Bộ Ngoại giao Ấn Độ mới tuyên bố rằng thông tin về việc nước này đã giao tên lửa hành trình tối tân BrahMos cho Việt Nam “không chính xác”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar hôm 18/8 được Press Trust of India dẫn lời nói rằng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã bác tin này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo ở Hà Nội một ngày trước đó về việc Việt Nam vừa nhận lô tên lửa Brahmos, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng không khẳng định hay phủ nhận tin này.
Trước hết, bà Hằng đề cập tới chuyện “hợp tác an ninh – quốc phòng giữa hai nước đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới”.
“Cũng cần nhấn mạnh rằng, chúng tôi kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ. Việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước”, bà nói thêm.
Nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam chốt lại: “Về câu hỏi cụ thể của phóng viên, chúng tôi sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng liên quan”.
Tới ngày 20/8, Bộ Quốc phòng Việt Nam chưa lên tiếng về thông tin liên quan tới BrahMos.
Ít ngày trước đó, trang tin World Tribune ở Mỹ dẫn lời một nhà phân tích nói rằng “chuyện Ấn Độ bán tên lửa siêu thanh tầm ngắn có khả năng chống hạm cho Việt Nam" dẫn tới một cuộc xung đột mới với Trung Quốc trong khi quan hệ Bắc Kinh và New Delhi vốn đã căng thẳng.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm ngoái từng bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ nỗ lực hơn nữa để duy trì hòa bình và ổn định khu vực thay vì làm điều ngược lại, sau khi các tin tức nói rằng New Delhi có kế hoạch triển khai tên lửa Brahmos dọc theo biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Tin tức về việc Hà Nội và New Delhi thương thảo chuyện mua bán Brahmos đã râm ran suốt nhiều năm qua, và các nhà quan sát từng nói với VOA Việt Ngữ rằng Việt Nam muốn “tậu” loại vũ khí do Ấn Độ và Nga liên doanh sản xuất này nhằm “đương đầu” với Bắc Kinh.
Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi từng lệnh cho liên doanh BrahMos, vốn sản xuất tên lửa tối tân trên, tăng cường bán chúng sang năm nước tiềm năng mà đứng đầu là Việt Nam.
BrahMos là hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình để chống hạm, có tầm bắn lên tới 450km, và có thể phóng đi từ đất liền, từ máy bay, từ tàu chiến hoặc tàu ngầm.