Anh đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu quan trọng vào ngày mai để quyết định có rời khỏi Liên hiệp Châu Âu hay không. Những tranh cãi tập trung vào vấn đề di trú và an ninh kinh tế và thường gay gắt. Cả hai phía đã hạ giọng sau khi ngưng chiến dịch vận động 3 ngày tiếp theo vụ ám sát một nhà lập pháp chống lại việc Anh rời khỏi EU, một biến cố mà những cuộc thăm dò cho thấy đã gây sốc đối với nhiều cử tri trước đây chưa quyết định nay nói rằng họ sẽ bỏ phiếu để Anh vẫn còn ở EU. Thông tín viên Luis Ramirez của Đài VOA tường thuật từ London.
Đây là thời điểm bấp bênh của một nước có nền kinh tế lớn thứ nhì tại Liên hiệp Châu Âu. Hậu quả thực là to lớn.
Có nhiều cảnh báo là việc rời khỏi khối gồm 28 thành viên sẽ làm cho đồng pound của Anh mất 15% giá trị và khiến cho Thủ tướng phải từ chức vì nhiệm vụ được giao phó của ông tùy thuộc vào việc người Anh có nghe theo ông và bỏ phiếu ở lại EU hay không.
“Nếu chúng ta chọn rời khỏi EU, chúng ta có thể rời khỏi khối này. Nhưng chúng ta cần phải biết rõ là nếu chúng ta ra đi, thì mọi sự chấm dứt. Chúng ta bước ra khỏi cửa.”
Đối với một cuộc bỏ phiếu quan trọng như thế này, nhiều cử tri than phiền là có quá ít thông tin chắc chắn để quyết định và có quá nhiều tin đồn gây lo sợ và những hành động và lời nói lôi cuốn người khác của cả hai phía. Các đội tàu của hai bên chủ trương “Rời khỏi”và “Ở lại” vừa mới đối đầu với nhau trên Sông Thames.
Từ nhiều tháng nay, bên chủ trương Rời khỏi đã đổ ra đường phố. Lập luận của họ căn cứ phần lớn vào di trú, và sự tin tưởng là nước Anh đã trao quyền kiểm soát biên giới cho một siêu quốc gia châu Âu.
Ông Tom Harwood, một người vận động cho việc Anh rút khỏi EU nói:
“Vương quốc Anh đã mất quyền kiểm soát về vấn đề di trú. Chúng ta phải chấp nhận cho bất cứ người nào vào Anh nếu họ có hộ chiếu EU, không cần biết họ có thành tích tội phạm hay không. Chúng ta không được phép nói không và điều này có thể gây tổn hại cho an ninh nước Anh, nhưng cũng gây áp lực trên công ăn việc làm và những cơ hội cho người trẻ.”
Vụ ám sát dân biểu Jo Cox, một nhà lập pháp chống việc Anh rời khỏi EU đồng thời bênh vực di dân do một phần tử cực đoan cực hữu với một lịch sử có những vấn đề tâm thần thực hiện đã có ảnh hưởng rõ rệt lên cả hai chiến dịch vận động và đến cả các cử tri nữa.
Bà Mary White một cử tri Anh nói:
“Có nhiều cảm tưởng xấu vì cách thức xử sự của hai phía vận động đòi Rời khỏi và Ở lại.”
Những cuộc thăm dò kể từ vụ ám sát ngày 16 tháng 6 vừa qua cho thấy phía chủ trương Rời khỏi đang mất thế, nhưng cả hai bên vẫn tranh đua khít khao trong một cuộc trưng cầu dân ý mà nhiều người tin rằng sẽ làm thay đổi chiều hướng lịch sử của châu Âu.