Ấn Độ hứa chi 250 triệu đô la cho việc tái thiết sau trận động đất ở Nepal và ký những thỏa thuận xây dựng các dự án giao thông và điện lực vào lúc hai nước tiến lại gần nhau để chỉnh đốn lại các mối quan hệ ngoại giao vốn đã căng thẳng, bằng chuyến viếng thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Oli.
Sau khi gặp người tương nhiệm Ấn Độ tại New Delhi vào ngày thứ Bảy, nhà lãnh đạo Nepal nói đây là thời điểm nhìn về phía trước.
Ông Oli nói tại một cuộc họp báo: “Những hiểu lầm tồn tại trong vài tháng qua giờ không còn nữa. Đây là cao điểm để chúng ta nhìn vào các mối quan hệ Ấn Độ - Nepal với tầm nhìn về phía trước.”
Căng thẳng tăng cao trong những tháng gần đây do những tranh cãi về một điểm quá cảnh quan trọng ở biên giới Ấn Độ - Nepal do những sắc dân thiểu số Nepal gây nên đưa đến việc thiếu những vật phẩm cần thiết cho quốc gia nằm giữa lục địa này. Các nhà lãnh đạo Nepal cáo buộc Ấn Độ là nước có những quan hệ thân cận với các sắc dân thiểu số, đã phong tỏa kinh tế, và Nepal phải quay về phía Trung Quốc về những vật phẩm thiết yếu như xăng dầu.
Các cuộc biểu tình bị hủy bỏ trước đây trong tháng làm giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên những mối quan hệ suy sụp tạo nên những quan ngại tại Ấn Độ là nước láng giềng nhỏ bé tại vùng Himalaya đang tiến gần hơn đến Trung Quốc.
Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ của Thủ tướng Oli, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết hơn giữa hai nước.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói hai quốc gia sẽ mở rộng hợp tác trong những lãnh vực quan trọng. Nhà lãnh đạo Ấn Độ nói: “Ấn Độ luôn luôn mong muốn hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Nepal và sẽ giúp đỡ thêm có thể được để đảm bảo sự phát triển toàn diện của Nepal.”
Ấn Độ sẽ xây 50.000 ngôi nhà tại Nepal, đã bị phá hủy vì một trận động đất vào tháng 4 năm ngoái và cũng hỗ trợ các dự án y tế và giáo dục tại những khu vực bị san bằng vì trận động đất làm nhiều người thiệt mạng.
Hai vị Thủ tướng cũng khánh thành một đường dây tải điện cung cấp điện của Ấn Độ cho Nepal theo một chương trình tín dụng của Ấn Độ trị giá 13,5 triệu đô la.
Ông Modi nói sự thành công của tân hiến pháp dân chủ Nepal tùy thuộc vào sự đồng thuận và đối thoại. Ấn Độ đang dựa vào Kathmandu để giải quyết những thống khổ của các sắc dân thiểu số Ấn Độ, Những sắc dân này than phiền là không có đại diện chính trị thích đáng trong hiến pháp mới của Nepal. Việc này đã gây nên những bất bình trong số các nhà lãnh đạo Nepal. Những người này xem đây là sự can thiệp vào nội bộ Nepal. Tuy nhiên các nhà phân tích Ấn Độ nói New Delhi không muốn có những xáo trộn chính trị gần biên giới Ấn Độ.
Cùng một lúc, các nhà quan sát chính trị nói điều quan trọng đối với Ấn Độ là giữ các mối quan hệ thân hữu với một quốc gia nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya.
Ông Jayadeva Ranade thuộc Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc tại New Delhi, nêu lên việc Trung Quốc đang lôi kéo Nepal bằng viện trợ và đầu tư, và nói rằng Kathmandu đã tiến gần đến Bắc Kinh trong những năm gần đây.
Ông Ranada nói thêm Ấn Độ lo ngại về việc này vì “Ấn Độ không thích ảnh hưởng của Trung Quốc đến ngay ngưỡng cửa của Ấn Độ. Việc này có nghĩa là toàn bộ vòng đai Ấn Độ-Himalaya chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và đây là một mối quan tâm của chúng ta.”