trong lúc Anh bước vào một đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba do biến thể của virus corona đang lây lan quá nhanh, một người Việt sống ở thủ đô London cho VOA biết tình hình đang ‘căng thẳng.’
Hôm 4/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc mới cho đến ít nhất là giữa tháng Hai để chống lại một biến thể mới của virus corona hiện đang lây lan hết sức nhanh chóng.
‘Báo động’
Trong diễn văn phát biểu trên truyền hình, ông Johnson yêu cầu người dân phải ở nhà một lần nữa, giống như trong đợt đầu tiên của đại dịch vào tháng 3, lần này vì biến thể virus đang lây lan ‘đáng báo động’.
“Trong lúc tôi nói chuyện với quý vị vào tối nay, các bệnh viện của chúng ta đang chịu nhiều áp lực từ COVID hơn lúc nào hết kể từ khi đại dịch bắt đầu,” ông nói.
Theo đó, kể từ thứ Ba ngày 5/1, các trường tiểu học, trung học và đại học sẽ đóng cửa và ngưng giảng dạy trực tiếp.Sinh viên đại học sẽ không trở lại trường cho đến ít nhất là giữa tháng Hai. Mọi người được yêu cầu làm việc tại nhà trừ phi không thể và chỉ rời nhà cho những mục đích thiết yếu.
Tất cả các cửa hàng không cần thiết và các dịch vụ chăm sóc cá nhân như tiệm làm tóc sẽ đóng cửa và các nhà hàng chỉ có thể mở cửa cho mua mang về.
Tính đến ngày 4/1, có 26.626 bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện ở Anh, tăng hơn 30% so với một tuần trước, theo số liệu do AP dẫn lại. Con số này cao hơn 40% so với mức cao nhất trong làn sóng đầu tiên hồi mùa xuân.
Nhiều vùng rộng lớn của nước Anh đã bị đặt dưới các lệnh hạn chế di chuyển chặt chẽ khi các quan chức cố gắng kiểm soát sự gia tăng đáng báo động các ca nhiễm virus corona trong những tuần gần đây. Sự gia tăng này được quy cho một biến chủng mới của COVID-19 vốn dễ lây lan hơn loại virus hiện tại.
Giới chức trách ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày kể từ khi Anh vượt qua mốc đó lần đầu tiên vào ngày 29/12.
Hôm 4/1, nước Anh ghi nhận 407 ca tử vong do virus corona, nâng tổng số người chết được xác nhận lên 75.431 người, nằm trong số tỷ lệ tử vong cao nhất ở châu Âu.
Các quan chức y tế hàng đầu của Anh cảnh báo rằng nếu không có thêm hành động, ‘sẽ có nguy cơ hiển hiện là Dịch vụ Y tế Quốc gia ở một số khu vực bị quá tải trong 21 vòng ngày tới.’
‘Rất lo sợ’
Từ Greenwich, một quận ở phía nam London, anh Trần Xuân Thái, chủ một công ty chuyên về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Anh và Việt Nam, cho biết cá nhân anh ‘rất lo sợ’ về đợt bùng phát chủng mới lần này ở Anh.
Anh dẫn ra số liệu mà chính phủ Anh đưa ra để cho thấy tốc độ lây lan Covid ở Anh so với cách nay 4 tháng ‘đã tăng gấp 20 lần.’
“Hồi tháng 9 thì trong 900 người có 1 người mắc còn hiện nay cứ 50 người có 1 người bị,” anh Thái cho biết.
Đặc biệt ở vùng đông nam Anh, biểu đồ ca nhiễm ‘tăng dựng đứng’ còn các vùng khác ‘cũng tăng rất nhanh’, vẫn theo lời anh Thái.
“Cá nhân tôi có rất nhiều người mà tôi quen biết, thậm chí những người mà tôi đã tiếp xúc hàng tuần, tuần nào cũng gặp một vài lần – họ vừa báo tin trên Facebook là họ bị Covid rồi,” anh nói và cho biết đã có những nạn nhân người Việt tử vong vì Covid ở Anh.
Nhiều bạn bè của anh bị nhiễm tự cách ly ở nhà, chừng nào nặng thì mới được nhập viện điều trị và không lo chi phí vì y tế ở Anh ‘miễn phí cho tất cả mọi người.’
Do đó, so với hai lần phong tỏa trước ở Anh, lần này, anh Thái, hiện đang sống cùng vợ và hai con nhỏ, ‘đặc biệt cẩn thận hơn rất nhiều’.
“Trẻ con tuyệt đối không cho ra ngoài, không cho gặp người khác. Ngay cả hôm Giáng sinh tôi cũng không dẫn con ra xem đèn trang trí như mọi năm,” anh cho biết và nói thêm đợt phong tỏa trong mùa hè vừa qua, ngày ngày anh cũng ‘dẫn con ra ngoài đi dạo để tận hưởng không khí trong lành và chơi đùa’.
Đợt phong tỏa này diễn ra khi hai con nhỏ của anh chuẩn bị trở lại trường nhưng giờ ‘phải nghỉ ở nhà ít nhất là 5 tuần’, anh cho biết. Điều này dẫn đến xáo trộn cho cuộc sống của vợ chồng anh vốn đang làm việc ở nhà.
Gia đình anh cũng phải từ bỏ thói quen đi bơi mỗi ngày vì các phòng gym, hồ bơi đều đóng cửa, cũng theo người chủ doanh nghiệp này.
‘Cần phong tỏa chặt chẽ’
Anh Thái nói do những lần phong tỏa trước nước Anh ‘làm không hiệu quả’ nên anh ủng hộ lần này chính phủ ‘làm chặt chẽ hơn, mạnh tay hơn’, trong đó có phạt tiền, thấp nhất từ 60 cho đến 1.000 bảng và những ai vi phạm nhiều lần thậm chí còn bị phạt tù.
Theo lời anh thì trong ngày cuối năm vừa qua, cảnh sát đã đột kích và giải tán những tụ điểm tiệc tùng mừng Năm Mới thu hút đông đảo người tham dự và ‘phạt khá nhiều’ người vi phạm.
Theo quy định của chính phủ thì trong lần phong tỏa này, các hộ gia đình không được có người ngoài trong nhà mình và không ai được phép đến nhà người khác thăm viếng hay tiệc tùng gì hết.
“Cuối tuần trước còn khá đông, nhưng hôm nay (5/1) tôi ra đường đã thấy rất vắng, xe cộ chạy nhanh hơn rất nhiều,” anh nói.
“Cứ phong tỏa, ngăn sông cấm chợ như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đến người dân,” anh nói và cho rằng đây là ‘bài toán hóc búa’ mà chính phủ Anh phải giải.
Để duy trì lệnh phong tỏa, chính phủ Anh đã phải bỏ số tiền lớn cứu trợ cho người dân, anh Thái cho biết, và chính phủ ‘đã phải vay nợ nhiều, phát hành trái phiếu rất nhiều rồi’.
Theo đó, những cơ sở kinh doanh bị đóng cửa, trong đó có nhà hàng Việt của vợ anh, sẽ được chính phủ đứng ra trả đến 80% lương cho nhân viên trong suốt thời gian họ ở nhà tránh dịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng còn nhận được một số tiền cứu trợ không hoàn lại (grant) kéo dài đến tháng Tư năm sau, cũng theo lời anh Thái.
‘Nhiều người muốn về Việt Nam’
Trước thông tin chính phủ Việt Nam vừa ngừng tất cả các chuyến bay đưa công dân từ Anh về nước do lo ngại về biến chủng virus corona, anh Thái nói ‘anh tán thành quyết định này’.
“Việt Nam còn nghèo, cơ sở vật chất cũng vừa phải, nếu bây giờ tự dưng một vài người mang con virus, nhất là virus biến chủng lây nhanh về nước làm bùng dịch cho toàn xã hội thì có khi làm mất sạch bao nhiêu công sức chiến đấu cả năm qua,” anh giãi bày.
Trước mắt, một chuyến bay đưa người Việt từ Anh về nước đã được lên lịch vào ngày 13/1 tới đã bị hủy, việc này ảnh hưởng rất nhiều người Việt đang mong chờ về nước, anh Thái nói.
“Nhiều người muốn về vì có công việc hay phải gặp người thân lần cuối, hay chữa trị bệnh nan y,” anh nói và cho biết một người bạn của anh có mẹ ở Việt Nam đang bệnh nặng rất muốn về nhưng ‘không thuộc diện được giải cứu nên đến nay chưa về được’.
Về khả năng nước Anh sớm thoát ra khỏi đại dịch, anh nói anh hy vọng rất nhiều vào việc triển khai tiêm chủng trên diện rộng với vaccine của Oxford/AstraZeneca đã được cấp phép.
“Đây là vaccine sản xuất trong nước nên không gặp khó khăn gì trong vấn đề hậu cần. Sản xuất ra là tiêu thụ cho người dân luôn,” anh giải thích và bày tỏ hy vọng Anh sớm tiêm chủng cho nhiều người dân nhất có thể.
Tuy nhiên, để kiểm soát được dịch thì nước Anh ‘phải chấp nhận đau thương trong 1, 2 hay thậm chí vài tháng nữa để giảm số ca nhiễm, giảm tải cho bệnh viện’.